Tin Tức Các Báo
InGợi ý giải đề thi môn Văn
Cập nhật 03/06/2011 - 08:19:07 AM (GMT+7)Đề Văn năm nay được đánh giá hay, sẽ có nhiều điểm khá, ít điểm trung bình. Dưới đây là gợi ý giải đề của giáo viên tổ Ngữ văn hocmai.vn.
Đề thi tốt nghiệp THPT môn văn
Câu 1.
─ Bức ảnh mà nghệ sĩ Phùng chụp được là một bức ảnh đen trắng, ghi lại hình ảnh chiếc thuyền đang từ từ tiến vào bờ trong màn sương sớm tại một làng chài miền trung. Bức ảnh hoàn toàn không có sự xuất hiện của con người.
─ Tuy nhiên, khi “ngắm kĩ” bức ảnh, anh lại thấy hiện lên “cái màu hồng của ánh sương mai”. Và nếu “nhìn lâu hơn”, nghệ sĩ nhiếp ảnh nhận ra hình ảnh “người đàn bà đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kêch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông.”
─ Ý nghĩa của các hình ảnh đó: Những hình ảnh ấy có ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, thể hiện chủ đề tư tưởng của các phẩm. Nó nói lên mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống: cuộc sống chính là khởi nguồn cảm hứng sáng tạo, là chất liệu cho sự sáng tạo của người nghệ sĩ đồng thời, cuộc sống, con người cũng chính là đích đến, là mục đích cao nhất của nghệ thuật. Không những vậy, một tác phẩm nghệ thuật chân chính phải là tác phẩm thể hiện được chiều sâu, bản chất của hiện thực đằng sau cái vẻ ngoài đẹp đẽ, lãng mạn. Để làm được điều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải có cái nhìn đa chiều, sâu sắc, toàn diện về hiện thực, phải có sự trải nghiệm và quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, gian khổ.
Câu 2.
─ Nêu vấn đề: Lựa chọn con đường đúng đắn để đi đến tương lai.
─ Giải thích, bình luận nội dung ý kiến:
+ Có rất nhiều “ngả đường đi đến tương lai”, nhưng không phải ngả nào cũng là “con đường đúng”. Cuộc sống là những lựa chọn, nó mở ra cho ta rất nhiều lối đi nhưng vấn đề là phải chọn được lối đi phù hợp nhất, hiệu quả nhất. “Con đường đúng” không hẳn là con đường dễ dàng, trải đầy hoa hồng. Con đường ấy có thể xa xôi, đầy chông gai thử thách. Người bước trên con đường ấy phải đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của mình để đi được đến đích cuối cùng. Tuy nhiên, đó là con đường tốt nhất, phù hợp nhất với ta, con đường đưa ta tới thành công, thực hiện ước mơ và lí tưởng, hoài bão.
+ Vì sao chỉ có “chính bạn mới lựa chọn được con đường đúng cho mình”?
Bởi lẽ bạn chính là người phải đi trên con đường mình đã chọn. Bạn sống, lựa chọn và chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của mình. Chỉ bạn là người hiểu bạn hơn ai hết, bạn biết mình có gì, mình muốn gì. Chỉ bạn là người hiểu rõ ước mơ của cuộc đời mình. Chỉ bạn là người hiểu được những thế mạnh, những điểm yếu của cá nhân mình. Và cũng chỉ có bạn là người rõ nhất về hoàn cảnh gia đình mình, địa phương mình, quê hương đất nước mình.
+ Làm thế nào để chọn “con đường đúng” ?
§ Xác định được một mục tiêu rõ ràng là yếu tố đầu tiên giúp bạn lựa chọn được đúng con đường cần đi.
§ Hiểu rõ về bản thân mình, về hoàn cảnh hiện tại của gia đình, của xã hội để quyết định lựa chọn con đường phù hợp và khả thi.
§ Tham khảo ý kiến của những người có nhiều kinh nghiệm: cha mẹ, thầy cô …
─ Bình luận mở rộng:
+ Khẳng định những tấm gương đã dám lựa chọn và kiên trì đến cùng con đường mà mình đã chọn. Đó là bao thế hệ thanh niên thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã lựa chọn con đường chiến đấu, hi sinh cho động lập tự do của đất nước. Đó là chàng thanh niên Bill Gates sẵn sàng rời bỏ giảng đường đại học để đi theo niềm đam mê tin học .…
+ Phê phán những hiện tượng tiêu cực: Đó là những người sống dựa dẫm, ỷ lại, vô trách nhiệm với cuộc sống của bản thân, với gia đình, cộng đồng, không dám quyết định và chọn lựa.
Câu 3. (Chương trình chuẩn)
1. Giới thiệu đôi nét về tác giả - tác phẩm - đoạn thơ
─ Quang Dũng (1921-1988), tên thật là Bùi Đình Diệm quê ở Phùng nay thuộc Đan Phượng, Hà Nội. Ông là một nghệ sĩ đa tài với một hồn thơ trung hậu yêu thiết tha quê hương, đất nước mình. Trong thơ ông có hình ảnh cái tôi hào hoa, thanh lịch, giàu chất lãng mạn, nhạy cảm với vẻ đẹp tinh tế của thiên nhiên, con người.
─ Tây Tiến được sáng tác năm 1948, là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của đời thơ Quang Dũng, cũng là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của giai đoạn văn học kháng chiến chống Pháp nói chung, văn học Việt Nam nói riêng.
─ Bài thơ có thể chia làm ba phần chính, tái hiện những mảng màu khác nhau trong bức tranh về đời sống chiến đấu của người lính. Đoạn trích nói trên ở phần đầu tác phẩm vẽ nên cảnh hiểm trở, hoang sơ mà hùng vĩ nên thơ của núi rừng Tây Bắc và con đường hành quân đầy gian khổ của người lính.
2. Phân tích đoạn thơ
a. Nỗi nhớ da diết, cháy bỏng của nhà thơ
+ Câu thơ đầu tiên chính là tiếng gọi thiết tha trong nỗi nhớ da diết, cháy bỏng về quãng đời chiến binh ắp đầy kỉ niệm. Nỗi nhớ hướng về mảnh đất miền Tây và đoàn binh Tây Tiến.
+ Câu thơ thứ hai sử dụng biện pháp điệp từ (“nhớ” được lặp lại 2 lần trong một câu thơ) kết hợp với từ láy rất gợi cảm “chơi vơi” diễn tả rất đúng tâm trạng bồi hồi, xúc động cùng nỗi nhớ da diết khôn nguôi. Từ nỗi nhớ ấy, cả một trời kỉ niệm hiện lên sống động, rõ nét.
b. Nhớ về hình ảnh núi rừng trùng điệp hoang sơ mà đầy chất thơ và con đường hành quân đầy gian khổ của người lính.
─ Thiên nhiên miền Tây nơi hoạt động của đoàn binh Tây Tiến là một vùng núi rừng trùng điệp, hoang sơ đầy hiểm nguy rình rập.
+ Ngay những cái tên cũng đủ gợi lên sự xa xôi: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch…
+ Miền đất gió sương bao phủ: “sương lấp”, “đêm hơi”
+ Những núi cao, vực sâu hiểm trở: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm … Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”. Cách sử dụng từ láy gợi hình, gợi cảm (khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút), nhịp thơ ngắt khúc đột ngột, bất ngờ, thủ pháp điệp từ (dốc) và số từ mang ý nghĩa biểu tượng (“ngàn thước”) đã diễn tả hết cái khúc khuỷu, hiểm trở mà hùng vĩ của núi rừng miền Tây.
+ Những thác gầm, hổ dữ: thủ pháp nhân hóa “thác gầm thét”, “cọp trêu người” gắn liền với các từ chỉ thời gian “chiều chiều”, “đêm đêm” cho thấy sự hoang sơ, man dại của mảnh đất này. Đó cũng chính là những thử thách, hiểm nguy mà người lính Tây Tiến phải đối mặt hàng ngày.
─ Không chỉ khắc nghiệt, hoang sơ, man dại, thiên nhiên miền Tây, trong con mắt của người lính Tây Tiến còn mang vẻ đẹp lãng mạn, cuốn hút. Đó là khoảnh khắc dừng chân giữa đỉnh đèo phóng tầm mắt ra xa để nhận về hình ảnh những mái nhà yên bình trong màn mưa: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.
c. Hình ảnh người lính và kỉ niệm tình quân dân ấm áp
─ Những vất vả, gian truân cả sự hi sinh của người lính: Hình ảnh “đoàn quân mỏi” lặng lẽ hành quân trong đêm sương và những bức chân dung người lính “dãi dầu” mưa nắng đều là những hình ảnh rất thực về những vất vả, gian khó của đoàn quân Tây Tiến. Họ sẵn sàng đối mặt và vượt qua những thiếu thốn, hiểm nguy (thậm chí còn ngạo nghễ, hóm hỉnh trong cách nói “súng ngửi trời) và chấp nhận sự hi sinh một cách nhẹ nhàng, thanh thản “không bước nữa”, “bỏ quên đời”. Câu thơ có nhiều cách hiểu song dù hiểu theo cách nào, ta cũng thấy được những gian khổ của người lính trên những nẻo đường hành quân nơi xứ lạ.
─ Kỉ niệm về tình quân dân ấm áp: Đó là kỉ niệm về những bản làng xa xôi nơi đoàn quân tạm dừng chân sau những chặng hành quân mệt mỏi. Họ được hưởng tình quân dân ấm áp trong bát cơm mới ấm nồng, trong vị thơm của nếp nương qua bàn tay tài khéo và tấm lòng thơm thảo của người dân nơi đây. Đó chính là nguồn động viên nâng bước, tiếp sức cho họ tiếp tục chiến đấu giải phóng quê hương.
3. Đặc sắc nghệ thuật
─ Sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn.
─ Sáng tạo những hình ảnh đầy sức gợi, những cách diễn đạt ấn tượng để lại trong người đọc nhiều xúc cảm thẩm mĩ (“mùa em thơm nếp xôi”, “súng ngửi trời”) .
─ Giọng thơ biến đổi linh hoạt thể hiện những tâm trạng, cung bậc cảm xúc khác nhau trên nền nỗi nhớ da diết khôn nguôi.
Câu 3. (Chương trình Nâng cao)
1. Giới thiệu tác giả - tác phẩm
─ Kim Lân (1920 - 2007) tên thật là Nguyễn Văn Tài, quê ở Bắc Ninh. Ông là nhà văn sống gắn bó và rất am hiểu về nông thôn và người nông dân. Không phải là nhà văn nổi tiếng về số lượng tác phẩm song nhiều truyện ngắn của Kim Lân được đánh giá là những tác phẩm xuất sắc nhất của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Vợ nhặt là một tác phẩm như vậy.
─ “ Vợ nhặt” thực ra là một chương trong tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”, được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công nhưng còn dang dở và mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại, Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này . “Vợ nhặt” in trong tập “Con chó xấu xí” (1962).
─ Tràng, nhân vật chính của tác phẩm đánh dấu thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn đồng thời góp phần thể hiện chủ đề tư tưởng và giá trị nhân đạo của tác phẩm.
2. Phân tích nhân vật
─ Hoàn cảnh, lai lịch: Là dân ngụ cư – nhóm dân cư bị khinh rẻ, bị đè nén, áp bức trong làng. Tràng lại nghèo, chỉ có căn nhà lụp xụp trong xóm ngụ cư. Anh sống với người mẹ già, mưu sinh bằng nghề kéo xe bò thuê.
─ Ngoại hình: Tràng có ngoại hình xấu xí, thô kệch: “hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, quai hàm bạnh ra rung rung làm cái bộ mắt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ vừa lí thú, vừa dữ tợn”. Cái đầu cạo trọc, tấm lưng to rộng như lưng gấu, điệu cười hềnh hệch. Đúng như cái tên của mình, Tràng là một “sản phẩm quá thô vụng của hóa công”.
─ Tính cách
+ Tràng là một người đàn ông khỏe mạnh, sống vô tư, hồn nhiên, chất phác: thích chơi đùa với lũ trẻ con trong xóm, “nhặt vợ” rất tình cờ và vu vơ chỉ sau một câu đùa và một chầu bánh đúc.
+ Tràng là một người nhân hậu, cũng có những khát khao hạnh phúc: Hành động “chiêu đãi” người phụ nữ đang đói gieo đói giắt kia một chầu bánh đúc thể hiện tấm lòng nhân hậu, thương người của anh. Việc anh quyết định “lấy vợ” giữa thời buổi trời đất đang “tối sầm lại vì đói” thể hiện mong ước có được một gia đình, khao khát được hạnh phúc như bất cứ người nào khác. Tràng rất trân trọng người vợ mới (dù cưới hỏi chẳng có lễ lạt, nghi thức) và cuộc hôn nhân của mình. Biểu hiện sinh động nhất là việc anh “mạnh tay” bỏ tiền mua dầu đèn thắp sáng trong đêm tân hôn; anh cũng tự hào và sung sướng gọi người vợ mới là “nhà tôi”. Trong lòng anh lâng lâng cảm giác sung sướng, hạnh phúc. Phát hiện được những khao khát hạnh phúc ẩn sâu trong con người tưởng như vô tâm, nông cạn, xấu xí, Kim Lân đã tỏ ra là một nhà văn có tư tưởng nhân đạo sâu sắc.
+ Tràng là người có trách nhiệm: Sau đêm tân hôn, Tràng ý thức rõ hơn về vai trò của mình với bản thân, với gia đình, nghĩ đến tương lai. Anh “xăm xăm chạy ra giữa sân, muốn làm một việc gì để tu sửa lại căn nhà”.
3. Đặc sắc nghệ thuật
Nghệ thuật miêu tả nhân vật: đầy đủ diện mạo, ngôn ngữ, tính cách và đặc biệt là nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật.
Qua hình ảnh nhân vật, nhà văn muốn thể hiện sự trân trọng những khao khát hạnh phúc của con người, dù trong hoàn cảnh đói khát, họ vẫn vươn lên mong sống một cuộc sống xứng đáng của một con người. Đó là giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.
Nguồn: Giáo viên tổ Ngữ văn Hocmai.vn