Tin Tức Các Báo
InHướng tới đào tạo con người hiện đại
Cập nhật 19/10/2012 - 08:39:11 AM (GMT+7)Trong ba ngày từ 16 đến 18-10, diễn đàn “Đổi mới giáo dục - đòi hỏi cấp thiết” đã nhận được hàng chục bài viết tâm huyết tham gia bàn luận, tìm giải pháp đổi mới giáo dục nước nhà.
Sinh viên khoa địa chất Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) thực hành đo trắc địa
* Giáo sư Hoàng Tụy
Chọn lựa một con đường
Đánh giá sự sa sút trầm trọng của chất lượng giáo dục, nhiều ý kiến thường nhấn mạnh khuyết điểm lớn nhất của nhà trường là chỉ chú ý dạy chữ (dạy kiến thức) mà lơ là dạy người. Điều đó, theo tôi, có lẽ chỉ mới đúng một nửa. Trên thực tế nhà trường của ta dạy người có khi còn chặt chẽ, quyết liệt hơn ai hết. Chỉ có điều nội dung và cách dạy người của ta sai, lệch hướng. Sai, lệch hướng vì chỉ nhằm đào tạo những mẫu người hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu cuộc sống hiện đại, thiếu những tố chất cơ bản để có thể thành công trong thế giới hiện đại: tự do, trung thực và sáng tạo.
Theo tôi, phải từ bỏ những quan niệm, tập quán, cách suy nghĩ về giáo dục đã quen thuộc một thời, can đảm tiến lên thực hiện một nền giáo dục khai phóng, như ở mọi nước văn minh hiện nay, dạy người nhằm rèn luyện nhân cách, phẩm chất trí tuệ, năng lực cảm thụ, ý thức cộng đồng, hướng theo thang giá trị phổ quát của nhân loại đương thời.
Đặc biệt, giáo dục phải hướng tới đào tạo con người hiện đại có cá tính nhưng bao dung, biết giao tiếp và hợp tác, biết làm việc có hiệu quả, có tư duy cởi mở với cái mới, thích dấn thân, không ngại đương đầu với thách thức, khó khăn, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm vì mục đích lớn và nhất là lương thiện, trung thực và có đầu óc sáng tạo, là những đức tính tối cần thiết trong đời sống xã hội hiện đại. Đó mới thật sự là dạy người theo nghĩa cao quý nhất. Đó mới thật sự là sứ mạng của giáo dục tiên tiến thời nay.
Giáo dục hiện đang đứng ở ngã ba đường, giống như kinh tế những năm giữa thập kỷ 1980. Nếu lúc bấy giờ ta cứ kiên trì chế độ kinh tế tập trung bao cấp mà không nhìn thẳng vào thực tế cuộc sống, kịp thời nhận ra nguồn gốc bế tắc của xã hội để có can đảm thay đổi tư duy, chấp nhận chính cái cơ chế thị trường đã từng một thời bị phê phán trước đây, thì làm sao có đường lối đổi mới đã cứu đất nước khỏi sự sụp đổ nhãn tiền.
Đã đến lúc giáo dục phải có sự lựa chọn: hoặc là tiếp tục con đường cũ để ngày càng tụt hậu xa hơn, hoặc là cương quyết thay đổi tư duy, thực hiện bước ngoặt cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển, phù hợp với trào lưu tiến hóa chung của nhân loại, và đáp ứng lợi ích tối cao của dân tộc.
* Thạc sĩ Hoàng Thanh Linh (Trường ĐH Văn Lang):
Chú trọng đào tạo giá trị sống
Tiếp cận nhiều với giới trẻ, tôi nhận thấy các bạn không chỉ thiếu kỹ năng mà còn thiếu những giá trị nền tảng của cuộc sống, hay đúng hơn là kỹ năng thành nhân. Thành nhân ở đây là có năng lực để thành công và có nhân cách. Hai yếu tố này kết hợp lại sẽ làm cho con người phát triển bản thân một cách bền vững hơn. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu tôi xác định “người thành nhân” cần có giá trị tâm, dũng, năng, tin, nhẫn, trọng.
Sản phẩm cuối cùng của giáo dục là đào tạo ra những con người ra sao? Phải chăng xã hội cần một người sống biết yêu thương bản thân, gia đình, con người và môi trường xung quanh. Chữ “tâm” muốn nhấn mạnh sống phải có tâm, có tấm lòng.
Nhưng giới trẻ VN hiện nay so với giới trẻ phương Tây thiếu tự tin hơn rất nhiều. Đó là chưa kể những bạn mất niềm tin vào cuộc sống, khủng hoảng niềm tin vì người lớn, gia đình nói thế này trong khi nhà trường, xã hội lại nói khác. Vậy nên cần xây dựng cho giới trẻ niềm tin như tin vào chính mình, tin vào người khác, tin vào những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Một giá trị quan trọng khác là sự can đảm (dũng). Người trẻ ở ta bị “giữ trong vòng tay” nhiều quá nên đôi khi làm việc gì cũng ngại. Nhưng dám làm rồi mà không có năng lực để làm cũng sẽ dẫn đến thất bại. Do đó cần phải trang bị cho người trẻ năng lực làm việc (giá trị năng). Người được xem là có năng lực phải có trí năng (trí tuệ, phân biệt đúng sai), kỹ năng và sức khỏe. Cuối cùng, dù bạn trẻ có đủ những yếu tố trên mà không kiên nhẫn thì cũng khó thành công. Ngoài ra, giới trẻ cần có lòng tự trọng, tôn trọng người khác và quý trọng những gì mình đang có.
Cần chú trọng đào tạo giá trị sống cho giới trẻ bởi tôi thấy dường như một thời gian dài xã hội bị lệch lạc giá trị. Đó là đặt giá trị tiền bạc, vật chất ở hàng quan trọng nhất. Tôi từng tham gia một lớp học làm giàu. Ở đó họ đặt ra giá trị “đúng” và “giàu” bạn chọn cái nào thì có đến 45/50 người chọn giàu thay vì đúng.
* TSKH Trần Thượng Tuấn
Chỉ mới “học để biết”
Trong kỷ nguyên thông tin, kiến thức của nhân loại gia tăng gấp bội sau mỗi thập niên. Vì vậy cần hiểu rằng việc quá chú trọng nhồi nhét kiến thức đến mức quá tải là một quan niệm sai lầm. Đặc điểm thứ hai của thời đại là những vấn đề mới có tầm quan trọng chưa từng gặp xuất hiện ngày càng dồn dập, dẫn đến nhiều công cụ và biện pháp từng phát huy hiệu quả tốt trong quá khứ không còn tác dụng nữa. Vấn đề thứ ba là “dạy làm người”. Thông điệp về giáo dục của UNESCO trong thế kỷ 21 là: học để biết, học để làm, học để làm người và học để chung sống. Trong bốn yêu cầu, về thực chất nền giáo dục nước ta mới chú trọng yêu cầu thứ nhất với một số lệch lạc.
Vì vậy, chương trình giáo dục các cấp cần định hướng lại những gì cần dạy và cách dạy, còn người học cần định hướng lại cách học và những gì cần học. Kỹ năng đầu tiên và quan trọng nhất đối với người học ở bất kỳ cấp học nào là học phương pháp học để không ngừng tự hoàn thiện bản thân và tạo ra giá trị riêng của mình. Những nguyên tắc quan trọng nhất trong cách dạy lấy người học làm trung tâm là: điều quan trọng nhất trong cách dạy là dạy cách học, dạy cách nghĩ hơn là dạy nghĩ gì; khuyến khích tư duy độc lập, sáng tạo; truyền thụ kiến thức cùng cách ứng dụng kiến thức để giải quyết vấn đề; dạy kiến thức khoa học kỹ thuật kết hợp với việc dạy kỹ năng sống. Những vấn đề nói trên là căn bản nhất cần thay đổi ngay nếu muốn có một cuộc cải cách thật sự.
(Theo Báo Tuổi Trẻ)