Tin Tức Các Báo
InTP.HCM: Trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 21
Cập nhật 23/06/2011 - 03:59:09 PM (GMT+7)Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM năm 2010 gồm 4 đơn vị: Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở KHCN, Liên đoàn lao động và Thành đoàn TNCS TP.HCM.
Theo Ban tổ chức, Hội thi là một dịp để bổ sung và hoàn chỉnh các giải pháp và phổ biến rộng rãi cho nhiều đơn vị cùng áp dụng. Tuy nhiên các sáng kiến, giải pháp có thể vẫn còn khiếm khuyết và thường chỉ sử dụng trong đơn vị hoặc nội bộ.
Cũng theo Ban tổ chức, nét mới của Hội thi lần này là số giải pháp dự thi tăng lên, chất lượng cũng tăng cao. Đặc biệt, số lượng các giải pháp của thầy cô ở các trường phổ thông cũng chiếm tỷ lệ đáng kể.
Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP.HCM lần thứ 21 (năm 2010) đã nhận được 191 đề tài/giải pháp dự thi với chuyên ngành thuộc 7 lĩnh vực: xây dựng và vật liệu trong giao thông, thủy lợi; cơ khí tự động hóa cho ngành giao thông vận tải; đồ dùng dạy học và thiết bị gia dụng; điện - điện tử - công nghệ thông tin; công nghệ môi trường và công nghệ hóa học; công nghệ sinh học; y tế.
Xét đến lĩnh vực điện - điện tử - công nghệ thông tin, có 5/17 đề tài và giải pháp dự thi đoạt giải (1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 2 giải khuyến khích).
- Giải Nhất “Chip vi xử lý VN1632” của Thạc sĩ Ngô Đức Hoàng cùng các cộng sự. Điểm mới ở giải pháp này là lần đầu tiên thiết kế và chế tạo thành công chip vi xử lý 32 bit bằng công nghệ nano kích thước 130nm. Chip vi mạch 32 bit này phù hợp cho việc ứng dụng làm lõi vi xử lý cho các thiết bị điện tử dân dụng, viễn thông, thiết bị phục vụ an ninh – quốc phòng.
-Giải Nhì “Hệ thống điều khiển và giám sát chiếu sáng công cộng dựa trên công nghệ GPRS và GIS” thuộc về kỹ sư Lê Văn Khải và kỹ sư Phan Năm. Giải pháp này tối ưu để chế tạo tủ điều khiển điện với hợp phần là các thiết bị đo lường, thiết bị điều khiển chiếu sáng, thiết bị truyền thông theo công nghệ GPRS/GSM, phần mềm điều khiển giám sát trung tâm, điều khiển và lập trình cho các trạm.
-Giải Ba “Nghiên cứu và chế tạo thiết bị kiểm tra testchip và IC dùng cho đào tạo” do Thạc sĩ Lê Phước Lâm (Trường ĐH Công Nghệ Sài Gòn) phát triển, dùng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ chế tạo vi mạch đang bắt đầu phát triển ở Việt Nam.