Khoa Học Công Nghệ
InCai nghiện Internet ở Hàn Quốc - lắm nỗi gian truân
Cập nhật 03/08/2011 - 10:48:36 AM (GMT+7)Việc dành thời gian hơn cho gia đình có thể không mang lại nhiều hứng thú bằng việc chúi mũi vào những trò chơi máy tính mà Kang Ji-won vẫn chơi, nhưng cũng giống như tất cả bọn trẻ ở đây, Ji-won đang học cách giảm thiểu thời gian sử dụng Internet.
Nghiện Internet và cai nghiện Internet đang là những mối quan tâm ngày càng tăng ở Hàn Quốc. Tại đây, nghiện Internet đã được nhìn nhận như một bệnh lý. Và con số những vụ việc người nghiện Internet tự hủy hoại bản thân hoặc bỏ bê con cái họ cho đến chết đang càng làm gia tăng những mối quan ngại về vấn đề này hơn nữa.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào để điều trị bệnh nghiện Internet, vốn được chứng minh đã trở nên phức tạp hơn nhiều.
Trại gia đình trên những ngọn đồi là một nỗ lực để ngăn chặn bệnh nghiện Internet thay vì chữa trị nó.
Ji-won có vẻ đang tiến triển tốt.
“Khi cháu không lên mạng, cháu thực sự thân thiện với gia đình mình, nhưng khi cháu đã lên mạng rồi, cháu sẽ rất tức giận nếu họ gọi cháu. Cháu không biết tại sao, nhưng điều đó là xấu. Cháu đang cố gắng sửa chữa điều đó nhưng thật khó”.
Vẫn còn những khó khăn phía trước đón chờ những người nghiện Internet. Đó là lý do vì sao một nhà thần kinh học tại Bệnh viện quốc gia Gongj mở một phòng khám não cung cấp một cách điều trị mới: quét não để hướng dẫn phục hồi.
Bác sĩ Lee Jae-won nói: “Một vài người đặt câu hỏi vì sao chúng ta cần sử dụng phương pháp điều trị y tế cho một chứng rối loạn thói quen”.
Không chỉ Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đau đầu với chứng nghiện Internet.
Việc quét não cho thấy những khu vực não của người nghiện Internet đang hoạt động bất thường và chúng bị ảnh hưởng nặng nề như thế nào. Bác sĩ Lee đã sử dụng thuốc chống trầm cảm và các liệu pháp để cố gắng khôi phục vùng não thương tổn.
Jong-soo, một thiếu niên đang được điều trị ở phòng khám của bác sĩ Lee. Đầu cậu được gắn hàng chục điện cực. Cứ khoảng 10 phút, các bác sĩ lại cẩn thận gắn thêm một điện cực nữa. Ở bên kia của tấm kính, bác sĩ Lee xem xét kết quả ghi nhận được.
“Kết quả từ những người nghiện Internet rất giống với những bệnh nhân mắc chứng tăng động ADHD (Hội chứng thiếu tập trung và hiếu động thái quá) và những chứng nghiện khác, trong đó, chức năng não đã bị suy giảm”.
Nhức nhối vấn nạn nghiện Internet
Bố mẹ của Jong-Soo cho biết cậu thường chơi game của đêm, không ngủ hay thậm chí đi vệ sinh. Điều đó khiến cậu trả nên hung hăng và thu mình lại. Đến thời điểm này, Jong-Soo đã dành hai tháng đến điều trị tại phòng khám não của bác sĩ Lee và cậu đang hồi phục.
Bác sĩ Lee cho biết sự ham muốn chơi game của Jong-Soo đã dần biến mất, mặc dù nó chưa biến mất hoàn toàn.
Phóng viên đã hỏi Jong-Soo game trực tuyến có gì mà hấp dẫn cậu đến vậy.
“Tò mò”, Jong-Soo trả lời “Vui vẻ, hồi hộp. Khi chơi, tôi đắm mình vào đó đến nỗi rất khó để phân biệt được thế giới ảo và thế giới thực, đôi khi rất khó để thích ứng với thế giới thực”.
Bác sĩ Lee tin rằng có hai dạng người nghiện Internet: một là những người nhút nhát, thích sự ẩn danh của thế giới ảo và hai là những người giống như Jong-Soo, bị hấp dẫn bởi các trò chơi bạo lực sống động và ảo tưởng của quyền lực.
Giống như nhiều người khác, bác sĩ Lee muốn có nhiều quy định hơn đối với chính các trò chơi. Đầu năm nay, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một đạo luật mới nhằm hạn chế việc sử dụng Internet. Đạo luật này có tên “Cinderella Law” cấm thanh thiếu niên chơi game trực tuyến sau nửa đêm.
Bác sĩ Lee khẳng định đây không chỉ là một vấn đề của riêng các trò chơi. Ông tin rằng các bậc phụ huynh và hệ thống giáo dục cạnh tranh ở Hàn Quốc đang đẩy con trẻ vào cuộc sống khó khăn hơn, khiến chúng phải tìm đến thế giới ảo để thoát khỏ cuộc sống thực.
Việc cai nghiện Internet ở Hàn Quốc, nước dẫn đầu thế giới về kết nối Internet băng thông rộng và cũng là nước sở hữu nhiều game trực tuyến hấp dẫn nhất thế giới, không chỉ là trách nhiệm của giới chính trị gia hay của các bác sĩ, mà là của tất cả mọi người, bác sĩ Lee nhấn mạnh.
Võ Hiền
Theo BBC