1

Hướng Nghiệp

In

"Cẩm nang" khi chọn thi vào trường khối kinh tế

Cập nhật 27/02/2013 - 03:14:04 PM (GMT+7)

Khối ngành kinh tế luôn thu hút được sự quan tâm của thí sinh. Lý do là cơ hội việc làm cho bạn rất nhiều và có đủ trường cho bạn lựa chọn. Tuy nhiên, chuyên ngành của kinh tế rất đa dạng đòi hỏi bạn phải có sự lựa chọn chính xác, phù hợp với khả năng của mình.

Đứng top đầu về điểm

ĐH Kinh tế quốc dân dẫn đầu với điểm sàn trúng tuyển vào trường là 24 điểm khối A và 26,5 điểm khối D. Điểm chuẩn các ngành "hot" như Tài chính ngân hàng là 26,5 điểm, Kế toán 25 điểm, Kinh tế 25 điểm.

 

Trường ĐH Ngoại thương cũng có điểm chuẩn trên 21 điểm, trong đó cao nhất là khối A ở cơ sở phía Bắc với 26 điểm.

 

Học viện Tài chính điểm sàn trúng tuyển khối A là 21,5 điểm, nhưng ngành Kế toán ở đây lại thi khối A và điểm chuẩn là 23,5 điểm.

 

Trường ĐH Ngân hàng TP HCM có điểm chuẩn cho ngành Tài chính ngân hàng là 22,5 điểm. Đây là mức điểm khá cao so với mặt bằng chung của các trường ĐH phía nam.

 

Trường top giữa có thể kể đến là ngành Tài chính - Ngân hàng của ĐH Hà Nội 20 điểm, khối D 27 điểm (nhân hệ số 2); ĐH Công đoàn khối A 18,5 điểm, khối D 17 điểm; ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội khối A 15 điểm, khối D 14 điểm; ĐH Hồng Đức khối A 15, khối D 14 điểm; ĐH Vinh 16,5 điểm (khối A); ĐH Kinh tế thuộc ĐH Huế, ngành Tài chính - Ngân hàng lấy điểm chuẩn là 20,5; Kế toán là 19,4 khối A và 18,5 khối D.

 

Nếu khả năng của bạn vẫn chưa thể đáp ứng với mức điểm của những trường trên, thì bạn có thể lưu ý đến các ĐH ngoài công lập. Ví dụ, các ngành kinh tế của ĐH Bán công Marketing lấy điểm chuẩn khối A 15, khối D 13; ĐH DL Tôn Đức Thắng lấy tuyển A 16, khối D 15 điểm; ĐH DL Phương Đông lấy điểm khối A 15, khối D 13...


Đa dạng chuyên ngành

Ngoài những ngành, chuyên ngành kinh tế, các trường thuộc khối kinh tế còn có những chuyên ngành rất thú vị, có nhiều cơ hội cho bạn lựa chọn.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ngoài khối ngành Kinh tế quản trị kinh doanh, còn có khối ngành Tiếng Anh (ngoài những nền tảng kinh tế chung, các bạn được đào tạo chuyên sâu tiếng Anh thương mại); Luật; CNTT. Trong các khối ngành đó, có Thống kê, Kế toán, Du lịch khách sạn, Quản trị nguồn nhân lực...

ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) có các ngành như Kinh tế chính trị, Kinh tế đối ngoại.

ĐH Kinh tế Huế còn có Kinh tế nông nghiệp.

ĐH Thương mại có Quản trị kinh doanh khách sạn du lịch, Quản trị doanh nghiệp thương mại, Thương mại quốc tế, Thương mại điện tử.

 

ĐH Bán công Marketing có các chuyên ngành rất "nóng" như Kinh doanh bất động sản, Kinh doanh chứng khoán, Thẩm định giá, Thương mại quốc tế,...

 

Lựa chọn chuyên ngành phù hợp hiện nay đang là bài toán mà các thí sinh phải giải. Tại hội nghị đào tạo theo nhu cầu ngành Tài chính ngân hàng do Bộ GD&ĐT tổ chức, thông tin về nhu cầu nhân lực ngành kế toán, TC-NH vẫn thiếu trầm trọng. Hiện nay, nguồn cung mới chỉ đạt 30%. Tuy nhiên, lựa chọn trường nào vừa sức để "chiến đấu", cần sự tỉnh táo của thí sinh.


PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân bật mí: Trường ĐH KTQD hiện đang đào tạo theo hình thức tín chỉ. Việc sinh viên sau khi đỗ vào trường, sau khi theo học các phần chung cần thiết, có thể được lựa chọn thêm cho mình một chuyên ngành khác, hoặc chuyển chuyên ngành nếu bản thân thấy không phù hợp. Bởi vậy, hãy cố gắng đạt điểm chuẩn vào trường đỉnh này, bạn vẫn còn cơ hội học thêm một chuyên ngành khác mà mình yêu thích. Ngoài ra, nếu khi bạn ra trường, chưa xin được việc làm, bạn có thể quay lại trường học thêm 1 năm để có một bằng cử nhân khối ngành khác, phù hợp hơn.