1

Khoa Học Công Nghệ

In

Nhà mạng “câu” khách hàng trả cước online

Cập nhật 18/11/2011 - 10:29:20 PM (GMT+7)
(Dân trí) - Các nhà mạng đang tung ra nhiều hình thức nhằm khuyến khích thanh toán cước trực tuyến. Trong đó, Mobifone là đơn vị mạnh tay nhất khi chiết khấu tới 10% cho khách hàng trả cước online.

Từ 1/11/2011 đến 31/1/2012, thuê bao MobiFone trả sau được chiết khấu 10% cước phí khi thanh toán hóa đơn tại các kênh giao dịch điện tử của các ngân hàng thuộc hệ thống Smartlink, qua hệ thống thanh toán VNPay. Tiền chiết khấu thanh toán được khấu trừ vào cước sử dụng chu kỳ tiếp theo của khách hàng.

Vinaphone cũng có chương trình khuyến mại cho các khách hàng sử dụng tiện ích thanh toán trực tuyến với tổng giá trị giải thưởng lên tới 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng giống như Viettel, VinaPhone chủ yếu mới hướng tới các khách hàng trả trước nạp tiền. Giá trị nạp tiền từ 100.000 VND trở lên được nhà mạng này tặng chiết khấu 4% giá trị nạp tiền.

Trên thực tế, không phải thời gian gần đây các mạng di động mới chú ý đến việc đẩy mạnh thanh toán trực tuyến. Trước đó, từ tháng 10 năm ngoái, lần đầu tiên Mobifone triển khai chương trình khuyến khích thanh toán trực tuyến với hình thức tặng 5% giá trị hóa đơn thanh toán. Sau chương trình này, tổng giá trị thanh toán bằng hình thức trực tuyến của thuê bao Mobifone đã tăng gấp 2 lần so với ban đầu. Mới đây, đại diện Mobifone cho biết, đơn vị này sẽ không ngừng tăng cường các hình thức khuyến mại cho khách trả cước online nhằm đẩy tỷ lệ thanh toán trực tuyến tăng lên 5%.

Các nhà mạng khuyến khích người dùng trả cước di động trên các cổng thanh toán trực tuyến.

Xu hướng thanh toán trực tuyến tại nhiều nước không còn xa lạ và đang ngày một gia tăng. Ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Indonesia..., tỷ lệ thuê bao thanh toán cước di động trực tuyến lên tới 90%. Trong khi đó, tại Việt Nam, người dân vẫn còn khá xa lạ và ngại hình thức này.

Nguồn tin từ các công ty viễn thông cho biết, tỷ lệ thuê bao trả sau thanh toán cước online hiện nay chỉ chiếm hơn 1% - một tỷ lệ rất thấp so với mặt bằng trong khu vực và sự phát triển của ngành viễn thông Việt Nam. Số lượng khách này phân bố chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, tập trung chủ yếu vào đối tượng công chức, văn phòng, doanh nghiệp. Trong khi đó, tỷ lệ thanh toán cước trực tiếp bằng tiền mặt cho nhân viên thu cước chiếm tới 60%, thanh toán tại cửa hàng chiếm khoảng 38%.

Một lãnh đạo của VinaPhone nhận xét, thanh toán không dùng tiền mặt giúp khách hàng nộp tiền cước di động hàng tháng ở mọi lúc, mọi nơi. Phương thức này không chỉ đem lại sự thuận tiện và thoải mái cho khách hàng, mà còn làm giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ cho nhà mạng. Hình thức thanh toán trực tuyến được nhiều chuyên gia cả trong lĩnh vực viễn thông lẫn tài chính, ngân hàng khuyến khích từ trước đến nay.

Một nhân viên thu cước của Viettel cũng cho rằng, so với thanh toán trực tuyến, hình thức thu cước truyền thống trong một số trường hợp gây bất tiện cho khách hàng. Sau khi thu cước, nhân viên thu cước phải trở về văn phòng, làm thủ tục chuyển tiền vào tài khoản của nhà mạng thì quá trình thanh toán cước mới thành công. Việc này đương nhiên sẽ mất nhiều thời gian hơn so với thanh toán trực tuyến.

Cũng chính vì lý do này, sau khi MobiFone đẩy mạnh các chương trình khuyến khích khách hàng thành toán trực tuyến, các hãng viễn thông khác cho biết cũng đang rục rịch chuẩn bị các chiêu mới để chạy đua.
Nguyên Anh