1

Tin Tức Các Báo

In

Khi tân SV “đo” độ thành đạt với... 1 tỷ USD

Cập nhật 11/10/2012 - 08:18:02 AM (GMT+7)

"Phải được như Bill Gates, Steve Jobs hoặc thậm chí phải có được 1 tỷ USD" là thước đo thành đạt của không ít tân sinh viên khi vừa đặt chân vào giảng đường đại học.

Điều này được ghi nhận tại chương trình Khám phá năng động 2012 với chủ đề “Điểm bật đón bắt tương lai” do nhóm Margroup, ĐH Kinh tế TPHCM dành cho hàng ngàn SV sinh viên (SV), chủ yếu là năm nhất đến từ nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM. 

Nhiều SV đặt mục tiêu thành đạt là phải kiếm được thật nhiều tiền.

Nói về ước mơ của mình, đông đảo SV cùng mong muốn một công việc ổn định, thu nhập tốt để có thể lo cho gia đình, có người ước thành Bill Gates, Steve Jobs… Đặc biệt, không ít SV bày tỏ mong muốn thành đạt bằng việc phải có thật nhiều tiền. Một tân SV khẳng định, mục tiêu thành đạt của mình là phải sở hữu được 1 tỷ USD!

Mang theo những ước mơ lớn lao khi vào đại học nhưng bản thân họ đang gặp những khó khăn, khủng hoảng trong thời gian đầu thay đổi môi trường học tập và sinh hoạt. Điều này đẩy nhiều tân SV đến sự hụt hẫng, chới với không biết phải bắt đầu từ đâu. Theo đuổi đam mê là điều đáng khuyến khích nhưng nếu đam mê đó thiếu thực tế thì có thể vùi dập mỗi người khi họ không có phương hướng. Khi đó SV dễ bị sao nhãng, bỏ quên những mục tiêu gần cần thiết hơn.

Cần nhất là khám phá bản thân

Đồng tình rằng không có sai hay đúng, lớn hay nhỏ trong ước mơ của mỗi người nhưng ông Lương Minh Tuấn - giám đốc Tài chính Công ty cổ phần cáp nhựa Vinh Khanh không đánh giá cao những ý kiến xem đồng tiền là thước đo của sự thành công. Theo ông, kiếm tiền là việc mà tất cả mọi người trên thế giới này muốn tồn tại đều phải làm và đó là điều ai cũng muốn.

“Nhưng chúng ta cần biết rằng muốn kiếm được tiền thì phải giỏi. Và muốn giỏi thì chúng ta phải học hỏi, phải dấn thân vào thực tế thật nhiều. Kiếm tiền rất quan trọng nhưng việc khám phá bản thân, tìm được năng lực thật sự của mình để làm việc hiệu quả nhất có lẽ còn cần thiết hơn”, ông Tuấn bày tỏ quan điểm.

SV cần chủ động dấn thân, thử sức để khám phá khả năng bản thân của mình.

Th.S Huỳnh Văn Nghĩa - giảng viên trường ĐH Kinh tế TPHCM nhấn mạnh, đôi lúc SV phải biết dừng lại trước một mục tiêu nào đó. Nhất là các bạn SV năm nhất phải đối diện rất nhiều vấn đề khi thay đổi môi trường sống và học tập thì mục tiêu “4 năm đại học của mình như thế nào” rất đáng được lưu ý. Vì nó sẽ quyết định rất nhiều đến con đường và hướng đi về lâu dài.

Theo kinh nghiệm của bản thân, ông Nghĩa khuyên SV thay vì để thời gian rảnh rỗi nên mạnh dạn thử sức và chấp nhận sai như một cách để dấn thân và khám phá khả năng của mình.

 

Theo bà Trang Thị Minh Thư - Phó phòng chiến lược kinh doanh Sacomreal-S, nhiều SV thiếu mục tiêu rõ ràng ngay từ khi bước chân vào giảng đường. Các em mang theo những ước mơ lớn lao mà quên mất trước hết cần thực mục tiêu “cứu sống” bản thân trong quãng thời gian gấp rút nên họ dễ nản chí, bỏ cuộc khi bắt tay vào một công việc, hoạt động nào đó.

“Các bạn rất ngại dấn thân và thử sức mình vì tâm lý sợ sai. Đi học, tham gia hoạt động hay đi làm mới chỉ vài buổi là các bạn có tâm lý chán nản và sớm bỏ cuộc giữa đường khi chưa đủ hiểu về công việc đó và chưa hiểu bản thân mình”, bà Trang nói và lưu ý, điều này rất đáng tiếc vì SV không khám phá được khả năng cũng như có thể tước đi những cơ hội của chính mình. 

Các chuyên gia chung ý kiến, SV cần chủ động “mở” cho việc học, không phải có gì học nấy mà phải tìm hiểu ngành mình học sẽ cần thêm những kiến thức gì, đọc thêm những cuốn sách nào… Đồng thời trau dồi kỹ năng bằng các trải nghiệm, hoạt động thực tế để biết điểm mạnh và hạn chế của mình.

(Theo Dân trí)