1

Tin Tức Các Báo

In

Vụ không tuyển người tốt nghiệp trường ngoài công lập: Lời cảnh báo từ xã hội

Cập nhật 19/10/2011 - 08:44:40 AM (GMT+7)
Nhiều cán bộ quản lý của các trường ngoài công lập đã lên tiếng trước quyết định không tuyển người tốt nghiệp các trường ngoài công lập của Nam Định. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng đây là lời cảnh báo cần thiết.

* PGS.TS NGUYỄN THIỆN TỐNG (phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long):

 Như thế là bất công

 Hệ tại chức có hình thức tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá khác với hệ chính quy. Phải thừa nhận chất lượng đào tạo hệ này chưa đảm bảo và nhiều người đã có ý kiến nên bỏ hình thức đào tạo này. Trong khi đó, các trường công lập và ngoài công lập đều là hình thức đào tạo chính quy, tuyển sinh theo hình thức “ba chung”, có quy chế đào tạo, đánh giá như nhau nên việc phân biệt loại hình đào tạo như vậy là không hợp lý. Hơn nữa việc kỳ thị như vậy là đi ngược lại chính sách của Nhà nước (cho phép thành lập và khuyến khích phát triển các trường ngoài công lập).

 Nhìn chung chất lượng đào tạo các trường ngoài công lập chưa bằng các trường công lập, nhưng nếu đánh giá công bằng thì qua quá trình tiếp xúc tôi thấy rằng sinh viên khá, giỏi ngoài công lập vẫn giỏi hơn sinh viên trung bình và yếu của các trường công lập. Nhiều sinh viên ngoài công lập ra trường đã khẳng định được năng lực của mình trong các vị trí đảm nhiệm.

 Ở đây chất lượng các trường trong và ngoài công lập so le nhau (số khá giỏi ngoài công lập vẫn giỏi hơn số trung bình, yếu của công lập) chứ không phải chênh lệch như giữa chính quy và tại chức. Hơn nữa chưa hẳn chất lượng tất cả trường công lập đều tốt hơn trường ngoài công lập. Do đó cách làm của Nam Định là vô lý, bởi nguyên tắc của tuyển dụng là phỏng vấn để đánh giá đúng năng lực của ứng viên chứ không phải chỉ xem hồ sơ. Làm như vậy sinh viên ngoài công lập mất cơ hội được phỏng vấn, đánh giá và như thế là bất công.

* TS KIỀU XUÂN HÙNG (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM):

 Xem xét năng lực cụ thể

 Dù là trường công lập hay ngoài công lập thì mục tiêu đào tạo cuối cùng vẫn là làm sao để có chất lượng tốt nhất. Do đó các trường đều cố gắng đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình... để có thể đưa đến kết quả đào tạo chất lượng cao nhất. Quan điểm không tuyển dụng sinh viên trường ngoài công lập là không công bằng. ĐH công lập hay ngoài công lập đều có trường tốt, trường chưa tốt.

 Sinh viên loại hình nào cũng vậy, có người giỏi, người kém chứ không phải tất cả sinh viên công lập đều giỏi, ngoài công lập đều kém. Nếu xét theo biện pháp hành chính như cách tuyển dụng của Nam Định như thế là không công bằng đối với sinh viên ngoài công lập. Việc tuyển dụng không thể chỉ căn cứ vào bằng cấp từ trường nào mà phải dựa vào năng lực thực tế của ứng viên. Không nên xem xét ứng viên đó tốt nghiệp từ trường nào mà phải đánh giá xem họ có gì, năng lực họ tới đâu, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng đến mức nào.

 * Một cán bộ quản lý Trường ĐH Văn Lang:

 Lời cảnh báo từ xã hội

 Đây là dấu hiệu cảnh báo về đào tạo theo nhu cầu xã hội. Nhiều năm nay chúng ta nói về chất lượng đào tạo, đào tạo theo nhu cầu xã hội. Thế nhưng xã hội ngày càng đi lên, yêu cầu về lao động cũng cao hơn. Do đó các trường cũng phải nhìn nhận lại chương trình và chất lượng đào tạo của mình. Trong quá trình tiếp xúc với người sử dụng lao động, họ phản ảnh sinh viên tốt nghiệp còn thiếu kiến thức, kỹ năng nào để kịp thời bổ sung, đáp ứng các yêu cầu đó của doanh nghiệp. Cũng từ đó điều chỉnh mục tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội của các trường và phải đảm bảo được các nguồn lực để thực hiện mục tiêu đó.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: “Không nên phân biệt”

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 18-10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Quan điểm của Bộ GD-ĐT là bằng tốt nghiệp của các trường công lập và ngoài công lập có giá trị pháp lý như nhau và cần được đối xử công bằng. Bằng cấp chỉ được phân biệt bằng những yếu tố trình độ đào tạo (trung cấp, CĐ hay ĐH, sau ĐH...), bằng thang xếp loại (kém, trung bình, khá, giỏi hay xuất sắc), bằng tốt nghiệp trường công lập hay ngoài công lập không phải là một giá trị để phân biệt.

 Quyền tuyển dụng thuộc về người sử dụng lao động. Nhưng đối với cán bộ công chức nhà nước, việc tuyển dụng phải đảm bảo công bằng trên cơ sở thực hiện đúng các quy định hiện hành về giá trị bằng cấp, không nên có sự phân biệt tốt nghiệp trường công hay trường tư. Ngay cả khi muốn tuyển dụng được nguồn nhân lực có chất lượng, cơ quan tuyển dụng cũng không nên đặt ra vấn đề bằng cấp như một yếu tố mang tính quyết định, phân loại, sàng lọc ngay từ đầu. Việc tuyển dụng có thể thực hiện qua nhiều hình thức kiểm tra, phỏng vấn để phân loại được đối tượng tuyển dụng, để người đạt hay không đạt đều tâm phục, khẩu phục.

 Theo quan điểm của tôi, SV tốt nghiệp không thể chỉ đánh giá qua tấm bằng tốt nghiệp mà cần phải thể hiện bằng những kiến thức, kỹ năng cụ thể. Mà để phát hiện, đánh giá được chính xác cần có những hình thức kiểm tra, phân loại phù hợp đối với từng mục đích tuyển dụng. Bằng cấp trong tuyển dụng không thể mang tính quyết định.

 Mặt khác, trong số các trường ngoài công lập có những trường đào tạo có chất lượng tốt không thua kém trường công lập và ngày càng có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện nay đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT đã áp dụng quy định về điểm sàn xét tuyển, tạo ra một ngưỡng chất lượng tối thiểu đầu vào cho cả trường công và trường tư, làm cơ sở ban đầu cho mặt bằng chất lượng đào tạo của trường ĐH, CĐ, bao gồm cả các trường ngoài công lập.

 Tất nhiên chất lượng sản phẩm đầu ra còn phụ thuộc quá trình đào tạo. Vì vậy, để đánh giá chất lượng trong quá trình tuyển dụng một cách chính xác, công bằng, hợp tình, hợp lý, cần đánh giá trên những con người cụ thể với năng lực, trình độ chuyên môn, khả năng làm việc có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không, chứ không nên đánh giá, lựa chọn dựa trên bằng cấp tốt nghiệp trường công hay trường tư.

(Theo Tuổi Trẻ)