1

Kinh Nghiệm Việc Làm

In

Làm không đúng nghề vẫn có thể thăng tiến

Cập nhật 27/02/2013 - 03:32:42 PM (GMT+7)

Có nhiều nguyên nhân khiến bạn trẻ không làm đúng ngành nghề đã học, nhưng tựu trung lại có thể chia làm hai nhóm: nhóm có mong muốn được chuyển đổi nghề nghiệp và nhóm vì lý do nào đó phải bất đắc dĩ làm trái nghề.

Cho dù thuộc nhóm nào, bạn vẫn có thể hoàn thành tốt công việc, tạo nền tảng thăng tiến trong tương lai nếu bạn ghi nhớ 5 điều sau:

Bạn không phải là trường hợp "hiếm" khi làm trái nghề.

Và quan trọng hơn, rất nhiều người giống bạn đã thành công. Người viết bài này có kinh nghiệm làm việc và tham gia tuyển dụng tại một trong những công ty hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam. Theo quan sát từ số lượng các ứng viên ứng tuyển vào các vị trí cũng như những người đã và đang làm việc tại công ty, có đến 30 - 40% không làm đúng nghề được đào tạo trong trường đại học trước đây.

Rất nhiều người thành công trong các chức danh trưởng phòng, giám đốc các bộ phận thuộc mảng bán hàng, tài chính, dịch vụ khách hàng, marketing nhưng lại có xuất phát điểm là ra trường với chuyên môn kỹ thuật. Tại nhiều doanh nghiệp khác điều này cũng rất phổ biến.

Bạn phải chắc rằng mình yêu thích công việc đang làm, dù không đúng chuyên môn.

Thực tế chứng minh có một điểm chung của tất cả những người thành công ở nhiều mức độ chính là sự yêu thích và đam mê công việc của họ.

Có đam mê và yêu thích những gì mình làm, bạn mới có cảm hứng hoàn thành công việc và phát sinh các ý tưởng. Quan trọng hơn, nó chứng minh cho những người xung quanh, đặc biệt là cấp trên của bạn, thấy bạn là người có thể làm việc hết mình, xứng đáng để họ đặt sự kỳ vọng. Đó không phải nền tảng của sự thăng tiến chăng?

Không ngừng học hỏi thông qua thực tế.

Vì bạn đang làm không đúng chuyên môn, việc học hỏi để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cần phải nhiều hơn bình thường. Bạn đừng ngại đề nghị một cách cầu thị với cấp trên để họ hướng dẫn bạn những gì cần cho công việc. Bên cạnh đó bạn cần học hỏi ở chính các đồng nghiệp xung quanh. Bạn cần khéo léo quan sát và đặt ra các câu hỏi hợp lí để có thể thu thập được nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong thời gian ngắn nhất.

Khi mới làm quen với công việc hay khi tham gia một chương trình, dự án nào đó mà bản thân bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, hãy mạnh dạn đề nghị với cấp trên cử một nhân viên nào đó hỗ trợ bạn. Hãy thể hiện với nhân viên này rằng bạn nhờ họ giúp đỡ là vì muốn công việc của cả nhóm được nhanh chóng hoàn thành, chứ không phải bạn đang “khai thác” họ. Cũng đừng quên tỏ thái độ chân thành, đánh giá cao những gì họ đã giúp bạn.

Tăng cường các "kỹ năng mềm".

Các kỹ năng như: làm việc nhóm, trình bày, giao tiếp, giải quyết vấn đề, quản lí thời gian… là những kỹ năng bạn cần quan tâm; chúng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bạn hòa nhập môi trường làm việc mới, tạo mối quan hệ với đồng nghiệp, nâng cao hiệu quả công việc…

Thông thường các kỹ năng mềm được dạy rất ít ở trường đại học, do đó bạn nên tích cực tham gia các lớp ngắn hạn ở trong công ty hoặc bên ngoài.

Vạch kế hoạch thăng tiến:

Khi đồng ý ký vào hợp đồng lao động, bạn cần vạch ra cho mình một kế hoạch thăng tiến. Bạn cần đặt mục tiêu nghề nghiệp cho hai, ba và năm năm sau; mỗi giai đoạn bạn sẽ là ai, sẽ làm gì, thu hoạch được những lợi ích gì và cống hiến như thế nào cho công ty. Chẳng hạn: ba năm tới bạn sẽ gia nhập nhóm quản lí cấp trung của công ty, hưởng lương 1.000 USD, trở thành một trong những người giỏi nhất công ty trong lĩnh vực mình đang phụ trách.

Một khi mục tiêu nghề nghiệp được xác định cụ thể, bạn sẽ có các kế hoạch hỗ trợ để đạt được mục tiêu đó, như kế hoạch học thêm ngoài giờ để nâng cao chuyên môn, những kỹ năng mềm cần trang bị, các dự án sẽ tham gia…

Bạn nên mạnh dạn chia sẻ với cấp trên về những kế hoạch nghề nghiệp trong tương lai của mình, điều đó cho thấy bạn có ý gắn bó lâu dài, sẵn sàng cống hiến hết mình cho công ty và muốn đóng góp cho sự thành công chung của công ty.