Khoa Học Công Nghệ
InThâm nhập “lò” đào tạo làm phim 3D của Sony
Cập nhật 05/04/2011 - 12:36:37 PM (GMT+7)Trung tâm Công nghệ 3D của Sony được xây dựng để “đào tạo và nuôi dưỡng một cộng đồng các chuyên gia trong thị trường giải trí 3D đang tăng trưởng chóng mặt”. Đặc biệt, trung tâm này được lập ra dành cho các nhà làm phim muốn sử dụng 3D vào trong những bộ phim có kinh phí lớn của họ.
Ở Anh cũng chưa từng có một cơ sở đào tạo có quy mô như vậy. Và, Sony đã lập nên một trung tâm đào tạo 3D riêng đặt tại thị trấn Basingstoke. Cơ sở này được phát triển để giúp đào tạo các nhà quay phim, các chuyên gia stereographer (người ghi hình stereo) đưa 3D vào các tác phẩm của họ.
Paul Cameron có 16 năm kinh nghiệm đào tạo lĩnh vực truyền hình.
May mắn được tham dự một trong những khóa đào tạo 3D cơ bản tại trung tâm của Sony, phóng viên TechRadar cho biết tại đây có một số thiết bị 3D tốt nhất hiện nay và khẳng định có thể học hỏi rất nhiều điều đáng chú ý về làm phim 3D.
Đứng lớp các khóa đào tạo ở trung tâm là Paul Cameron, một người có 16 năm kinh nghiệm đào tạo trong lĩnh vực truyền hình. Tại đây, ông có nhiệm vụ giảng dạy tất cả những hiểu biết của mình về công nghệ 3D cho các học viên.
Các khóa đào tạo có nhiều cấp độ, từ khóa học cơ bản trong một ngày, khóa học dựng kéo dài trong 2 ngày đến khóa học 3 ngày về các hoạt động và sản xuất.
Lớp học được trang bị đầy đủ trang thiết bị để chế tạo phim 3D.
“Sự bùng nổ 3D đã diễn ra gần đúng 30 năm. Mỗi một thế hệ luôn cố gắng “tái sinh” 3D một lần nữa và phát hiện ra rằng 3D không hề thoải mái đi xem”.
“Nguyên nhân của lần thất bại đó là do thiếu công nghệ và nội dung chưa có chất lượng tốt”.
“Còn hiện nay, công nghệ đang đến gần. Người tiêu dùng muốn giá bán các cặp kính chuyên dụng giảm xuống và khả năng xem 3D không cần kính. Những điều đó đang được tiếp cận”.
Quy trình sản xuất phim 3D cũng được Cameron giảng giải trong khóa học tại trung tâm. Từ việc quay cho đến dựng, trung tâm không chỉ vạch ra các quy trình mà còn cho học viên cơ hội được thử sức với các thiết bị có sẵn tại đây.
Trong phòng thực hành, các học viên được sử dụng một cái giá đỡ chân kép với 2 chiếc máy quay HDC-1500 được gắn lên đó. Đây là chiếc giá đỡ thường được sử dụng khi quay các trận bóng đá vì khác với các loại giá đỡ khác, nó không che khuất bất cứ góc nhìn nào trong sân vận động.
Điều thú vị là những chiếc máy quay với bộ cảm biến CMOS tỏ ra không thích hợp với các hệ thống giá đỡ 3D. Lý do là cảm biến CMOS quét các đường nét của bức ảnh một cách riêng biệt. Kết quả là người xem sẽ nhìn thấy một bức ảnh có những đường gợn sóng.
Cũng theo Cameron, lĩnh vực làm phim 3D đã tạo ra hai nghề mới: người kéo hội tụ (convergence puller) và người ghi hình stereo (stereographer).
Những cặp kính dùng để xem phim 3D.
Cameron còn cho rằng vấn đề lớn nhất của việc làm phim 3D là độ sâu. Nếu có quá nhiều điểm sâu, các đối tượng sẽ xuất hiện ở quá xa ngoài màn hình. Tuy nhiên, điều may mắn là đã có một số phần mềm phức tạp được sử dụng để đảm bảo vấn đề này không còn xảy ra trong các chương trình truyền hình trực tiếp.
Võ Hiền
Theo TechRadar