Tin Tức Các Báo
InKết nối lý thuyết và thực hành trong giáo dục đại học
Cập nhật 17/11/2011 - 08:26:03 AM (GMT+7)Với tư cách là một nghiên cứu sinh (NCS) giáo dục đang học tập tại nước ngoài bằng học bổng của Chính phủ, tôi muốn được chia sẻ những suy ngẫm của cá nhân tôi cũng như đề xuất một giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đầu ra của các trường đại học Việt Nam.
Giải pháp của tôi là ngoài các giờ học chính khóa, các trường đại học nên mở thêm các lớp học phụ đạo và người đứng lớp là các học viên giỏi sau đại học. Dữ liệu của bài viết này (đồng thời cũng là một phần dữ liệu từ đề tài NCS của tôi) được lấy từ các cuộc phỏng vấn từ 10 sinh viên Việt Nam đang theo học chương trình đại học tại Úc.
Những giờ phụ đạo bổ ích
Ở các trường đại học Việt Nam, khái niệm phụ đạo được hiểu là các giờ học thêm trước mỗi kỳ thi như kết thúc học kỳ hoặc kết thúc năm học. Ở các lớp học này, giáo viên thường ôn lại cho sinh viên những kiến thức cơ bản đã học và hướng dẫn cách ôn thi. Về phía sinh viên, ngoài việc tiếp thu các kiến thức nói trên, có lẽ quan tâm lớn nhất của họ là giáo viên giới hạn nội dung ôn thi càng ngắn càng tốt.
Từ đó sinh viên chỉ học và luyện thi dựa vào những nội dung giới hạn đó mà không cần quan tâm đến những nội dung kiến thức khác đã học. Ở các trường đại học Úc, bản chất của các lớp học phụ đạo (tutorial) là hoàn toàn khác. Trong chương trình của bậc đại học, song song với các lớp học chính (lecture) thì sinh viên còn phải tham gia các lớp học phụ đạo (tutorial).
Điều khác biệt cơ bản giữa hai loại hình lớp học này là: ở các lớp học chính, người đứng lớp là các giảng viên (lecturer), còn ở lớp học phụ đạo, người đứng lớp là các học viên sau đại học (thạc sĩ, NCS) hoặc thỉnh thoảng là các giảng viên tập sự. Về nội dung bài giảng, ở các lớp học chính, sinh viên chủ yếu tiếp nhận kiến thức mang tính lý thuyết, còn ở các lớp học phụ đạo, sinh viên phải làm nhiều bài tập dựa vào lý thuyết đã được học và tham gia thảo luận nhóm (group discussion).
Phần lớn sinh viên Việt Nam (đang học đại học tại Úc) khi được hỏi đều cảm thấy rất hứng thú đối với các lớp học phụ đạo. Họ cho rằng nhiều khi các lớp học phụ đạo còn quan trọng và bổ ích hơn các lớp học chính. Các sinh viên bày tỏ rằng học đại học ở Úc, nếu chỉ tham gia các lớp học chính (lecture) không thôi thỉ cũng chẳng khác gì học đại học ở Việt Nam. Các lớp học này cũng diễn ra ở các giảng đường lớn với một số lượng lớn sinh viên, và hoạt động chính trong lớp học cũng là thầy giảng - trò ghi và cố gắng ghi càng nhiều càng tốt.
Nhìn chung sau những lớp học này, nhiều lắm sinh viên (bao gồm cả sinh viên bản địa) cũng chỉ hiểu được 50% nội dung bài giảng. Sau các lớp học này, sinh viên tham gia tiếp các lớp học phụ đạo. Trước khi tham gia các lớp học này, sinh viên phải làm các bài tập trước ở nhà, chuẩn bị những câu hỏi, những vấn đề không hiểu ở các lớp học chính. Khi đến lớp, sinh viên được thoải mái thảo luận, đặt câu hỏi đối với người đứng lớp cũng như các thành viên trong lớp học.
Ở lớp học này, những nội dung kiến thức sinh viên chưa hiểu ở các lớp học chính đều được đưa ra thảo luận chung. Không phải lúc nào tất cả mọi khúc mắc, mọi bài tập đều tìm được giải pháp thỏa đáng, nhưng ít nhất, các sinh viên có cơ hội để trình bày quan điểm riêng của mình và học hỏi từ người khác, và từ đó hiểu sâu hơn về kiến thức từ các giờ học chính.
Như đã đề cập, người đứng lớp ở các lớp học này là các học viên sau đại học, và phần lớn họ đã có kinh nghiệm làm việc. Do vậy những kinh nghiệm thực tế này là vô cùng bổ ích và quý giá đối với các sinh viên đại học. Các sinh viên đều có chung một đúc kết là điều bổ ích nhất từ giáo dục đại học của Úc đó là họ được tạo cơ hội để kết nối giữa lý thuyết và thực hành.
Thực tiễn giáo dục Việt Nam
Đã có rất nhiều ý kiến chỉ ra sự trì trệ yếu kém. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, việc đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục đại học nói riêng và hệ thống giáo dục nói chung khó có thể thực hiện được một sớm một chiều. Giáo dục cũng như các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa - xã hội luôn nằm trong sự liên hệ chặt chẽ với nhau.
Bởi vậy không thể có một bước đại nhảy vọt trong giáo dục mà không có một sự tương ứng từ các lĩnh vực khác. Đặc biệt chúng ta cũng không nên so sánh một cách cứng nhắc giáo dục đại học Việt Nam với các nền giáo dục tiên tiến khác trên thế giới.
Suy luận một cách đơn giản rằng một nền giáo dục mạnh luôn luôn phải được hậu thuẫn từ rất nhiều yếu tố khác, trong đó vô cùng quan trọng là dựa vào một nền kinh tế mạnh. Chưa có một nền giáo dục tiên tiến nào trên thế giới lại đến từ một nước nghèo cả. Chúng ta không thể so sánh chất lượng giáo dục của một nước có thu nhập bình quân đầu người $1,000/người/năm với một nước có thu nhập $40,000 - $50,000/người/năm được.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta thụ động ngồi chờ đến khi đất nước giàu mạnh rồi thì mới tiến hành đổi mới giáo dục. Điều quan trọng là tìm ra những giải pháp hiệu quả mà không ảnh hưởng nhiều, hoặc chịu nhiều tác động từ các lĩnh vực khác. Đã có rất nhiều chương trình nghị sự, các văn bản và các bài viết tâm huyết kêu gọi đổi mới về nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Cần có lớp phụ đạo đúng nghĩa
Theo tôi, việc có thể đưa mô hình dạy phụ đạo vào chương trình chính thức bên cạnh các giờ học chính khóa, và sử dụng một số học viên giỏi sau đại học để đứng lớp.
Việc tham gia các lớp học phụ đạo có thể là một giải pháp hữu hiệu nhằm trang bị thêm cho sinh viên những kỹ năng và kiến thức cần thiết khi ra làm viêc. Qua những lớp học này, các sinh viên ngoài việc được bổ sung kiến thức, họ còn có thể học được những kiến thức thực tiễn bổ ích mà không một giáo trình nào có được như: sinh viên mới ra trường thường thiếu những kỹ năng gì; hoặc các nhà quản lý cần những gì từ sinh viên mới ra trường.
Hầu hết các trường đại học ở Việt Nam đều có chương trình đào tạo sau đại học cho trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Các trường đại học có thể chọn một số học viên giỏi để dạy các lớp phụ đạo. Với những kiến thức đã học qua, họ có thể giúp đỡ một cách hiệu quả trong việc giải đáp những khúc mắc qua những giờ học chính. Quan trọng hơn nữa, phần lớn các học viên sau đại học đã có kinh nghiệm làm việc và họ có thể truyền đạt những kinh nghiệm này tới các sinh viên đại học.
Thực tế cho thấy đã có rất nhiều đánh giá rằng sinh viên chúng ta mặc dù học rất giỏi trong nhà trường nhưng lại rất lúng túng khi ra làm việc. Nguyên nhân chủ yếu có lẽ là trong quá trình đào tạo trong nhà trường, sinh viên ít được cập nhật những kiến thức thực tiễn.
(Theo Tuổi Trẻ)