1

Tin Tức Các Báo

In

Giả dối trong giáo dục: nhà nghiêng từ móng

Cập nhật 11/10/2012 - 08:33:10 AM (GMT+7)

Tham gia diễn đàn "Nói không với giả dối", nhiều bạn đọc nhấn mạnh giả dối ngay trong giáo dục - lĩnh vực góp phần xây dựng nhân cách con người - là khía cạnh quan trọng nhất và cần quan tâm nhất.

Đặc biệt, sau khi đọc ý kiến của giáo sư Hoàng Tụy, nhiều bạn đọc lo lắng là những người từng nói dối trong giáo dục lại trở thành những nhân tố trong ngành giáo dục thì thói giả dối sẽ rất có thể tăng theo cấp số nhân.

Tuổi Trẻ Online tiếp tục giới thiệu các ý kiến vừa tham gia diễn đàn. 

 

Ảnh chụp từ clip quay cảnh quay cóp của thí sinh tại phòng thi số 8 ở Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) trong buổi thi môn toán được tung lên mạng vào đầu tháng 6-2012. Sự kiện này gây bức xúc dư luận một thời gian - Ảnh: chụp từ clip 

Cô đơn bởi trung thực còn hơn bơi trong thế giới giả dối

Không phủ nhận trong cuộc sống đôi lúc cũng cần nói dối. Nhưng có thể khẳng định nói dối là một tính xấu, đáng chê trách, lên án.

Nói dối sinh ra rắc rối, gây khó chịu, hoang mang cho người khác. Nói dối làm giảm giá trị bản thân, mất lòng tin với mọi người. Đáng sợ nhất là khi nói dối trở thành thói quen, nếp nghĩ của ai đó, nhất là với những người có quyền, có trách nhiệm, có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng.

Tôi thường nghe mãi những lời chắc nịch của ai đó "sẽ xử lý tới nơi tới chốn, rõ ràng, công khai, dứt khoát... dù ở cấp bậc nào". Tiếc rằng nhiều lời chắc nịch đó là những lời nói dối. Tôi từng nghe nhiều lời hứa từ các cơ sở giáo dục, đào tạo như sẽ có việc làm ngay khi học viên tốt nghiệp; sẽ giúp tìm việc thích hợp, giúp đào tạo nâng cao... Đa số là những lời có cánh bởi những lời hứa đó chỉ thành hiện thực khi bạn phải "chấp nhận hợp tác mọi mặt". Vậy mà trước đó có ai "ngỏ lời" thế đâu? Tôi cũng từng bị "đem con bỏ chợ" như thế.

Trong thực tế, gian dối vẫn còn là mảnh đất màu mỡ cho nhiều người bám víu, leo trèo... Nó vẫn sống được, sống khỏe vì lắm người chấp nhận nó, xem nó như phương thuốc, như nấc thang mang đến sự thăng tiến trên đường đời. Khi giả dối được "bình thường hóa" nhiều nơi, nhiều chốn thì thẳng thắn, trung thực khó mà tìm chốn dung thân.

Tôi ghét giả dối, gian xảo, thích sống thẳng thắn, trung thực, luôn tôn trọng chữ tín. Có lẽ vì vậy mà tôi không có nhiều bạn. Tôi mặc kệ bởi trong chuyện bạn bè, tôi cần "chất lượng" hơn số lượng. Thà sống cô đơn với sự trung thực còn hơn bơi trong thế giới giả dối. Với quan điểm đó, tôi vẫn thành đạt trong cuộc sống, là niềm tin của gia đình, được nhiều người nhìn bằng ánh mắt trân trọng và có cả những ánh mắt "chê bai trong nể phục" của nhóm người giả dối.

TRIỆU NGỌC DIỆP

Thói giả dối tăng theo cấp số nhân

Sự phát triển của con người là kết quả của sự giáo dục từ mọi người xung quanh như cha mẹ, thầy cô, cộng đồng dân cư cùng chung sống. Nếu con người ấy có cha mẹ giả dối, hàng xóm láng giềng giả dối, thầy cô bạn bè giả dối, đồng nghiệp giả dối, cấp trên giả dối... thì con người ấy dễ trở nên giả dối hơn là người chân thật.

Có mấy ai ý thức rằng mình cần phải sống trung thực để “giáo dục” mọi người quanh mình cũng trung thực như mình? Có câu “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Vậy sao lại nảy nòi cái thói giả dối đáng ghét kia? Ngày con tôi còn đi nhà trẻ, tôi được biết rằng ở nơi ấy đồ chơi dành cho các cháu chỉ để trưng bày, chăn chiếu gối đẹp chỉ được dùng khi có người đến kiểm tra…

Một cháu nhỏ học lớp 1, một hôm tan học về khoe với mẹ: “Con biết làm thế nào để được 10 điểm toán rồi mẹ ạ!”. Mẹ hỏi: "Con làm sao?”. “Chỉ cần đợi bạn ngồi cạnh làm xong rồi chép nhanh đem nộp cho cô là khỏe nhất! Cô cũng có dặn các bạn phải giúp bạn ngồi cạnh vậy đó mẹ à!”. Cứ như thế cho đến khi người "bị giáo dục để giả dối" trở thành những nhân tố trong ngành giáo dục thì thói giả dối sẽ tăng chóng mặt theo cấp số nhân.

NGUYEN THONG

Gian dối bị phát hiện chỉ còn nước độn thổ

Nguyễn Công Trứ từng nói một câu bất hủ với đại ý rằng: làm quan chẳng lấy đó làm vinh, làm lính chẳng lấy đó là nhục, tức là ở cương vị nào làm tròn trách nhiệm ở cương vị đó. Những người mua bằng tiến sĩ, thạc sĩ để trở thành người có học vị, để đánh bóng tên tuổi mình, để thăng quan tiến chức nhưng sở học chẳng tương xứng thì khi bị phát hiện chỉ còn nước độn thổ vì xấu hổ.

LÊ VĂN NHUNG

Trẻ con còn biết giá của thật thà

Tôi có đứa cháu họ năm nay 5 tuổi, học lớp lá trường mẫu giáo của địa phương. Một hôm đi học về, cháu nói với mẹ rằng cháu đã nhìn thấy lúc chia cơm cho học sinh buổi trưa, cô giáo cắt cho mỗi cháu một nửa quả trứng. Số còn lại cô giáo bỏ vào một cái hộp. Cháu còn khẳng định cháu biết cả nơi cô giấu chiếc hộp. Cháu nói thêm rằng cả món canh cô cũng cất bớt.

Nghe chuyện mẹ cháu mới bảo ngày mai mẹ sẽ báo với cô hiệu trưởng. Ngay lập tức cháu liền ngăn mẹ không được báo, cháu nói nếu báo cáo thì cháu sẽ bị cô giáo "đì". Bé như cháu còn biết cái "đạo lý" nói trên thì người lớn như chúng ta nói thật để làm gì?

MAI DANH THUẬN

(Theo Tuổi Trẻ)