Tin Tức Các Báo
InLàm thế nào để học sinh hào hứng học?
Cập nhật 04/03/2013 - 08:57:20 AM (GMT+7)Trước tình hình nhiều học sinh không say học, nhiều thầy cô không đổi mới cách dạy, đã có các thầy cô giáo trăn trở về khơi dòng nhiệt huyết của người thầy để giờ học có sinh khí.
Mới đây, một hội thảo được coi là đặc biệt vừa được tổ chức chiều ngày 28/2 với sự tham dự của lãnh đạo và giáo viên bậc trung học phổ thông đến từ nhiều trường ở Hà Nội. Hội thảo đã bàn luận sôi nổi về đổi mới dạy học bằng tạo sinh khí dạy và học.
Sinh khí cứu học sinh khỏi “khổ học”
Lâu nay, ngành giáo dục nước nhà luôn vận động đổi mới phương pháp dạy học để học sinh không “khổ học”. Đã có nhiều cuộc vận động nhưng việc đổi mới vẫn ngày càng bức thiết, các thế hệ học sinh vẫn lớn lên từng ngày mà đổi mới “cải tổ” lại rất cần kiên nhẫn. Thế nên xã hội dù thông cảm cũng không thể nén được sự “sốt ruột” chung.
Đặt vấn đề tạo sinh khí trong dạy học là nói đến sự hào hứng, say mê trong dạy và học. Sinh khí ấy không đích thị là nội dung mà cũng không hoàn toàn là phương pháp, song lại hình thành trên cơ sở nội dung vững vàng, phương pháp hiệu quả.
Sinh khí là tâm thế dạy và học giúp người dạy hào hứng dẫn lối - học trò vui say nhập cuộc. Có cô giáo dạy văn ví sinh khí như tiếp lửa là vì giúp châm nhen, rồi mồi dẫn khiến toàn bài sống động.
Cô giáo Ngô Thị Thành môn Lịch sử coi sinh khi là “mắt xích đầu tiên”, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh dạy môn Tin học lại cho rằng đó là cái đạt đến sau cùng với một sơ đồ mình chứng đầy thuyết phục, có cô giáo dạy văn lại cho sinh khí là tiếp lửa. Còn cô giáo dạy giáo dục công dân lại nhấn mạnh sinh khí là tâm thế của người thầy. Dù theo cách nghĩ nào thì Sinh khí cũng là điều không thể thiếu trong mỗi giờ dạy. Đó là sức sống của giờ dạy.
Tâm sự của thầy, cô giáo về sinh khí dạy học
Cô Bùi Thị Thu Cúc, Tổ trưởng Tổ Toán - Tin của Trường THPT Phan Huy Chú (Q. Đống Đa) nói: Để tạo được sinh khí dạy và học người thầy dạy Toán càng cần phải trau dồi về mọi mặt để đủ tầm, đủ tâm, đủ lực, đủ tự tin để truyền được hứng thú cho học trò bằng những cách riêng của mình. Nhờ vậy môn Toán không còn khó, khô và làm khổ người học. Đó chính là thành công của việc tạo sinh khí cho việc dạy và học Toán.
Thầy Nguyễn Văn Thông - giáo viên dạy Vật Lý của Trường THPT Phan Huy Chú tâm sự: “Tạo niềm ham mê học tập cho học sinh là điều trăn trở suốt cả đời người dạy học.”
Lớp học hào hứng ở Trường THPT Phan Huy Chú
Là giáo viên dạy Lịch Sử, cô giáo Tạ Ngọc Tú cho rằng: “Một tiết dạy được gọi là thành công để học sinh không bị những cơn buồn ngủ bủa vây và “chống buồn ngủ” hữu hiệu bằng việc tạo sinh khí dạy và học.”
Còn cô giáo Bùi Thị Ngọc Lan, giáo viên Ngữ văn - Trường THPT Hoàng Cầu đã khẳng định đầy thuyết phục về “Âm nhạc - Hiệu ứng khơi nguồn sinh khí cho giờ dạy và học văn.” Cô Lan không chỉ nêu việc hỗ trợ của âm nhạc mà cô còn đặt ra vấn đề tránh lạm dụng và thiếu chọn lọc âm nhạc khi lồng vào các giờ dạy.
Rất thực tế, cô giáo Lương Thị Kim Thanh, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Đống Đa chia sẻ: “Sự đồng cảm giữa giáo viên và học sinh trong giờ học chưa có nhiều. Người dạy Văn gặp không ít khó khăn. Có khi là học sinh mất trật tự, cô phải kiêm luôn cả “bảo mẫu”, có học sinh thì chỉ khi nào giáo viên đọc thì trò chép, khi cô giảng thì nói chuyện riêng, khi giáo viên nhắc nhở không mất trật tự thì lại ngủ gật.
“Tuy nhiên trong thực tế có những giờ học không tạo được sinh khí, tức là có những giờ mà tư duy học sinh không chuyển động, tâm hồn vẫn yên ắng, nhận thức vẫn “giậm chân tại chỗ”…đó là những giờ học im lìm - giờ học ‘chết’,” cô giáo Thanh trăn trở. Cô Thanh còn cho biết cô đã áp dụng tạo sinh khí môn Ngữ văn thế nào khiến cả hội thảo cùng đồng tình với cô.
Ý kiến từ các nhà quản lý
Thực tế, từ mỗi mái trường sinh khí đều từ Ban giám hiệu, đứng đầu là Hiệu trưởng. Hiệu trưởng như người nhạc trưởng mang sinh khí đến cho mọi giao hưởng dạy và học thành công ở mỗi ngôi trường.
Đứng ở góc độ của một người làm quản lý, phụ trách hoạt động chuyên môn, cô giáo Nguyễn Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Q. Đống Đa) đã đặt ra câu hỏi: Ai sẽ là người khơi dậy và tiếp thêm lửa nhiệt tình, say mê, để giáo viên cháy hết mình trong giờ dạy, để mỗi giờ học luôn tràn đầy sinh khí?
Sau đó, cô Hà đưa ra lời đáp cần là từ tất cả các cấp quản lý. Nhưng điều cần lắm lắm chính là trái tim yêu nghề và tấm lòng với con người của mỗi thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp.
Cô Hà nói: “Thay vì trông chờ vào một giải pháp, một chế độ đãi ngộ hợp lí nào đó từ phía Bộ, Sở hay các nhà quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo hãy tự mình thắp lửa, ngọn lửa nhiệt tâm, trí tuệ, say mê, để những giờ học luôn tràn đầy sinh khí, để những bài học mãi theo đi trong kí ức của học trò.”
Với tư cách là Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Q. Đống Đa) đã có những lời chia sẻ chân tình: “Khi đã chọn bục giảng làm sự nghiệp của đời mình, mỗi thầy, cô giáo đều mong muốn giỏi nghề. Cuộc vận động đổi mới phương pháp dạy học vô cùng có ý nghĩa nhưng các bước đổi mới như thế nào hiệu quả.”
Với sự tham gia của các trường trung học phổ thông lần này, có thể thấy trong cụm Trường THPT Đống Đa cũng đã có trăn trở về việc đổi mới bắt đầu từ tạo sinh khí. Sinh khí sẽ tiếp sức cho giáo viên “luyện nghề” bằng nhiệt tâm cho mỗi giờ lên lớp.
"Hành trình của chúng tôi mới bắt đầu và mỗi giáo viên đều có ý thức về việc cần tự tạo sinh khí và luôn mang sinh khí đến cho nhau để nahan lên lòng yêu nghề,” cô Nhiếp nói.
Tham dự hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng khẳng định: “Hội thảo lần này đặt vấn đề “Tạo sinh khí” trong dạy và học là rất hay, rất độc đáo và hiệu quả. Tham dự Hội thảo này có nhiều thầy cô hiệu trưởng, giám hiệu các trường nên tôi nghĩ rằng việc nhân lên vận động tạo sinh khí trong các nhà trường là rất có ích. Hiện nay xã hội quan tâm và “kêu” về giáo dục rất nhiều nhưng tôi nghĩ làm giáo dục hôm nay rất khó, đầy thách thức. Và chúng ta phải bàn nhau đẩy mạnh việc tạo sinh khí.”
Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, đội ngũ giáo viên là quan trọng nhất vì trong nghề dạy học không sáng tạo là khó tồn tại đúng nghĩa. Mỗi người mang trong mình trách nhiệm sáng tạo suốt đời. Sản phẩm giáo dục là nhân cách chứ không phải chỉ là thi cử, thi vào khối này, hay khối kia.
(Theo Báo Dân Trí)