Tin Tức Các Báo
InCông bố nhiều dự thảo quy định mới về giáo dục đại học
Cập nhật 21/12/2012 - 08:05:33 AM (GMT+7)Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giáo dục đại học sẽ có hiệu lực thi hành từ 1.1.2013. Theo đó, các cở sở giáo dục đại học phải sửa đổi và thực hiện theo nhiều quy định mới.
Siết chặt đào tạo không chính quy
Dự thảo quy định nhiều điều kiện ràng buộc đối với cơ sở giáo dục đại học thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên để cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng (CĐ), bằng tốt nghiệp đại học (ĐH).
Theo đó, cơ sở giáo dục đại học được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên (gồm hình thức vừa làm vừa học hoặc đào tạo từ xa) để cấp bằng tốt nghiệp CĐ, bằng tốt nghiệp ĐH khi bảo đảm các điều kiện sau đây: Đã được mở ngành đào tạo tương ứng ở trình độ CĐ, ĐH; có đội ngũ giảng viên đủ số lượng, đạt chuẩn và đồng bộ về cơ cấu để thực hiện đồng thời nhiệm vụ giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực hiện đồng thời nhiệm vụ giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.
Đáng lưu ý, khi thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên để cấp bằng tốt nghiệp CĐ, bằng tốt nghiệp ĐH, cơ sở giáo dục ĐH có trách nhiệm xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, tổ chức quá trình đào tạo phù hợp với năng lực đào tạo của trường, bảo đảm hoàn thành có chất lượng nhiệm vụ đào tạo của mình.
Liên kết phải đảm bảo chất lượng
Trong trường hợp liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục khác thì cơ sở giáo dục ĐH (cơ sở chủ trì đào tạo) chỉ được liên kết với cơ sở giáo dục là: Trường ĐH, trường CĐ, trường trung cấp chuyên nghiệp; trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; các học viện, trường, trung tâm thuộc, trực thuộc: Ban Chấp hành T.Ư Đảng và Chính phủ; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan T.Ư của tổ chức chính trị - xã hội; Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc T.Ư; các học viện, trường, trung tâm thuộc các cấp quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an
Các cơ sở giáo dục được liên kết đào tạo, phải bảo đảm các yêu cầu về môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện và cán bộ quản lý để đào tạo trình độ CĐ, ĐH theo hình thức vừa làm vừa học hoặc đào tạo từ xa. Việc liên kết đào tạo được thực hiện trên cơ sở hợp đồng liên kết đào tạo; cơ sở giáo dục ĐH chủ trì đào tạo chịu trách nhiệm toàn diện về việc liên kết đào tạo.
Dự thảo Nghị định cũng quy định: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về điều kiện về môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện và cán bộ quản lý để đào tạo trình độ CĐ, ĐH theo hình thức vừa làm vừa học hoặc đào tạo từ xa.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên để cấp bằng tốt nghiệp CĐ, bằng tốt nghiệp ĐH cho các cơ sở giáo dục ĐH đủ điều kiện; quy định cụ thể, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên để cấp bằng tốt nghiệp CĐ, bằng tốt nghiệp ĐH của cơ sở giáo dục ĐH, bảo đảm thực hiện theo quy định.
Tự chủ về văn bằng
Điểm mới trong quy định lần này, Bộ giao quyền tự chủ về việc in phôi bằng và đề xuất mẫu văn bằng cho các cơ sở giáo dục ĐH.
Cụ thể: ĐH quốc gia, ĐH vùng, các cơ sở giáo dục ĐH đạt chuẩn quốc gia được in phôi văn bằng trên cơ sở mẫu văn bằng giáo dục ĐH do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành sau khi được Bộ GD-ĐT duyệt mẫu.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định mẫu văn bằng giáo dục ĐH; việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng giáo dục ĐH; phê duyệt mẫu văn bằng giáo dục ĐH do các cơ sở giáo dục ĐH đề xuất.
Tiến sĩ được kéo dài thời gian làm việc
Giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư đang giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục ĐH công lập khi đến tuổi nghỉ hưu có thể được xem xét kéo dài thời gian để làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học (gọi tắt là thời gian làm việc) tại các cơ sở giáo dục.
Điều kiện kéo dài thời gian làm việc được quy định như sau: Cơ sở giáo dục ĐH có nhu cầu về nhân lực cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Giảng viên tự nguyện, có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục ĐH và có đủ sức khỏe để làm việc.
Trường ngoài công lập cũng được nhà nước cấp kinh phí
Dự thảo Nghị định cho biết: Cơ sở giáo dục ĐH tư thục và cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận được hưởng chính sách khuyến khích của Nhà nước. Cụ thể: Được ưu đãi thuế suất, miễn thuế và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; được giao đất; miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê mặt đất, mặt nước; được hỗ trợ trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển đội ngũ giảng viên thông qua các chương trình của Nhà nước; được chia sẻ, sử dụng, khai thác và miễn, giảm kinh phí chia sẻ, sử dụng, khai thác tài nguyên chung của giáo dục đại học do nhà nước đầu tư, các công trình kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật, phúc lợi xã hội ở T.Ư và địa phương cho nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Đặc biệt, các cơ sở đào tạo ngoài công lập sẽ được tham gia cạnh tranh tiếp nhận các dự án đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học như các cơ sở giáo dục đại học công lập. Được Nhà nước giao kinh phí để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ những lĩnh vực mà trường có thế mạnh.
(Theo Báo Thanh Niên)