Nhu Cầu Nguồn Nhân Lực
InCNTT đến với 70% dân chúng vào năm 2020
Cập nhật 28/02/2013 - 02:09:22 PM (GMT+7)Theo bản “Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam đến năm 2020” vừa được Bộ Truyền thông - Thông tin phê duyệt, từ nay đến năm 2020, 90% lao động tại các doanh nghiệp và trên 70% dân cư có thể sử dụng các ứng dụng CNTT.
Bộ trưởng Thông tin&Truyền thông (TT-TT) Lê Doãn Hợp vừa chính thức ký quyết định số 05/2007/QĐ-BTTTT phê duyệt “Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đến năm 2020”.
Theo quyết định này, dự kiến đến năm 2015, ở bậc đại học, cao đẳng đảm bảo tỷ lệ 15 sinh viên có 1 giảng viên CNTT, 70% giảng viên đại học và trên 50% giảng viên cao đẳng có trình độ thạc sĩ (Th.S) trở lên, trên 50% giảng viên đại học và ít nhất 10% giảng viên cao đẳng có trình độ tiến sĩ (TS). Đến năm 2020, trên 90% giảng viên đại học và trên 70% giảng viên cao đẳng có trình độ Th.S trở lên, trên 75% giảng viên đại học và ít nhất 20% giảng viên cao đẳng có trình độ TS.
Từ nay đến 2015, việc đào tạo CNTT, điện tử, viễn thông ở bậc đại học phải đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN, 80% sinh viên công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông tốt nghiệp ở các trường đại học trong nước có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế.
Dự kiến, đến năm 2020, đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông tại nhiều trường đại học đạt trình độ quốc tế, 90% sinh viên công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông tốt nghiệp ở các trường đại học có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế.
Bộ TT-TT còn đặt mục tiêu, đến năm 2015, toàn bộ học sinh các trường THPT, THCS và 80% học sinh các trường tiểu học được học tin học. Đến năm 2015, 100% giáo viên các cấp có thể sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho giảng dạy.
Bộ cũng đặt mục tiêu, các doanh nghiệp sẽ được cung cấp 250.000 người có chuyên môn về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông từ nay đến năm 2015.
Ngoài ra, theo Bộ TT-TT, đến 2015, tất cả cán bộ, công chức, viên chức các cấp, 100% cán bộ y tế, 80% lao động trong các doanh nghiệp và trên 50% dân cư có thể sử dụng các ứng dụng CNTT. Đến năm 2020, 90% lao động trong các doanh nghiệp và trên 70% dân cư có thể sử dụng các ứng dụng CNTT.
Theo Bộ TT-TT, để các mục tiêu này trở thành hiện thực, cần phải thực hiện một số giải pháp cụ thể như phát triển mô hình đào tạo theo nhu cầu đặt trước của các doanh nghiệp, dạy CNTT bằng tiếng Anh, ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho đào tạo TS, Th.S về CNTT, điện tử, viễn thông, v.v…
Ngoài ra, cũng cần mở rộng quy mô đào tạo CNTT, điện tử, viễn thông tại khu vực các TP. Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, TP. HCM, Cần Thơ…
Bộ TT-TT sẽ là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục& Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai quy hoạch và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù cho đào tạo nhân lực CNTT.