Tin Tức Các Báo
InLuận văn tốt nghiệp của sinh viên - Ba chìm, bảy nổi...
Cập nhật 30/05/2011 - 08:39:25 AM (GMT+7)Thiếu tiền
“Được làm luận văn thì oách thật, nhưng để có một luận văn tốt, chi phí đầu tư không nhỏ chút nào. Phải chăng công sức đó được ghi nhận thì không có gì để nói, đằng này cứ bảo vệ xong là luận văn lại bị xếp xó ở một góc nào đó trong phòng tư liệu của nhà trường, điều này khiến chúng tôi rất buồn”, nhiều sinh viên năm cuối khi được hỏi đều có cùng một câu trả lời như vậy.
Theo quy định, các SV làm luận văn tốt nghiệp thường không được hỗ trợ bất cứ khoản kinh phí nào trong quá trình thực hiện đề tài. Vì vậy, sau khi nhận thông báo được làm luận văn, SV lại tất bật lo chạy ngược chạy xuôi, tự thân vận động để đầu tư cho luận văn của mình từ A đến Z. Đây cũng là nguyên nhân khiến chất lượng luận văn tốt nghiệp của SV mấy năm gần đây không cao, bởi phần lớn SV không đủ tiền để hoàn thành luận văn một cách tốt nhất.
Chi phí đầu tư cho một luận văn rất vô chừng, bởi còn tùy theo ngành học và đề tài thực hiện. Ngoài việc phải đi mua và sưu tầm tài liệu, phải có tiền thuê người thiết kế luận văn, rồi tiền “bồi dưỡng” giáo viên hướng dẫn, đến tiền “trà nước” mỗi khi có việc cần nhờ các thầy cô chỉ bảo… Trung bình một luận văn tốn khoảng 1,5 - 8 triệu đồng. Mức đầu tư một luận văn cao nhất hiện nay chính là luận văn của SV khoa thiết kế thời trang, không dưới 10 triệu đồng.
Với các SV làm luận văn thuộc khối ngành khoa học tự nhiên, chi phí đầu tư cũng xấp xỉ số tiền trên. Riêng khối xã hội chi phí thấp hơn, khoảng 2 - 4 triệu đồng/luận văn.
Chính vì cần nguồn tài chính khá lớn như vậy nên không ít luận văn chưa đạt chất lượng. Giảng Thanh Tr., SV ngành thiết kế thời trang ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM ra trường năm 2010, nói: “Mình đã đầu tư rất lớn vào luận văn tốt nghiệp, mất rất nhiều thời gian tìm chất liệu thực hiện bộ sưu tập. Vậy mà đến lúc bắt tay vào thực hiện vẫn bị “dội”, bởi kinh phí quá cao. Ba mẹ ở quê không có tiền nên mình đành vay bạn bè mỗi đứa một ít để thực hiện luận văn một cách chắp vá. Cuối cùng luận văn chỉ được đánh giá ở mức khá”.
Chất lượng không cao
Nhiều SV, từng làm luận văn tốt nghiệp, nhận xét: “Không có sự đầu tư xứng đáng về thời gian và tài chính, không thể có được một luận văn chất lượng”. Nguyễn Thị Thanh G., SV khóa 6, khoa Ngữ văn Trường ĐH dân lập Văn Hiến, tâm sự: “Để có được một luận văn ra hồn, chúng tôi phải đầu tư công sức, tiền bạc trong thời gian rất dài”. Nguyễn Thị D., SV ngành Công nghệ sinh học, bảo vệ luận văn năm 2008, nhận xét: “Theo tôi chất lượng luận văn hiện nay của SV chưa thật sự cao.
Bởi thực tế cho thấy rất ít luận văn hay công trình nghiên cứu khoa học của SV được ứng dụng vào đời sống. Luận văn hiện nay chủ yếu chỉ mới chú trọng vào phương pháp làm bài và phần lý thuyết, còn nội dung và ứng dụng thực tế chưa cao và sâu sắc”.
Ngoài những khó khăn đã nói, SV làm luận văn tốt nghiệp còn bị áp lực rất lớn về thời gian. Hiện nay, thời gian làm luận văn tốt nghiệp của SV là 4 - 6 tháng. Quỹ thời gian trên mới nhìn vào tưởng rất dài nhưng thật ra chẳng thấm vào đâu. Do đó, nếu không tập trung, đầu tư và làm việc có kế hoạch, SV sẽ không đủ thời gian để thực hiện.
Nhiều trường ĐH ngoài công lập còn giới hạn cho SV thời gian hết sức bó hẹp, chưa đầy 3 tháng, nên chất lượng luận văn rất khó đảm bảo. điều đó vô tình đẩy không ít SV đến với các “chợ” luận văn để săn tìm, mua bán nhằm đối phó, chống chế cho kịp thời gian quy định.
Mỗi năm cả nước có hàng chục ngàn SV tốt nghiệp ĐH, CĐ, cũng như có hàng ngàn SV được làm luận văn tốt nghiệp. Vậy số lượng luận văn khổng lồ trên sẽ về đâu hay phải “chui” vào các kho lưu trữ của trường, trong thư viện và phòng tư liệu của các khoa?
Bộ GD-ĐT nên sớm có những thay đổi trong quy định việc SV được thực hiện luận văn, cũng như cần phối hợp với các trường xây dựng nguồn vốn hỗ trợ SV khi họ gặp khó khăn trong quá trình làm luận văn tốt nghiệp. Có như vậy, chất lượng luận văn của SV mới được nâng lên, tính ứng dụng thực tế của các công trình nghiên cứu khoa học mới khả thi hơn.
(Theo SGGP)