1

Tin Tức Các Báo

In

Tăng tốc luyện “gà yếu”

Cập nhật 16/05/2011 - 10:04:41 AM (GMT+7)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã tới gần, các trường THPT ở TPHCM đang phải vất vả tìm đủ cách để học sinh yếu có thể vượt “vũ môn”

Đối với các trường dân lập, kỳ thi tốt nghiệp THPT hết sức quan trọng vì tỉ lệ tốt nghiệp “đẹp” sẽ giúp họ tuyển sinh dễ hơn. Trong khi đó, các trường công lập, nhất là những trường nhiều năm đạt 100% tỉ lệ tốt nghiệp, cũng vất vả không kém để cố gắng giữ vững thành tích.


Bảo Ngọc, học sinh Trường THPT Diên Hồng, cho biết sáng dậy sớm đến trường học, trưa tan trường, vội vàng đến lớp học thêm tới 21 giờ. Khuya về nhà lại tiếp tục tự học. Ngọc cho biết do gần thi tốt nghiệp nên giáo viên tra bài liên tục, ai không trả bài được sẽ phải ở lại trường để học tới 21 giờ mới được về.

Ở Trường THPT Vạn Hạnh, học sinh bán trú lẫn nội trú phải học tới 22 giờ; học sinh nào trả bài không được sẽ bị cấm túc luôn ngày thứ bảy và chủ nhật. Cứ 6 giờ 30 phút mỗi ngày, học sinh Trường THPT Trương Vĩnh Ký phải đến lớp để trả bài, sau đó là ôn tập các môn thi tốt nghiệp, buổi tối còn phải ôn các môn thi ĐH đến 20 giờ 30 phút.

Không chỉ học ở trường, nhiều học sinh còn tranh thủ thời gian học thêm ở các trung tâm, nhà riêng thầy cô hay thuê luôn gia sư. Ở các trường, tùy trình độ đầu vào của học sinh mà chọn cách ôn tập, bồi dưỡng khác nhau. Ông Ngô Lập Thu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Diên Hồng, nói do đầu vào của trường có mặt bằng học lực khá thấp nên trường vất vả hơn trong khâu ôn tập.
“Nói thật là thời lượng theo quy định của Bộ GD – ĐT không đủ. Vì thế, mỗi tuần, trường tổ chức thêm 2 tiết học vào buổi chiều cho mỗi lớp. Ngoài thời gian này, giáo viên bộ môn sẽ sắp xếp kèm cặp thêm cho những em yếu kém trong quá trình dạy. Mỗi buổi sáng, học sinh phân nhóm 3 – 4 em rồi cùng nhau dò bài”.


Bà Nguyễn Thị Hiếu Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, cho rằng càng cận thời điểm thi, tâm lý học sinh càng căng thẳng vì thế nhà trường tổ chức các tiết học như bình thường để không gây thêm sức ép lên học sinh. Riêng với học sinh yếu, thầy cô bộ môn sẽ xây dựng thời khóa biểu riêng để học sinh ôn tập.

Có kế hoạch bồi dưỡng phù hợp
Ở Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, do lợi thế trình độ đầu vào khá tốt nên số học sinh yếu, kém cũng ít hơn. Tuy nhiên, để những học sinh yếu có thể vượt “vũ môn”, không ảnh hưởng đến tỉ lệ tốt nghiệp chung, trường phải tăng cường giáo viên để hỗ trợ, kèm cặp.
Ông Trần Trung Kiên, hiệu trưởng nhà trường, cho biết số học sinh yếu, kém chỉ khoảng hơn 10 em và một số em học lực trung bình sẽ giao cho thầy cô bộ môn để có kế hoạch bồi dưỡng phù hợp.

(Theo báo Người Lao Động)