Kinh Nghiệm Việc Làm
InSự phù hợp nghề
Cập nhật 27/02/2013 - 03:37:47 PM (GMT+7)Để có sự thành đạt trong nghề, con người phải chọn cho mình một nghề phù hợp. Trong xã hội ngày nay, số lượng nghề ngày càng tăng, con người không dễ dàng gì lựa chọn cho mình một nghề giữa hàng trăm nghề khác nhau.
Đề cập tới việc chọn được nghề phù hợp, trước hết ta phải làm rõ khái niệm phù hợp nghề. Sự phù hợp nghề được xem là sự hòa hợp, sự ăn khớp, sự tương xứng trong cặp “Con người - Nghề nghiệp”, mà cụ thể hơn, là sự tương ứng giữa những phẩm chất, đặc điểm tâm - sinh lý của con người với những yêu cầu cụ thể của công việc trong nghề đối với người lao động để có thể kết luận về mức độ phù hợp nghề của người đó. |
1. Ba dấu hiệu thể hiện sự phù hợp nghề:
- Bảo đảm tốc độ làm việc, tức là bảo đảm được yêu cầu về số lượng công việc theo định mức lao động. Người ta có thể đo, đếm được các động tác lao động để kết luận về sự phù hợp nghề.
Ví dụ:
+ Người hái chè mỗi ngày phải thực hiện khoảng 500.000 đến 600.000 vận động của ngón tay thì mới hái được lượng lá chè theo quy định.
+ Người thợ dệt “nửa tự động hóa” phải đi “tua” mỗi ngày khoảng 6 km mới bảo đảm các máy chạy đều, kịp thời điều chỉnh máy và sửa chữa những hỏng hóc nhỏ.
- Bảo đảm độ chính xác của công việc
Đây là yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Người lao động phải làm ra mặt hàng đúng quy cách, không có số lượng phế phẩm quá con số cho phép, không để công cụ lao động bị hư hỏng…
- Không bị công việc nghề nghiệp gây nên những độc hại cho cơ thể.
Ví dụ: làm việc ở nhà máy sơn thì không bị dị ứng sơn, làm công việc của thợ hàn mà không bị hỏng mắt, không vì lên lớp giảng nhiều lần mà bị viêm họng hoặc viêm phổi…
2. Bốn mức độ của sự phù hợp nghề:
- Không phù hợp:
Sự không phù hợp có nhiều nguyên nhân như trạng thái sức khỏe, thiếu năng lực chuyên môn hoặc bị dị tật. Ví dụ muốn đi vào nghề hội họa, lái xe, nhuộm vải, sáng tạo “mốt” quần áo thì tối kỵ bệnh mù màu (không phân biệt màu xanh với màu đỏ). Muốn theo nghề thợ lặn, đi tàu biển hoặc lái máy bay thì nhất thiết không được mắc bệnh tim mạch, bệnh đường hô hấp…
- Phù hợp một phần:
Ở mức độ này, nhiều phẩm chất, nhiều đặc điểm tâm - sinh lý của người lao động không đáp ứng được hết những yêu cầu do nghề đặt ra. Nếu chỉ phù hợp một phần thì con người rất khó trở thành một chuyên gia giỏi trong nghề.
- Phù hợp phần lớn:
Trong trường hợp này, những phẩm chất cá nhân đáp ứng được hầu hết các yêu cầu cơ bản của nghề hoặc của nhóm nghề. Mức độ phù hợp phần lớn thường thể hiện rất rõ ở hứng thú với công việc của nghề, ham thích và có năng lực giải quyết nhiều hoạt động kỹ thuật trong nghề. Có được sự phù hợp phần lớn này, con người sẽ thuận lợi trong phấn đấu trở thành người lao động có tay nghề cao hoặc dễ có được những thăng tiến nghề nghiệp so với những người ít phù hợp với nghề hơn.
- Phù hợp hoàn toàn:
Đạt tới mức độ này, ta thấy con người đáp ứng được tất cả những yêu cầu cơ bản do nghề đặt ra. Trong hoạt động nghề nghiệp, người lao động có năng suất cao, thể hiện rõ xu hướng hoạt động và lý tưởng nghề nghiệp.
Cũng cần nói thêm rằng, có rất nhiều trường hợp người ta thấy không phù hợp với nghề, nhưng nếu yêu thích nghề mà quyết tâm rèn luyện thì sự phù hợp lại có thể được tạo ra. Tất nhiên có những chứng tật ngay từ đầu đã khẳng định về sự không phù hợp mà ta phải tuân thủ. Chẳng hạn, những bạn mắc chứng say xăng thì không được theo đuổi nghề lái xe, ai có chứng thấy máu mủ đã bị ngất thì tránh chọn nghề thầy thuốc, bị tật nói ngọng thì nên tránh nghề dạy học.
Công thức nghề là gì?
Một trong những cách phân loại nghề hợp lý là xây dựng công thức nghề. Những nghề có cùng công thức được xếp vào một loại. Nếu phù hợp với một nghề thì tất nhiên sẽ phù hợp với những nghề cùng loại.
Cách lập công thức nghề như sau:
Người ta nhận thấy rằng nghề nào cũng có 4 dấu hiệu cơ bản là: - Đối tượng lao động
- Mục đích lao động
- Công cụ lao động
- Điều kiện lao động
1. Đối tượng lao động
Đối tượng lao động là hệ thống những thuộc tính, những mối quan hệ qua lại của các sự vật, các hiện tượng, các quá trình mà ở cương vị lao động nhất định, con người phải vận dụng chúng.
Ví dụ: đối tượng lao động của người làm nghề trồng trọt là những cây trồng cùng những điều kiện sinh sống và phát triển của chúng như đất đai, cỏ dại, đặc điểm khí hậu, thời tiết, tác dụng của thuốc trừ sâu các loại… Những thuộc tính của cây trồng, của môi trường phát triển rất đa dạng và phức tạp: sức phát triển của mầm, phương thức diệt cỏ dại, khả năng thích ứng của cây đối với cách thức chăm sóc, với thời tiết thay đổi.
Căn cứ vào đối tượng lao động, người ta chia các nghề ra thành 5 kiểu. Đó là:
- Nghề “Người tiếp xúc với thiên nhiên” (trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ rừng…). Kiểu nghề này được ký hiệu là Nt.
- Nghề “Người tiếp xúc với kỹ thuật” (các loại thợ nề, thợ tiện, thợ nguội, lắp ráp máy truyền hình và máy tính, thợ sửa chữa công cụ…). Kiểu nghề này được ký hiệu là Nk.
- Nghề “Người tiếp xúc với người” (nhân viên bán hàng, nhân viên phục vụ khách sạn, thầy thuốc, thầy giáo, thẩm phán…). Kiểu nghề này được ký hiệu là N2.
- Nghề “Người tiếp xúc với các dấu hiệu” (thư ký đánh máy, chế bản vi tính, ghi tốc ký, sắp chữ in, lập trình máy tính…). Kiểu nghề này được ký hiệu là Nd.
- Nghề “Người tiếp xúc với nghệ thuật” (họa sĩ, nhà soạn nhạc, thợ trang trí, thợ sơn…). Kiểu nghề này được ký hiệu là Nn.
2. Mục đích lao động
Mục đích lao động là kết quả mà xã hội đòi hỏi, trông đợi ở người lao động. Mục đích cuối cùng của lao động trong nghề phải trả lời được câu hỏi: “Làm được gì?”. Ví dụ: mục đích của người dạy học là mang lại kiến thức, học vấn cho con người, giúp cho con người hình thành một số phẩm chất nhân cách. Mục đích của thầy thuốc là làm cho người bệnh trở thành người khỏe mạnh, giúp cho con người bảo vệ và phát triển sức khỏe, thể lực trong đời sống hàng ngày.
Căn cứ vào mục đích lao động, người ta chia các nghề thành 3 dạng sau đây:
- Nghề có mục đích nhận thức đối tượng (thanh tra chuyên môn, điều tra vụ án, kiểm tra kho hàng, kiểm kê tài sản…). Dạng nghề này được ký hiệu là N.
- Nghề có mục đích biến đổi đối tượng (dạy học, chữa bệnh, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủ công nghiệp…). Dạng nghề này được ký hiệu là B.
- Nghề có mục đích tìm tòi, phát hiện, khám phá những cái mới (nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học nghệ thuật, tạo giống mới, thiết kế thời trang…). Dạng nghềnày được ký hiệu là T.
3. Công cụ lao động
Công cụ lao động bao gồm các thiết bị kỹ thuật, các dụng cụ gia công, các phương tiện làm tăng năng lực nhận thức của con người về các đặc điểm của đối tượng lao động, làm tăng sự tác động của con người đến đối tượng đó. Những máy móc để biến đổi năng lượng, xử lý thông tin, đo lường chất lượng sản phẩm, những công thức và quy tắc tính toán cũng được coi là công cụ lao động.
Ví dụ: Cần cẩu là công cụ lao động, là “cánh tay kéo dài” của thợ lái máy xúc đất và mang chuyển hàng hóa từ vị trí này sang vị trí khác. Xe vận tải là công cụ lao động của những người chuyên chở hàng hóa, làm tăng sức mang vác của họ có khi đến hàng nghìn, hàng vạn lần.
Căn cứ vào công cụ lao động, người ta chia các nghề thành 4 loại sau đây:
- Nghề với những hình thức lao động chân tay (khuân vác, khơi thông cống rãnh, lắp đặt ống nước, quét rác…). Loại nghề này được ký hiệu là Lt.
- Nghề với những công việc bên máy (tiện, phay, xây dựng, lái xe…). Loại nghề này được ký hiệu là Lm1.
- Nghề làm việc bên máy tự động (làm việc ở bàn điều khiển, các loại máy thêu, máy dệt, máy in hoa trên vải, tiện hoặc phay các chi tiết theo chương trình máy tính…). Loại nghề này được ký hiệu là Lm2.
- Nghề lao động bằng những công cụ đặc biệt như ngôn ngữ, cử chỉ (dạy học, làm thơ, múa hát, nghiên cứu lý luận…). Loại nghề này được ký hiệu là Lđ.
4. Điều kiện lao động
Điều kiện lao động ở đây được hiểu là những đặc điểm của môi trường làm việc. Căn cứ vào điều kiện lao động, người ta chia các nghề thành 4 nhóm sau đây:
- Nghề cần phải tính đến môi trường đạo đức, chính trị là chủ yếu (xử án, chữa bệnh, dạy học, quản giáo tội phạm…). Nhóm nghề này đượcký hiệu là Đ.
- Nghề được tiến hành trong không gian sinh hoạt bình thường (kế toán, đánh máy, trực điện thoại, lưu trữ tài liệu, thợ may…). Nhóm nghề này được ký hiệu là Ks.
- Nghề làm trong khoảng không gian khoáng đạt, gần gũi với thiên nhiên (chăn gia súc, súc vật trên đồng cỏ, trồng rừng, bảo vệ rừng, trồng hoa…). Nhóm nghề này được ký hiệu là Kk
- Nghề được tiến hành trong điều kiện đặc biệt (du hành vũ trụ, thám hiểm đáy biển, lái máy bay thí nghiệm, xây dựng dưới nước…). Nhóm nghề này được ký hiệu là Kđ.
Tổ hợp các dấu hiệu Kiểu, Dạng, Loại, Nhóm của một nghề cho ta công thức của nghề đó.
Ví dụ:
- Công thức của nghề dạy học là: N2BLđĐ
- Công thức của nghề lái xe là: NkBLm1Kk
Thật ra công thức nghề cũng chỉ bảo đảm mức độ tượng đối chính xác về các dấu hiệu nói trên. Hiện nay, việc phân loại nghề theo công thức nghề là một bước tiến mới trong quá trình nhận thức thế giới nghề nghiệp. Đến đây ta thấy rằng, có một số nghề chung nhau công thức. Do vậy, nếu không chọn được một nghề nào đó, ta có thể chọn cho mình một nghề khác có cùng công thức. Cũng có những nghề khác nhau nhiều hoặc ít về công thức nghề. Một người sẽ rất khó chuyển từ nghề này sang nghề khác mà giữa hai nghề ấy có sự khác biệt quá lớn trong công thức nghề.