1

Nhu Cầu Nguồn Nhân Lực

In

Cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ

Cập nhật 22/08/2016 - 11:13:52 AM (GMT+7)

Khi công nghệ phát triển thì nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực này ngày càng cao.

Trong vài năm qua, công nghệ đã có nhiều tiến bộ. Chẳng mấy chốc, robot và phần mềm tự động sẽ làm phần lớn công việc mà con người hiện giờ làm. Theo báo cáo từ Diễn đàn kinh tế thế giới, khoảng 5 triệu việc làm sẽ bị mất cho tới năm 2020 và con số này sẽ cứ tăng đều khi nhiều công ty dùng robot thay cho con người.

Ngày nay, Công nghệ thông tin đã làm thay đổi nhiều doanh nghiệp. Theo báo cáo này, nhiều việc làm truyền thống bị loại bỏ, và điều đó đặt gánh nặng lên các nước đang phát triển. Tuy nhiên, sẽ có nhiều việc làm mới, các kiểu việc làm khác nhau được tạo ra. Có thay đổi lớn trong cách các công ty làm kinh doanh vì bản chất của công việc đang thay đổi do tự động hóa, có nhu cầu cao về những kỹ năng mới có thể giúp mọi người thịnh vượng trong nền kinh tế toàn cầu.

Theo báo cáo, các kỹ năng công nghệ sẽ có nhu cầu cao trong năm mươi năm tới. Việc làm lĩnh vực này sẽ tăng trưởng tới 22%. Tới năm 2025, sẽ thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng. Báo cáo này cảnh báo rằng nhu cầu nhân sự công nghệ tăng cao không chỉ ở một số nước mà trên toàn cầu vì công nghệ sẽ chi phối mọi nước và mọi doanh nghiệp. Đó là lý do tổng thống Obama ra lệnh cho mọi trường công của Mỹ từ nhà trẻ tới trường trung học phải dạy khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ tính toán và lập trình để đảm bảo khi trẻ em Mỹ lớn lên có kỹ năng đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông ấy đã công bố mục đích về bổ sung 100.000 thầy giáo STEM mới (Khoa học, Công nghệ, Kỹ nghệ và Toán học) vào các trường công trong mười năm tới. Đức và các nước đã dạy STEM trong trường công của họ trong vài năm qua. Năm nay, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore cũng công bố họ đang thay đổi chương trình giáo dục để hội tụ nhiều hơn vào Khoa học và Công nghệ.

Theo một khảo cứu toàn cầu, thay đổi hướng tới Khoa học và Công nghệ sẽ yêu cầu các nước nỗ lực đào tạo lại cho các giáo viên, điều mà nhiều nhà giáo dục không thích. “Tôi từng dạy trường công trong nhiều năm, và sẽ sớm về hưu, giờ bảo tôi quay lại trường và học công nghệ là điều không thể được”, một thầy giáo giải thích.

Một nhà giáo dục cấp cao khác lên tiếng về ý kiến của mình: “Nói về thay đổi chương trình giảng dạy sang khoa học và công nghệ thì dễ đấy, nhưng điều đó yêu cầu nhiều tiền và không thể xảy ra qua đêm được. Có thể phải mất vài năm hay thậm chí cả thập kỷ”. Khảo cứu này kết luận: “Việc chống lại thay đổi từ các nhà giáo dục công là lực cản mạnh nhất việc dạy khoa học và công nghệ ngày nay”.

Nghiên cứu về dạy khoa học và công nghệ trong đại học cũng thấy rằng khi học sinh vào đại học, nhiều người chọn lĩnh vực STEM (18,5%). Tuy nhiên, chỉ 6,8% hoàn thành học tập của họ trong STEM, nhiều người đổi ý và chuyển sang các lĩnh vực khác. Tại sao có chênh lệch lớn thế giữa lựa chọn khởi đầu và kết quả cuối cùng? Nghiên cứu này thấy rằng nhiều sinh viên không có nền tảng tốt trong khoa học khi vào đại học. Nhiều người lạc quan, nhưng khi họ bị điểm thấp trong một số môn công nghệ, họ trở nên thất vọng và chuyển sang các lĩnh vực khác dễ hơn. Nghiên cứu này kết luận rằng, không phải là sinh viên không thích khoa học và công nghệ, hay không biết về cơ hội việc làm tốt. Vấn đề là thiếu sự chuẩn bị ở trung học và ở phương pháp dạy học truyền thống.

Có bằng chứng rằng phương pháp đọc bài giảng truyền thống không phù hợp với giáo dục khoa học và công nghệ. Đào tạo về khoa học và công nghệ yêu cầu sinh viên thực hành điều họ học và áp dụng chúng để giải quyết các vấn đề và phát triển kỹ năng. Sinh viên sẽ không học gì nhiều nếu họ chỉ nghe bài giảng nhưng họ phải tham gia vào các hoạt động trên lớp. Khi sinh viên tham gia vào trong lớp học; họ học nhiều hơn. Thảo luận trên lớp là một trong những phương pháp thông dụng nhất cho việc đưa sinh viên vào tham gia học chủ động.

Khía cạnh quan trọng khác là khi công nghệ thay đổi nhanh chóng, sinh viên cần phát triển kỹ năng học cả đời và trở thành người bao giờ cũng học những điều mới để bắt kịp. Do đó, họ phải đổi cách học, vì không thể nào ghi nhớ được mọi thứ. Sinh viên cần phát triển các kỹ năng học mới để bắt kịp với nhịp độ thay đổi. Họ cần phát triển khả năng xử lý nhiều thông tin mà họ thấy đang xảy ra mỗi ngày và nhận ra nghĩa của nó. Khi khối lượng thông tin liên tục tăng lên, sinh viên phải học cách xử lý chúng nhanh chóng, đó là lý do tại sao việc đọc bài giảng và học ghi nhớ sẽ không có tác dụng.

Bên cạnh tri thức và kỹ năng trong công nghệ, sinh viên cũng phải hiểu cách các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp toàn cầu làm việc. Cho dù họ làm việc trong một công ty nhỏ hay nước nhỏ, họ phải hiểu cách doanh nghiệp toàn cầu vận hành và cách công nghệ đang làm thay đổi bản chất công việc. Điều đó có nghĩa là họ sẽ phải đọc nhiều hơn, và liên tục học nhiều hơn để tận dụng ưu thế của những cơ hội mới trong đời họ.

Giáo sư John Vũ
Viện trưởng Viện nghiên cứu phần mềm Đại học Carnegie Mellon (Mỹ)
Kỹ sư trưởng của Tập đoàn Boeing