Tin Tức Các Báo
InNăm 2013 dừng mở ngành ngân hàng, kế toán
Cập nhật 09/01/2013 - 08:14:18 AM (GMT+7)Bên cạnh việc tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa 'đầu ra' như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán, Bộ Giáo dục sẽ kiến nghị Thủ tướng không cho phép mở các trường đại học đào tạo các ngành này.
Chiều 18/12, tại Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp về việc thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội. Theo báo cáo, hiện nay các bộ, ngành đã rà soát, sắp xếp lại nguồn nhân lực phù hợp hơn với ngành mình. Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết Bộ sẽ có khuyến cáo về những ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu lớn.
"Từ năm 2013 sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa 'đầu ra' như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán, đồng thời kiến nghị Thủ tướng không cho phép mở các trường đại học đào tạo các ngành này", Bộ trưởng Luận nói.
Năm 2013, để đào tạo nhân lực theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, Bộ Giáo dục giao 1.400 chỉ tiêu cho một số cơ sở giáo dục để đào tạo cán bộ nguồn cho các tỉnh, thành ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Mùa tuyển sinh 2012, nhiều đại học công lập và ngoài công lập đã phải đóng cửa một số ngành vì tuyển không đủ chỉ tiêu. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Còn Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho hay, qua rà soát nhu cầu nhân lực cả nước, Bộ đã xác định được trong giai đoạn 2011-2015 mỗi năm cần bổ sung khoảng 1,86 triệu lao động đã qua đào tạo nghề, giai đoạn 2016-2020 cần thêm 2,18 triệu lao động.
Bộ sẽ ban hành khung trình độ đào tạo nghề quốc gia nhằm cải thiện chất lượng và và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, đảm bảo việc so sánh và công nhận quốc tế về văn bằng, chứng chỉ nghề, công nhận kỹ năng nghề của lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế.
Thảo luận về các giải pháp để công tác quy hoạch nhân lực được vận hành có hiệu quả vào năm 2013, các bộ ngành đề xuất, trong thời gian tới Chính phủ chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thành lập hội đồng phát triển nhân lực có sự tham gia của các sở ngành, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trên địa bàn.
Bộ Giáo dục phối hợp với Bộ Lao động lập kế hoạch kiểm tra một số địa phương, bộ ngành và một số tập đoàn kinh tế lớn về việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực, đào tạo theo nhu cầu xã hội; đồng thời tổ chức hội nghị về thông tin thị trường lao động, dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo để có sự phân công phối hợp hiệu quả của một số trung tâm dự báo thuộc các bộ ngành có liên quan và chỉ đạo thu thập, xử lý thông tin từ trung ương đến địa phương...
Cho rằng các bộ ngành, địa phương đã cơ bản phê duyệt được quy hoạch nhân lực, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, trước 25/12, Bộ Tài chính hoàn thành hướng dẫn về cơ chế tài chính làm cơ sở để các bộ ngành triển khai việc quy hoạch nhân lực. Năm tới, từng bộ, ngành cần tổ chức hội nghị chuyên đề để thảo luận về công tác quy hoạch và phát triển nhân lực, nhân lực trình độ cao. Các bộ chủ quản quản lý các trường đào tạo cần có kế hoạch triển khai đánh giá về chất lượng đào tạo. Đồng thời, quý 1/2013, các bộ cần phải khẩn trương phê duỵệt quy hoạch nhân lực các trường đào tạo.
Ông Nhân cũng đề nghị Bộ Giáo dục phối hợp với Bộ Lao động xây dựng đề án khung trình độ quốc gia, trình Thủ tướng ban hành. Tháng 6/2013, Bộ Giáo dục trình đề án giải quyết việc làm cho sinh viên đã tốt nghiệp đại học chưa có việc làm; đồng thời đề xuất cơ chế để các trường chủ động tuyển sinh phù hợp.
Đối với sinh viên tốt nghiệp đại học, thạc sĩ ở nước ngoài, Bộ Giáo dục lập tramg web giúp họ đăng ký thông tin tìm việc làm để các cơ quan, doanh nghiệp trong nước lựa chọn. Phó thủ tướng cũng yêu cầu sớm sơ kết việc thực hiện thí điểm đào tạo nhân lực cho khu kinh tế Vũng Áng.
Theo Chinhphu.vn