1

Người Thành Công

In

Nữ giáo sư toán học thứ 2 Việt Nam: Người phụ nữ có nghị lực phi thường!

Cập nhật 26/10/2015 - 09:52:56 AM (GMT+7)

Thông tin Việt Nam có nữ giáo sư toán học thứ 2 sau nữ giáo sư Hoàng Xuân Sính đã khiến dư luận trầm trồ ngưỡng mộ - đó là PGS.TS Lê Thị Thanh Nhàn – ĐH Thái Nguyên. Để có được thành công ngày hôm nay là sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của người phụ nữ sinh năm 1970 khu vực miền núi này.

Tuổi thơ nghèo khó

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí khi chị Lê Thị Thanh Nhàn trở thành nữ Phó Giáo sư toán học trẻ nhất Việt Nam (năm 2006) chị tâm sự cơ duyên đến với “nghiệp” toán học: “Tôi thích toán, thích những con số bởi đó là sự chính xác và đầy những bất ngờ. Chuyện làm Toán của tôi cũng giống như mọi chuyện khác vậy, có cả những niềm vui lẫn cả nỗi buồn, những khó khăn và thuận lợi”.

Những niềm vui lẫn cả nỗi buồn của Tân nữ Giáo sư Toán học của Việt Nam lần thứ 2 (năm 2015) thực sự đã khiến nhiều người thán phục và ngưỡng mộ bởi một tài năng rèn luyện từ gian khó và một nghị lực phi thường mới làm nên điều này.

Thái Phương, một người đồng nghiệp của chị Nhàn ở trường ĐH Khoa học Thái Nguyên đã viết lời chia sẻ: “Chị Nhàn sinh ra trong gia đình nghèo, có 5 người con, nhà toán học Lê Thị Thanh Nhàn lớn lên từ bữa đói, bữa no, từ củ khoai, củ sắn... Năm 1985, mới học lớp 9, mẹ của Nhàn đã phải bán nhà và ứng trước nhiều tháng gạo bao cấp của cả nhà để có tiền cùng các em về Huế chăm bố ốm.  Nhàn ở lại Thái Nguyên trong căn nhà đã bán, bắt cua, cất vó, kiếm củi, trồng rau, mót lúa... để tự mưu sinh.

Hai chị gái của Nhàn đang là sinh viên Đại học Nông nghiệp 3 trong thời  bao cấp, thỉnh thoảng dành dụm mang về cho Nhàn chút gì đó để ăn. Hàng xóm khi củ khoai, nắm gạo, lúc nải chuối xanh, mớ cà... đùm bọc, cưu mang cô bé. Thế nhưng, ngọn lửa đam mê toán học trong cô gái nghị lực phi thường ấy được nhen lên từ những tháng ngày khốn khó, thiếu thốn về vật chất và tinh thần đó.

Bốn năm học đại học được bao cấp (dù là ngô hay hạt mạch thì vẫn có để ăn) nên cô sinh viên bé nhỏ đầy nghị lực đó đã có điều kiện để miệt mài đèn sách. Những năm tháng ấy, Nhàn được sống trong tình cảm ấm áp, yêu thương, sẻ chia của các thầy cô giáo và bạn bè khoa Toán trường Đại học sư phạm Việt Bắc. Biết được hoàn cảnh khi cha mất ở Huế không có tiền về, kì nghỉ hè năm học thứ nhất, chiếc vé xe lửa do bạn bè cùng lớp dành cho đã đưa Nhàn về thăm mộ cha. Hai mươi lăm năm qua, từ ngày cha mất, Nhàn vẫn không nguôi day dứt bởi đã chưa một ngày nào được chăm sóc cha.

“Những mảnh ký ức một thời của Nhàn khiến chúng tôi, những người cùng trang lứa với chị như tìm lại chút tuổi thơ của mình. Có điều, từ giạ lúa, củ khoai... chị trở thành nhà toán học, còn chúng tôi, chỉ là con người rất đỗi bình thường. Cái nhìn trong trẻo, hồn hậu về cuộc đời của PGS. TS Lê Thị Thanh Nhàn giữa biết bao xô bồ của cuộc sống ngày hôm nay, nghị lực và niềm đam mê nghiên cứu khoa học mà chị đã khẳng định bằng những đóng góp có giá trị về lĩnh vực Đại số Giao hoán trong làng toán Việt Nam và quốc tế... phải chăng được nuôi dưỡng từ những tháng ngày ấu thơ nhọc nhằn, gian truân, thiếu thốn nhưng đầy tình người ấy?” – Thái Phương người đồng nghiệp chị Nhàn chia sẻ.

Một ấn tượng khó phai với phóng viên Dân trí khi trò chuyện với chị Nhàn, năm chị trở thành PGS toán học), chị chia sẻ: “Khi tôi đến xin làm nghiên cứu sinh với GS-TSKH Nguyễn Tự Cường -Viện Toán học Hà Nội, thầy ngại vì sợ sinh viên miền núi như tôi không thể nào làm được. Chồng tôi đã nói với thầy: “Nhàn yêu Toán và em yêu Nhàn, mong thầy nhận Nhàn là học trò”. Rồi tôi đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với 6/7 phiếu xuất sắc, được thầy khen là học trò giỏi nhất khiến cho tôi cảm thấy rất tự hào”.

Người phụ nữ quý trọng thời gian đến từng giây từng phút

Niềm say mê và hết lòng vì toán học đã đem đến chị Nhàn nhiều thành công, năm 35 tuổi, chị được phong hàm PGS.TS toán học (năm 2005). Khi đó, chị có hơn 20 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí thế giới Vietnam Journal of Math và Communication in Algebra - một tạp chí chuyên ngành Đại số của Hội Toán học Mỹ.

Quý trọng tài năng của chị, Viện Toán học Pháp, Viện Vật lý lý thuyết của Italia và Thuỵ Sĩ mời sang nghiên cứu. Tuy nhiên, chị đã từ chối - “Tôi muốn gắn bó với trường ĐH Thái Nguyên, nơi đã đào tạo mình trưởng thành”.

Ghi nhận những đóng góp của chị Nhàn, năm 2011, chị là một trong những phụ nữ thuộc ngành toán học Việt Nam được trao tặng Giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a. Ðây là một giải thưởng có ý nghĩa và là sự công nhận lớn lao đối với các nhà khoa học nữ Việt Nam. 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao giải thưởng Kovalevskaia cho PGS-TS Lê Thị Thanh Nhàn

Được biết, ngoài việc tham gia quản lý tốt đơn vị, hằng năm, chị Nhàn còn trực tiếp tham gia hơn 300 giờ giảng và có nhiều bài báo được hội đồng khoa học đánh giá cao. Trong nghiên cứu khoa học, đến nay chị Nhàn đã chủ nhiệm một đề tài khoa học cấp Nhà nước (ở Quỹ Nafosted), hai đề tài khoa học cấp bộ, công bố 16 công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực Đại số giao hoán trên các tạp chí toán quốc tế có uy tín như: SCI, SCIE, Journal of Algebra và Communications in Algebra, nhiều bài viết của chị được các nhà khoa học ở nhiều nước trên thế giới đánh giá cao.

Bằng năng lực, uy tín của mình, chị thường xuyên được mời phản biện các bài báo khoa học cho các tạp chí toán trong nước và quốc tế, như tạp chí: Vietnam J. Math, Acta Math, Vietnamica, London Math và tham gia báo cáo tại nhiều diễn đàn hội nghị đại số tổ chức trong và ngoài nước.

Một đồng nghiệp của chị Nhàn ví chị như “Xương rồng trổ hoa” tâm sự: “Khi làm việc hay tiếp xúc với Nhàn, tôi cũng như nhiều người, chưa bao giờ có cảm giác đang đứng trước thủ trưởng, cho dù rất kính phục tài năng và nhân cách của chị. Chị luôn tạo cho người đối diện cảm giác thân thiện từ ánh mắt hiền hòa, nụ cười trong sáng, lối nói giản dị, chân thành đến suy nghĩ và tâm hồn rất đỗi hồn hậu, trong sáng. Nhìn bóng dáng nhỏ nhắn, lúc nào cũng hối hả, gấp gáp, và đặc biệt là nhìn vào hiệu quả công việc của chị, người ta mới hiểu, người phụ nữ ấy quý trọng quỹ thời gian đến từng giây từng phút”.

Trên bàn làm việc, giữa bộn bề công văn đến – đi, kế hoạch triển khai công tác nghiên cứu, hội thảo, liên kết đào tạo quốc tế..., là chồng sách vở với con số toán học. Thì ra, ngoài thời gian dành cho công tác quản lý, PGS.TS Lê Thị Thanh Nhàn vẫn luôn dành thời gian cho tình yêu toán học, xem đó như “góc riêng tư” của đời mình.

Cần trân trọng những công trình khoa học cơ bản

Trong cuộc tọa đàm về chính sách nhằm khuyến khích giảng viên nữ và các nữ sinh viên nghiên cứu khoa học, chị Nhàn đã bộc bạch và chia sẻ những vất vả, gian lao của chị em phụ nữ làm khoa học, đặc biệt là phụ nữ đang công tác tại khu vực miền núi: "Nghiên cứu khoa học đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ có gia đình là một thử thách gian lao. Bởi, ngoài công việc xã hội, chúng tôi còn phải đảm đương thiên chức của người phụ nữ. Công việc gia đình, cơ quan, xã hội… thực tế, đã chiếm hầu hết thời gian của chị em. Đúng là, nếu thực sự không có lòng say mê khoa học, không có sự cảm thông, chia sẻ giúp đỡ của người thân, đặc biệt là chồng con thì khó lòng có thể yên tâm nghiên cứu khoa học. Cho nên, để có được sự đóng góp thật sự, dù là nhỏ cho khoa học thì phụ nữ chúng tôi phải đổi bằng năm, bằng tháng, bằng sự hi sinh của chính mình và của người thân".

Từ những khó khăn trên, theo chị Nhàn, để khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học đối với phụ nữ, cần trân trọng hơn nữa và đánh giá xứng đáng giá trị các sản phẩm khoa học, nhất là các công trình khoa học cơ bản. Riêng đối với phụ nữ khu vực miền núi nên có chính sách ưu tiên, hỗ trợ hợp lý để họ có thêm những cơ hội được tham gia và cống hiến cho khoa học.


Tân giáo sư toán học Việt Nam - Lê Thị Thanh Nhàn

Tân giáo sư toán học Việt Nam - Lê Thị Thanh Nhàn

Ngoài ra, PGS. TS Lê Thị Thanh Nhàn còn mong muốn ngày càng có nhiều tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm và tổ chức giải thưởng nhằm tôn vinh, hỗ trợ, khuyến khích và thu hút các nhà khoa học nữ, đặc biệt là các bạn trẻ tham gia nghiên cứu khoa học.

TS. Nguyễn Thị Kiều Nga – một trong số nghiên cứu sinh do cô giáo Lê Thị Thanh Nhàn hướng dẫn cho biết: “Trước đây, tôi luôn tự hỏi: “Không hiểu Cô làm thế nào để có thể làm ngần ấy việc cùng một lúc: Vừa là một Phó Hiệu trưởng có năng lực của một trường Đại học, vừa là một nhà khoa học xuất sắc với 16 công trình nghiên cứu Toán học được công bố trên các Tạp chí toán quốc tế, trong đó có 7 công trình công bố trên Journal of Algebra – Tạp chí quốc tế uy tín trong chuyên ngành Đại số, vừa là vợ hiền, người mẹ của hai con ngoan và học giỏi... Được làm việc với Cô, tôi đã tìm được câu trả lời: Đó là lòng say mê khoa học, sự tâm huyết với nghề và tấm lòng nhân hậu. Tất cả những điều đó đã cho Cô nghị lực phi thường để làm mọi việc”.