1

Tin Nghiên Cứu Khoa Học

In

Thi NCKH cho học sinh: nhiều kỳ vọng, lắm băn khoăn

Cập nhật 03/01/2013 - 08:04:14 AM (GMT+7)

Từ năm 2013, Bộ GD-ĐT chính thức triển khai kỳ thi học sinh nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia. Đến nay đã có hơn 30 tỉnh, thành hưởng ứng. Tuy nhiên, nhiều người lo cuộc thi bị coi như hoạt động phong trào.

Đỗ Hoàng Hải, học sinh Trường THPT Việt Đức - Hà Nội, thành viên nhóm nghiên cứu chế tạo pin từ củ khoai tây với đề tài được giải ba hội thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia năm 2012

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng kỳ thi khó có tác động trực tiếp tới hoạt động dạy học chính khóa như kỳ vọng của Bộ GD-ĐT nếu các trường hiện nay vẫn coi đó như một hoạt động mang tính phong trào.

Kỳ vọng thay đổi cách dạy - học

Lần đầu tiên VN có thí sinh dự kỳ thi khoa học kỹ thuật (ISEF) dành cho học sinh trung học tại Mỹ cách đây năm năm. Tuy nhiên ba năm đầu, việc lựa chọn học sinh đi thi là do một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin đứng ra hướng dẫn, tuyển chọn, tài trợ và thắng lợi thu về chỉ là những trải nghiệm mới mẻ.

Từ năm 2012, Bộ GD-ĐT chính thức đứng ra đưa học sinh đi thi trên cơ sở tuyển chọn học sinh từ năm địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Huế, Lâm Đồng, Đà Nẵng. Đề tài “Xử lý nước mặn thành nước ngọt bằng kỹ thuật chân không và năng lượng mặt trời phục vụ sinh hoạt” của một nhóm gồm ba học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) được đưa đi dự thi đã giành giải nhất trong lĩnh vực điện và cơ khí.

Chiến thắng bất ngờ này là một cơ sở quan trọng để Bộ GD-ĐT quyết tâm ban hành quy chế thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ngay trong năm học 2012-2013 và sẽ được tổ chức hằng năm. Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ: “Việc tổ chức thêm sân chơi trí tuệ này nhằm góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đổi mới cách đánh giá kết quả học tập, phát triển năng lực của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học”.

Nhiều nhà quản lý giáo dục cũng hồ hởi với kỳ thi này. Ông Nguyễn Thiết Sơn - hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, Hà Nội - nhận xét kỳ thi sẽ đem lại những điểm tích cực nhằm phát huy khả năng sáng tạo của học sinh. Các em có cơ hội hoạt động nhóm, giao tiếp, ứng xử, hùng biện...

Cuộc thi cũng là cơ hội để thầy cô giáo, các nhà khoa học và học sinh có sự tương tác, hỗ trợ, trao đổi để cùng giải quyết các vấn đề khoa học. Điều này khiến các em học sinh tự tin, chủ động hơn trong việc nắm bắt kiến thức. “Giáo viên từ hoạt động này cũng có thể thay đổi cách dạy học, bản thân giáo viên cũng tự thấy phải năng động hơn, tìm tòi đổi mới cách thức dạy học cũng như hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học” - ông Sơn nhận xét.

Theo Bộ GD-ĐT, hiện đã có hơn 30 địa phương đăng ký dự thi. Dự kiến tháng 3-2013 sẽ tổ chức kỳ thi cấp quốc gia, đề tài được giải nhất toàn cuộc sẽ được mang sang Mỹ dự kỳ thi ISEF thường niên vào tháng 5-2013.

Đừng để cuộc thi mang tính “phong trào”

Tuy nhiên, theo nhiều nhà giáo, thời điểm này còn hơi sớm để cho rằng cuộc thi học sinh nghiên cứu khoa học, kỹ thuật trở thành cuộc thi “đối trọng” với kỳ thi học sinh giỏi truyền thống hiện nay. Trước hết, điều kiện dạy - học nói chung ở các trường phổ thông hiện nay còn rất nhiều khó khăn nên các trường khó thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong học sinh cũng như trong việc tạo nguồn để tham gia thi thố.

“Cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm của các trường quá sơ sài, khó đáp ứng được yêu cầu của đề tài đòi hỏi thí nghiệm, khảo nghiệm thực tế. Kinh phí để mời nhà khoa học, để khuyến khích thầy trò tham gia, kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho đề tài của các trường còn hạn hẹp, thậm chí nhiều nơi không có” - ông Nguyễn Thiết Sơn nói.

“Để có thể thực hiện được việc nghiên cứu khoa học trong học sinh phổ thông, rất cần sự hợp tác, hỗ trợ của các trường đại học, của các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên đại học, nhưng thực tế các trường phổ thông chưa vươn tới được việc này” - ông Phạm Văn Hùng, giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, cho biết.

“Thí sinh tham dự chỉ là một bộ phận nhỏ nhưng còn gặp vô vàn khó khăn, việc tạo nên sự lan tỏa cho học sinh đại trà là việc không dễ dàng, nếu muốn làm thực chất chứ không phải làm kiểu phong trào” - một giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chia sẻ.

Bên cạnh đó, “Thế nào được coi là “sáng tạo”? Có cách gì để kiểm soát được đề tài dự thi có phải là ý tưởng của thí sinh hay là vay mượn, nếu như cuộc thi bị biến tướng thành cuộc “chạy đua thành tích” như đã xảy ra với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia?” là điều lo ngại của không ít thầy, cô giáo có tâm huyết.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định: “Thí sinh phải chịu trách nhiệm mọi mặt của dự án nghiên cứu, kể cả việc mời người hướng dẫn, chuyên gia đến thực hiện các thí nghiệm, thiết kế, phân tích dữ liệu... Nếu phát hiện có hành vi sai trái, gian lận khoa học bao gồm sao chép, giả mạo, sử dụng sản phẩm của người khác sẽ bị xử lý nghiêm khắc”.

Tuy vậy, cuộc thi vẫn cần hướng dẫn chi tiết hơn nữa, từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến chấm thi, xét giải..., đặc biệt là việc “không đưa kết quả giải thưởng vào bảng thành tích xét thi đua của Sở GD-ĐT các tỉnh, thành” để tránh cho cuộc thi bị biến tướng - một thầy giáo ở Hà Nội nhận xét.

“Để cuộc thi tác động trực tiếp trở lại hoạt động dạy học chính khóa trong nhà trường thì các nhà giáo dục còn phải bàn với nhau nhiều nữa. Nhiều vấn đề về dạy học trong nhà trường được đầu tư, nghiên cứu mãi còn chưa xong, mới phát động một vài cuộc thi thế này làm sao đã chuyển biến được?” - thầy Vũ Đức Thuật, phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), nói.

Quy chế thi

Theo quy chế thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, nội dung dự thi là kết quả nghiên cứu của các dự án, đề tài, công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của một học sinh hoặc một nhóm học sinh phổ thông. Thời gian nghiên cứu của dự án dự thi không quá 12 tháng liên tục và trong khoảng một năm liền kề trước năm tổ chức cuộc thi và trước ngày khai mạc 30 ngày. Có 17 lĩnh vực nghiên cứu được phép chủ yếu liên quan đến kiến thức toán, vật lý, hóa học, sinh học. Quy chế không cho phép những dự án liên quan đến mầm bệnh, hóa chất độc hại, các chất ảnh hưởng đến môi trường.

Đối tượng dự thi có thể là học sinh từ lớp 9-12. Các thí sinh và nhóm thí sinh có người hướng dẫn nghiên cứu. Mỗi thí sinh chỉ được tham gia một dự án dự thi. Thí sinh và nhóm thí sinh sẽ trưng bày sản phẩm nghiên cứu và thuyết trình, trả lời phỏng vấn trực tiếp của ban giám khảo. Đây là những căn cứ để chấm điểm, xét giải.

Các dự án dự thi được chấm theo thang điểm 100. Trong đó điểm sáng tạo, điểm ý tưởng (tư duy) khoa học và mục tiêu nghiên cứu và điểm nỗ lực của cả nhóm (với đề tài nhóm) có tỉ lệ điểm cao hơn.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)