Sáng 28/11, ĐHQG TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Xây dựng đề án đổi mới tuyển sinh ĐH tại ĐHQG TP.HCM”.
Việc cải tiến này sẽ giúp chọn được đối tượng sinh viên có kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp với ngành đào tạo; định hướng đúng đắn cho quá trình học tập của học sinh ở bậc phổ thông và giúp thí sinh có sự chuẩn bị tốt cho quá trình học ĐH.
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) chỉnh sửa phiếu báo dự thi tại kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2012. (Ảnh: Như Hùng)
Nên thi năm môn
Theo đánh giá của ĐHQG TP.HCM, kỳ thi tuyển sinh ba chung áp dụng hiện nay về cơ bản đáp ứng được một phần mục tiêu lựa chọn sinh viên của các trường ĐH. Tuy nhiên, cách tổ chức này vẫn còn một số hạn chế như đề thi chỉ tập trung vào việc kiểm tra kiến thức, chưa coi trọng việc đánh giá năng lực suy luận, tư duy và tính sáng tạo; quy trình xây dựng đề thi chưa áp dụng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại; khối thi ĐH tạo ra sự học lệch ở bậc phổ thông; chưa xem xét thái độ của thí sinh với ngành nghề...
Theo ban soạn thảo đề án, việc cải tiến kỳ thi sẽ bắt đầu từ việc tổ chức thi. Theo đó, cần có một đơn vị chuyên trách đứng ra tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực bao gồm việc ra đề và tổ chức thi. Kỳ thi đánh giá năng lực sẽ đánh giá phần chung nhất về kiến thức, kỹ năng cần thiết để học ĐH của thí sinh. Các trường sử dụng kết quả này để xét tuyển hoặc bổ sung các tiêu chí xét tuyển khác phù hợp với đặc thù của mình.
Cơ cấu môn thi của kỳ thi này gồm năm môn: toán, tiếng Việt, khoa học tự nhiên (gồm kiến thức các môn lý, hóa, sinh), khoa học xã hội (văn, sử, địa), tiếng Anh và năng khiếu (dành cho các trường nghệ thuật, thể thao). Trong đó hai môn toán và tiếng Việt thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan và tự luận (phần tự luận chiếm 30% tổng số điểm), các môn còn lại thi trắc nghiệm. Đề thi được xây dựng theo hướng tiêu chuẩn hóa nhằm đánh giá năng lực của sinh viên cũng như các kỹ năng cần thiết cho việc học ĐH.
Không chỉ việc thi tuyển mà công tác xét tuyển cũng được đề xuất thay đổi. Theo đó, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực có thể được sử dụng là tiêu chí xét tuyển hoặc kèm thêm các điều kiện khác tùy vào điều kiện của từng trường như xét học bạ phổ thông, kết quả thi tốt nghiệp THPT, viết bài luận, kết quả hoạt động cộng đồng...
TS Robert A.Altman - nguyên phó chủ tịch Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ - cho rằng kỳ thi hiện nay tác động tiêu cực đến việc học tập của học sinh ở bậc phổ thông. Việc thi năm môn sẽ tránh được tình trạng học sinh học lệch ở bậc phổ thông. Dù học ngành nào, học sinh cũng phải đảm bảo kiến thức đều năm môn học này. Tuy nhiên, các môn thi này nhằm kiểm tra năng lực chung của thí sinh, do đó không quá chú trọng vào kiến thức mà phải bao gồm trong đó kỹ năng của từng môn. Đồng tình với dự thảo đề án, GS-TSKH Lâm Quang Thiệp cho biết đây là những giải pháp tích cực và các trường cần ngồi lại với nhau để bàn bạc, góp cho Bộ GD-ĐT phương án tuyển sinh tốt nhất.
Chuẩn bị tốt ngân hàng đề thi
Một trong những khâu quan trọng nhất của đề án là việc xây dựng ngân hàng đề thi. TS Lê Thị Thanh Mai, ĐHQG TP.HCM, cho rằng đề thi hiện nay chưa làm được việc này. Sau mỗi kỳ thi, hoàn toàn không có sự phân tích, đánh giá nào về từng câu hỏi cũng như toàn bộ đề thi để có những căn cứ khoa học cần thiết cho việc ra đề thi tiếp sau.
TS Robert A.Altman lưu ý: Khi xây dựng câu hỏi cần phải cân nhắc đến nội dung, mức độ khó và những kỹ năng chúng ta sẽ hỏi. Ví dụ đối với môn toán, có những câu hỏi thuần về kiến thức nhưng cũng có câu chỉ hỏi về kỹ năng toán học. Một điểm cần lưu ý nữa là chương trình phổ thông có được dạy đồng đều ở các vùng miền, đề thi có được hỏi ngoài chương trình phổ thông hay không, bộ phận tổ chức thi phải đảm bảo độ tin cậy như thế nào. Có nước mất đến 10 năm để xây dựng ngân hàng đề thi chứ không thể vội vàng.
TS Nguyễn Kim Quang - Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - băn khoăn hiện nay học sinh rất hay học tủ, ngân hàng đề thi làm sao để học sinh học nắm kiến thức chứ không phải học tủ như hiện nay, kể cả môn trắc nghiệm. Trong khi đó, TS Nguyễn Thanh Nam - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - cho rằng việc phỏng vấn toàn bộ thí sinh sau khi đạt ngưỡng của kỳ thi đánh giá năng lực là khó khả thi, thậm chí phát sinh tiêu cực. Thay vào đó, các trường có thể tuyển 90% thí sinh đạt ngưỡng kỳ thi đánh giá năng lực và điều kiện của trường, 10% còn lại có thể phỏng vấn những thí sinh có tố chất hoặc các năng lực đặc biệt để tuyển vào trường.
Tuyển sinh ĐH ở một số nước
* Anh, Pháp: kết quả tú tài, một số trường lớn có đánh giá riêng.
* Úc: kết quả tú tài + kết quả học tập bậc phổ thông.
* Mỹ: kết quả đánh giá năng lực (SAT, ACT) + kết quả học tập phổ thông + phỏng vấn.
* Trung Quốc: thi tuyển sinh ĐH chung toàn quốc với các môn tiếng Hoa, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Một số trường trọng điểm tổ chức tuyển sinh riêng.
* Nhật, Hàn Quốc: thi tuyển hai vòng. Vòng 1 thi chung toàn quốc kiểm tra kiến thức tổng quát về toán, quốc ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và ngoại ngữ. Vòng 2 riêng cho các trường.
* Thái Lan: thi chung toàn quốc với bảy môn: tiếng Thái, tiếng Anh, toán, khoa học, xã hội học, giáo dục sức khỏe, văn hóa nghệ thuật. Các trường y khoa tuyển sinh riêng.
|