(Dân trí) - 1 năm sau khi mua lại Palm với giá 1,2 tỷ USD, hôm qua, HP đã chính thức lên tiếng “nói lời từ biệt” với máy tính bảng TouchPad và các dòng điện thoại chạy hệ điều hành WebOS. Palm có vẻ như sẽ “đứng tim” khi nghe thông tin động trời này. >> Best Buy nóng ruột vì HP TouchPad ế chỏng chơ >> HP thâu tóm Palm với giá 1,2 tỷ USD để thách thức Apple
HP kết thúc tham vọng gia nhập vào thị trường di động để tập trung vào kinh doanh máy tính cá nhân.
Kế hoạch của HP sẽ rút chân khỏi thị trường di động để tập trung vào hoạt động kinh doanh máy tính cá nhân, và theo trang Bloomberg, hãng này chuẩn bị thâu tóm công ty sản xuất phần mềm Autonomy (Anh) với giá “khủng”, lên tới 10 tỷ USD. Hãng sản xuất máy tính lớn nhất thế giới cũng đã thừa nhận đang trong quá trình thương thảo với Autonomy và có thể sẽ kết thúc trong thời gian tới.
HP cho biết hãng sẽ “ngừng sản xuất các thiết bị chạy trên nền tảng WebOS, đặc biệt là máy tính bảng TouchPad và điện thoại”.
Năm ngoái, HP đã từng rất quyết tâm gia nhập thị trường điện toán di động bằng chiến lược mua lại Palm nhằm sản xuất các thiết bị di động chạy trên nền tảng MobileOS, WebOS. Đầu năm nay, gã khổng lồ này cũng đã tung ra thị trường chiếc máy tính bảng TouchPad đầu tiên sử dụng phần mềm của Palm. Tuy nhiên, doanh số của tablet này cho đến thời điểm này đã khiến HP thất vọng. Chính nhà bán lẻ Best Buy tại Mỹ cũng tỏ ra nóng ruột vì TouchPad ế chỏng chơ.
Câu hỏi đặt ra về sự sống còn của Palm sau quyết định của HP. Nhà sản xuất này đã cho hay công nghệ do Palm phát triển sẽ vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức. Trả lời báo ABCNews, CEO Leo Apotheker của HP cho biết hãng quá thất vọng với doanh số phần cứng chứ không phải là khả năng hoạt động của phần mềm WebOS. Vì thế, phần mềm này sẽ tiếp tục được duy trì. HP đang nghiên cứu nhiều lựa chọn, có thể là sẽ bán phí bản quyền phần mềm cho các hãng sản xuất điện thoại, hoặc cho phép các công ty này sử dụng miễn phí như là phần mềm nguồn mở, giống như Google đang làm với Android.
Palm "chết lặng" khi HP khai tử TouchPad và điện thoại WebOS.
Tuy nhiên, với Palm, quyết định này dường như là “dấu chấm hết” sau gần 20 thực hiện các phát minh công nghệ di động. Việc thay tên đổi chủ của Palm đã không mang lại thành công và nỗ lực trở thành nền tảng đi đầu trên thị trường điện thoại dường như đã thất bại hoàn toàn.
Palm được thành lập bởi Donna Dubinsky và Jeff Hawkins vào năm 1992. Hai nhà sáng lập này đã tạo ra một thị trường điện toán cầm tay với chiếc PDA Palm Pilot trong những năm 1990. Tuy nhiên, sau đó Palm tái cơ cấu tổ chức, và được bán lại cho U.S. Robotics, công ty sản xuất modem, và sau đó lại được tập đoàn 3Com mua lại năm 1997. Hoạt động kinh doanh bắt đầu lao dốc từ năm 2000 khi nhiều hãng di động nhảy vào tranh đua trên thị trường này. Đến năm 2003, Palm được công ty Handspring, vốn là công ty cạnh tranh với Palm, thâu tóm và tung ra phần mềm PalmSource, là tiền đề của nền tảng PalmOS hiện nay. Năm ngoái, HP đã mua lại Palm với tham vọng sẽ giành được miếng bánh lớn trên thị trường di động. Tuy nhiên, hãng này đã thừa nhận “đây là một chiến lược sai lầm trầm trọng”.