1

Kinh Nghiệm Việc Làm

In

Gia sư không chỉ là "làm thêm"

Cập nhật 27/02/2013 - 03:35:10 PM (GMT+7)

Đang làm tổng GĐ một Cty lớn, anh xin nghỉ để khôi phục trung tâm gia sư chỉ vì "không muốn phụ lòng tin của những người đã gắn bó với tôi". Anh là Lê Tiến Dũng, người đi lên từ nghề gia sư...

Niềm tin là số một
Anh Dũng luôn tự hào là một trong những người đầu tiên phát triển loại hình trung tâm gia sư ở Hà Nội. Trong khi hàng trăm trung tâm đóng cửa thì trung tâm của anh phát triển mạnh. Tính đến nay, trung tâm đã mang lại việc làm cho hơn 12.000 người. Ngoài những gia sư đi làm theo mùa vụ, có 200 gia sư gắn bó thường xuyên với trung tâm.
Anh nói: "Khi anh dạy tốt, học sinh tiến bộ sẽ tạo ra niềm tin trong lòng người học. Muốn như vậy anh phải xây dựng một đội ngũ giáo viên giỏi cả kiến thức chuyên môn lẫn trình độ sư phạm".
Nhờ bí quyết trên, sau 10 năm thương hiệu "gia sư" đất Hà Thành luôn có tên Lê Tiến Dũng. "Thương hiệu" đó đã giúp anh lọt vào tầm ngắm của nhiều DN ở Hà Nội. Đầu năm 2005, anh về làm phó giám đốc phụ trách kinh doanh và quản lý hành chính cho Cty CP TMĐT Mỹ - Việt rồi làm Tổng GĐ Cty CP y học Phúc Lâm. Công việc quá bận bịu nên tháng 7.2006, anh nhượng lại thương hiệu trung tâm gia sư cho một người bạn với giá 28 triệu đồng.
Biến gia sư thành "nghề"
Nhưng những người đã gắn bó lại tìm đến anh, những gia đình học sinh gọi đến trung tâm không được lại gọi vào máy di động của anh. "Nhiều đêm nằm nghĩ ngợi, tưởng tượng cảnh một cậu SV đạp xe đạp hơn chục cây số đến trung tâm chỉ nhìn thấy cánh cửa đóng kín, tôi thấy mình đã phụ lòng tin của họ", anh tâm sự.
Cuối cùng anh quyết định nghỉ làm tổng GĐ để quay trở về khôi phục lại trung tâm. Cty CP giáo dục đào tạo và nghệ thuật Đức - Anh - Minh (41A ngõ 162 Khương Trung, HN) ra đời. Ngoài lĩnh vực chính là giáo dục đào tạo, Cty còn mở rộng sang cả lĩnh vực nghệ thuật. Anh lập trang web để làm diễn đàn trao đổi giữa giáo viên, Cty và gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, anh cho biết, những nhân viên hoạt động thường xuyên sẽ được đóng bảo hiểm để "gia sư không chỉ là một việc làm thêm mà trở thành một nghề thực sự, đáp ứng nhu cầu của xã hội".
Lệ Xuân (Lao Động)