1

Tin Nghiên Cứu Khoa Học

In

Ô nhiễm không khí ban đêm có xu hướng tăng

Cập nhật 16/12/2011 - 10:45:13 AM (GMT+7)
Nhìn vào các số liệu quan trắc có thể thấy, vào ban đêm, không khí có biểu hiện bị ô nhiễm nhưng chưa vượt mức cho phép. Có điều, nếu so sánh thời điểm này với thời điểm cách đây 5 - 7 năm, ô nhiễm ban ngày và ban đêm đang có xu hướng tăng.

Không loại trừ khả năng sẽ vượt mức cho phép

ThS Bùi Hoài Thanh, trưởng phòng Môi trường, Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho biết, nhìn vào các số liệu quan trắc có thể thấy, vào ban đêm, không khí có biểu hiện bị ô nhiễm nhưng chưa vượt mức cho phép. Cụ thể, theo quy chuẩn trung bình TSP là 300mg/m3/h và 200mg/m3/24h; PM10 là 150mg/m3/24h (PM 10 không có tiêu chuẩn theo giờ).

Với quy chuẩn này, đối với PM10, không chỉ ban đêm, mà ngay cả ban ngày cũng không vượt quá ngưỡng cho phép ví dụ ngày 23/11 là 83mg/m3, ngày 6/11 là 123mg/m3. Cũng có những ngày vượt lên như ngày 18/11 là 195. Tuy nhiên, những ngày vượt không nhiều.

Đối với TSP, nếu tính theo ngày, hầu hết đều vượt ví dụ ngày 23/11 là 237mg/m3, ngày 18/11 là 241... Tuy nhiên, nếu so từng giờ, các giờ vào ban đêm TSP cũng chưa vượt mức cho phép, các giờ chủ yếu trong đêm chỉ ở khoảng dưới 200 (quy chuẩn là 300mg/m3/h).

Theo ThS Bùi Xuân Thanh, cho tới thời điểm này, chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về chất lượng không khí ban đêm. Tuy nhiên, các kết quả quan trắc cho thấy, không khí ban đêm có biểu hiện bị ô nhiễm nhưng chưa vượt ngưỡng cho phép. Có điều, nếu so sánh thời điểm này với thời điểm cách đây 5 - 7 năm thì thấy ô nhiễm ban ngày và ban đêm có xu hướng tăng hơn. Hiện tại thì chưa đáng lo ngại. Nhưng với tốc độ như hiện nay, trong tương lai cũng không loại trừ khả năng sẽ vượt mức cho phép.


Quan trắc chỉ là một góc của ô nhiễm

Từ các số liệu quan trắc không khí có được, chúng tôi trở lại tìm hiểu quy trình lấy mẫu khí và thu thập kết quả đo của Trạm quan trắc Láng (Hà Nội). Trạm được đặt giữa khu dân cư, ít khói bụi, nhưng con số bụi đo được tại thời điểm chúng tôi đến cũng không hề nhỏ.

Chị nhân viên quan trắc Nguyễn Lan Hương cho biết, những thông số hiện lên trên chiếc máy quan trắc vào ngày 3/12 như sau: Vào lúc 14h51 phút, thì độ ẩm chỉ có 47%. Đây là độ ẩm khá thấp do đang là thời điểm giữa mùa đông. TSP lúc này là 144, PM10 là 41, trong khi theo quan sát của chúng tôi tại đây thời tiết đẹp, xung quanh trạm nhiều cây xanh và gần như không nhìn thấy bụi.

Trên bảng chỉ thị, hàm lượng SO2 là 672 (trong khi tiêu chuẩn là 350). Tuy nhiên, đây chỉ là giá trị tức thời, cập nhật mỗi phút và sẽ được tổng hợp vào cuối giờ và cuối ngày... Những số liệu đo được này sẽ được tập hợp đóng quyển lưu trữ và chuyển về trung tâm phân tích. Với những thời điểm chỉ số không liên tục, nhân viên sẽ phải dựa vào các số liệu trước và sau đó để ước lượng những con số gần đúng nhất.

Theo ông Nguyễn Nhật Anh, tổ Môi trường không khí, phòng Môi trường, Trung tâm Mạng lưới Khí tượng và Thủy văn Môi trường, nếu đặt máy đo ở các địa điểm khác như những cung đường có lưu lượng giao thông lớn, nơi có nhiều công trình xây dựng, nhà máy xí nghiệp chế biến... thì chắc chắn con số đo được sẽ vượt ngưỡng. Bụi PM10 không thay đổi giá trị của nhiều lần đo do khả năng phát tán lớn.

Nhiều khi nhà đóng kín cửa mà bụi này vẫn cứ nhiều. Bụi đêm ta không nhìn thấy nhiều nhưng thực tế thì cũng vẫn nguy hiểm và đe dọa sức khoẻ nếu phải tiếp xúc ngoài môi trường nhiều.

(Theo Báo Khoa học)