1

Tin Tức Các Báo

In

Chờ 'khoán 10' trong giáo dục đại học

Cập nhật 26/04/2011 - 08:20:05 AM (GMT+7)
TP - Hai vị nguyên Phó Thủ tướng cùng đề xuất cải tiến cách tổ chức thi đại học lạc hậu hiện nay khi góp ý dự thảo Luật Giáo dục Đại học. Thậm chí, một số ý kiến kỳ vọng từ luật này sẽ tạo ra một Khoán 10 trong giáo dục đại học.

Lập trường dễ như mở doanh nghiệp?

Tại Hội nghị góp ý dự thảo Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) do Ủy ban VH-GD Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức hôm qua (19- 4), nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thành Tây nêu ba kiến nghị: bỏ cách thi ĐH với cơ chế quá lạc hậu, tốn kém và tiêu cực hiện nay, tuyển sinh ĐH dựa vào kết quả học tập ở phổ thông như các nước đang làm; bỏ chỉ tiêu tuyển sinh để các trường ĐH có quyền quyết định chỉ tiêu tuyển sinh; bỏ cơ chế xin mở mã ngành và chuyên ngành.

Nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN, cũng đề nghị bỏ kỳ thi 3 chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả), bỏ điểm sàn, bỏ chỉ tiêu tuyển sinh…

Theo ông Phương, dự thảo cần đưa ra một số điểm chuẩn hóa nền giáo dục để dễ dàng hòa nhập thế giới; cho phép mở trường thuận tiện như thành lập doanh nghiệp, chỉ cần đúng quy định của Nhà nước.

Ông Hoàng Ngọc Trí, Chủ tịch Hiệp hội các trường CĐ, trung cấp kinh tế - kỹ thuật VN, Hiệu trưởng CĐ cộng đồng HN cho rằng, để Luật Giáo dục ĐH không phải sửa đổi nhiều, cần xây dựng lại hệ thống giáo dục quốc dân vì hệ thống này quá lạc hậu sau 20 năm.

Dẫn ví dụ về sự “rất lộn xộn” của hệ thống ĐH với những khái niệm ĐH Quốc gia, ĐH vùng, trường ĐH con…, ông Trí cho rằng hệ thống giáo dục mới nên chia thành hệ thống các trường ĐH hàn lâm, ĐH ứng dụng.

“Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Dạy nghề chuẩn bị xây dựng ĐH nghề. Hệ thống giáo dục quốc dân mới ra đời sẽ khiến luật phải thay đổi”, ông Trí bình luận. “Luật GDĐH không nên trái với Luật Giáo dục ban hành năm 2005 song cũng không nên trùng lặp”.

Ông Trí đề nghị Luật GDĐH cần phải làm nên một cuộc cải cách, như một khoán 10 trong giáo dục. Theo đó, bỏ vai trò của bộ chủ quản, giảm chi phối của Bộ GD&ĐT với các trường, tạo bình đẳng giữa ĐH công lập và dân lập, tiến tới cổ phần hóa trường ĐH công lập để thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp và tổ chức quốc tế.

Chưa rõ tự chủ đến đâu

Dự thảo Luật GDĐH đưa ra điểm mới: thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH xác định chỉ tiêu tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định... Tuy nhiên, bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban VH- GD Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, cho rằng quy định đó chưa rõ ràng. Sẽ giữ nguyên cách tuyển sinh như hiện nay hay các trường được tự chủ, và tự chủ tới mức nào?

Bà Tâm Đan đề nghị “Cần làm rõ quyền và trách nhiệm của trường, tránh tình trạng trường không có mục tiêu, không có tự chủ, tất cả là do Bộ GD& ĐT đưa xuống như hiện nay”. Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cũng cho rằng, luật cần cụ thể hóa đến mức không cần hoặc cần rất ít văn bản dưới luật.

Một điểm mới nêu trong dự thảo Luật GDĐH là sinh viên có thể học 2 chương trình hoặc học ĐH trong thời gian ngắn. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng cho biết: Quan trọng là phải đưa ra điều kiện sinh viên (SV) học thế nào để được học 2 chương trình.

Quy định đáp ứng rộng rãi nhu cầu học tập nhưng phải đảm bảo chất lượng. “Về việc có thể học 1 năm rưỡi để lấy bằng ĐH như dư luận lo ngại chỉ là quy định cho những người học thêm để tích lũy bằng thứ hai. Chứ chỉ học 1 năm rưỡi để lấy bằng ĐH thì học sao nổi?”, ông Thi nói.

(Theo Tiền Phong)