1

Nhu Cầu Nguồn Nhân Lực

In

10 ngành “hot” nhất thế kỷ 21

Cập nhật 27/02/2013 - 03:32:23 PM (GMT+7)

Trong bối cảnh ngành nghề đa dạng (hơn 3.000 ngành đào tạo của 300 trường ĐH, CĐ trong cả nước), chọn lựa một ngành phù hợp để “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” quả thật không dễ dàng. Có ai ngờ được lĩnh vực tài chính vốn “nóng” nhất dường như đang hết thời hoàng kim sau cuộc khủng hoảng kinh tế.

Việt Nam đã gia nhập WTO, những biến động kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng đến Việt Nam. Do vậy, theo các chuyên gia, trước khi chọn nghề, các em HS phải tìm hiểu sở thích bản thân, năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình. Đặc biệt, học sinh cần phải tìm hiểu kỹ nhu cầu xã hội trong một khoảng thời gian dài (ít nhất sau 4 năm ĐH, khi tốt nghiệp, ngành nghề mình chọn sẽ còn “lực hút”?), cơ hội nghề nghiệp sẽ cao hơn.

Theo ông Nguyễn Duy Tụng, Giám đốc Trung tâm tư vấn giáo dục tâm lý – thể chất, kết quả nghiên cứu mang tên “Nhân lực 21” quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực lao động – việc làm của của Singapore và quốc tế đã chọn ra 10 lĩnh vực ngành, nghề có nhu cầu cao trong thế kỷ 21. Đó là:

1. Công nghệ sinh học: Nhu cầu tuyển dụng các chuyên viên nghiên cứu và phát triển dự án của CNSH cao nhất. Hướng phát triển chính của CNSH và di truyền trong thế kỷ tới đòi hỏi các chuyên viên nghiên cứu ra sản phẩm sinh học giá thành hạ, an toàn và năng suất cao.

2. Kỹ thuật điện – điện tử – hóa chất: là một trong những ngành mũi nhọn hầu như hiếm có khả năng thất nghiệp.

3. Công nghệ thông tin: Cần nhiều chuyên viên ở những khâu khác nhau như lập trình viên, phân tích hệ thống, bảo mật thông tin, chống virus tin học, chuyên viên về mạng máy tính…

4. Công nhân kỹ thuật lành nghề: Cho dù mức độ hiện đại hóa dây chuyền sản xuất đến đâu chăng nữa thì nhu cầu “thợ” lành nghề vẫn cao hơn “thầy” trong lĩnh vực kỹ thuật như bến cảng, giao thông vận tải, viễn thông, xây dựng, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc công nghiệp.

5. Marketing: Nhu cầu cao nhưng những người làm ngành này phải “vật lộn” nhiều hơn trong quá trình tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tầm hoạt động của nhân viên marketing cũng trải rộng ra nhiều nước trong khu vực. Do đó, người làm ngành này ngoài kỹ năng khai thác thị trường còn phải am hiểu sâu về phong tục tập quán, các vấn đề nhạy cảm về văn hóa cần tránh trong quá trình khai thác thị trường.

6. Quản lý nhân sự: Đây là ngành có triển vọng trong tương lai. Nhân lực sẽ được xem như là một loại vốn đặc biệt của doanh nghiệp, vì vậy phải có người quản lý giỏi để khai thác nguồn vốn này. Các chuyên viên nhân sự không chỉ quản lý theo kiểu hiện nay mà còn phải là người vạch ra chiến lược đào tạo, tuyển dụng trong thời gian dài. Họ cũng phải dự báo các thay đổi về công nghệ, kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng lao động.

7. An ninh quốc phòng: Lĩnh vực này luôn có nhu cầu tìm kiếm những chuyên viên giỏi phục vụ cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia, chống tội phạm cao cấp. Kinh tế càng phát triển, các chính phủ càng phải đầu tư nhiều vào lĩnh vực này.

8. Giáo viên: Để tạo lực lượng lao động đầy đủ kỹ năng, trước hết phải có một đội ngũ giáo viên giỏi ở tất cả các cấp đào tạo. Đây là ngành được đánh giá sẽ có nhu cầu tuyển dụng luôn ở mức cao.

9. Dịch vụ nhỏ: Nhu cầu ngành này tập trung vào lĩnh vực sửa chữa các dụng cụ, tiện nghi sinh hoạt như xe hơi, máy lạnh, hệ thống điện, nước… Mức sống càng cao, các thiết bị loại này càng nhiều, kèm theo đó là nhu cầu sửa chữa, bảo trì. Ngoài ra, dịch vụ giúp việc nhà, trông trẻ, chăm sóc người già cũng sẽ phát triển rất mạnh.

10. Chuyên gia tư vấn tâm lý – sức khỏe: Quá trình công nghiệp hóa càng cao, con người càng có nhu cầu giải đáp thắc mắc, tư vấn nhiều vấn đề: tình yêu, hôn nhân sức khỏe, dinh dưỡng, nuôi dạy con cái giúp giảm stress, tự tin, yêu đời trong cuộc sống.

NHÓM PV

Lý thuyết Holland

6 nhóm sở thích ứng với nghề nghiệp

Lý thuyết Holland (6 nhóm sở thích ứng với nghề nghiệp, kèm theo) về chọn nghề cũng là một nguồn tham khảo khá tốt để các học sinh trắc nghiệm sở thích ngành nghề.

Lĩnh vực nghề nghiệp ứng với mỗi nhóm sở thích

R (Realistic): Thực tế ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các nghề về kiến trúc, an toàn lao động, nghề mộc, xây dựng, thủy sản, kỹ thuật, máy tàu thủy, lái xe, huấn luyện viên, nông – lâm nghiệp.

I (Investigative): Có khả năng về quan sát, khám phá, phân tích đánh giá và giải quyết các vấn đề. Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên; khoa học xã hội; y – dược; khoa học công nghệ.

A (Artistic): Có khả năng về nghệ thuật. Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các ngành về văn chương; báo chí; điện ảnh; sân khấu; mỹ thuật; ca nhạc; múa; kiến trúc; thời trang; hội họa, giáo viên dạy Sử/Anh văn, bảo tàng, bảo tồn…

S (Social): Có khả năng về ngôn ngữ, giảng giải, thích làm những việc như giảng giải, cung cấp thông tin, sự chăm sóc, giúp đỡ, huấn luyện cho các người khác. Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Sư phạm; giảng viên, huấn luyện viên điền kinh; tư vấn – hướng nghiệp; công tác xã hội, sức khỏe cộng đồng, thuyền trưởng, thầy tu, thư viện, bác sĩ chuyên khoa, thẩm định giá, nghiên cứu quy hoạch đô thị, kinh tế gia đình, tuyển dụng nhân sự, cảnh sát, xã hội học, bà đỡ, chuyên gia về X-quang, chuyên gia dinh dưỡng …

E (Enterprise): Có khả năng về kinh doanh, mạnh bạo, dám nghĩ dám làm, có thể gây ảnh hưởng, thuyết phục người khác; có khả năng quản lý. Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các ngành về quản trị kinh doanh, thương mại, marketing, kế toán – tài chính, luật sư, dịch vụ khách hàng, tiếp viên hàng không, thông dịch viên, pha chế rượu.

C (Conventional): Có khả năng về số học, thích thực hiện công việc chi tiết, làm việc với dữ liệu, theo chỉ dẫn của người khác hoặc các công việc văn phòng. Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các ngành nghề về hành chính, quản trị văn phòng, kế toán, kiểm toán, thư ký, thống kê, thanh tra ngành, người giữ trẻ, điện thoại viên… Theo Holland

(Nguồn: Th.S Trần Đình Lý - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp ĐH Nông Lâm TPHCM)