1

Tin Tức Các Báo

In

Thời gian đào tạo đại học tối thiểu 1,5 năm

Cập nhật 29/03/2011 - 07:52:48 AM (GMT+7)
SGTT.VN - Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Luật Giáo dục đại học để xin ý kiến đóng góp của mọi đối tượng. Theo đó, có quy định thời gian đào tạo đại học được thực hiện tối thiểu ở mức 1,5 năm gây nhiều thắc mắc trong dư luận.

Xung quanh vấn đề này, SGTT đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Cường, thường trực Tổ soạn thảo Luật giáo dục đại học (bộ GD&ĐT).

Theo dự thảo thời gian đào tạo đại học được thực hiện từ 1,5 năm đến 6 năm học. Xin ông cho biết, như vậy sinh viên sẽ phải có cách thức học và chương trình học như thế nào để có thể rút lại như vậy?

Quy định này hoàn toàn phù hợp với Luật Giáo dục. Khoản 2 Điều 38 Luật Giáo dục năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25.11.2009 đã quy định: “Đào tạo trình độ đại học được thực hiện từ bốn đến sáu năm học tùy theo ngành nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp; từ hai năm rưỡi đến bốn năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng chuyên ngành; từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp cao đẳng cùng chuyên ngành”.

Dự thảo Luật giáo dục đại học quy định: “đào tạo đại học được thực hiện từ một năm rưỡi đến sáu năm học” là phù hợp với quy định của Luật Giáo dục. Vì dự thảo Luật giáo dục đại học chỉ quy định thời gian đào tạo đại học tối thiểu (một năm rưỡi) và thời gian tối đa (sáu năm học). Cụ thể, người có bằng tốt nghiệp cao đẳng cùng chuyên ngành, nếu học liên thông lên đại học, thời gian đào tạo tối thiểu là một năm rưỡi. Tương tự như vậy, người học có bẳng tốt nghiệp trung cấp cùng chuyên ngành, nếu học liên thông lên đại học, thời gian đào tạo tối thiểu là hai năm rưỡi… Quy định này sẽ giúp sinh viên với các môn đã học qua thì không phải học lại, tiết kiệm cả thời gian và công sức.

Đây là lần đầu tiên chúng ta xây dựng luật Luật giáo dục đại học, xin ông cho biết sẽ có những điểm gì mới hoặc những lợi ích thiết thực cho giáo dục đại học?

Luật ban hành ra để thể chế hóa những quy định đã được thực tế kiểm nghiệm, những gì ổn định thì đưa vào luật và mong muốn tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học; bảo vệ lợi ích cho người học và người dạy. Hiện nay theo chỉ đạo của lãnh đạo bộ, luật Luật giáo dục đại học sẽ giao quyền tự chủ tối đa cho các trường. Cụ thể, trong dự thảo quy định rõ Chính phủ có trách nhiệm gì, Bộ có trách nhiệm gì, các ngành, ủy ban nhân dân có trách nhiệm gì đối với giáo dục đại học; các cơ sở giáo dục ĐH sẽ được làm gì trong các hoạt động giáo dục: đào tạo, nghiên cứu khoa học, kiểm định, hợp tác đào quốc tế….

Ngoài ra theo tôi, trong dự thảo lần này có một số nội dung được nâng lên thành quy định của Luật như: Nhà nước có thể hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục đại học tư thục được giao các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học; nhà nước dành ngân sách cho đào tạo một số ngành để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng; viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội thì được miễn thuế. Bộ chỉ quy định khối lượng kiến thức tối thiểu (trước đây là chương trình khung), quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục, các trường tự chủ ban hành chương trình đào tạo của mình.

Đặc biệt việc đưa ra quy định là giảng viên không được lợi dụng danh hiệu nhà giáo để có những hành vi vi phạm pháp luật. Điều này nhằm tránh việc một số ít người mượn danh hiệu nhà giáo để có hành vi xấu, làm xấu hình ảnh cao quý của người thầy...

Được biết, dự thảo luật này lần có nhiều ưu tiên cho những ngành khoa học và công nghệ cao, ông cho biết cụ thể hơn?

Chính sách này theo quy định của Luật giáo dục thì chỉ sinh viên sư phạm mới được miễn học phí, nhưng hiện nay thực tế có một số ngành nghề đòi hỏi cần nhân lực cho xã hội như nhân lực ngành nguyên tử, nông lâm nghiệp… nếu ta không quy định như vậy thì sẽ không có quy chế để cho thu hút nhân tài phục vụ ngành này. Ví như ngoài ưu tiên ngân sách cho phát triển giáo dục đại học vùng sâu, xa thì cần sử dụng, đãi ngộ và có chế độ phụ cấp ưu đãi thích hợp để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học. Thực tế giai đoạn hiện nay, để đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các nhà máy điện nguyên tử trong tương lai, thì việc đào tạo nhân lực ngành Năng lượng nguyên tử là rất cần thiết, Nhà nước đã có chính sách đãi ngộ, dành kinh phí để thu hút, đưa sinh viên đi đào tạo để trở về phục vụ đất nước…

Khi nào dự thảo sẽ được xem xét và quyết định?

Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ thì phiên họp Chính phủ cuối tháng 4 này, Chính phủ sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật giáo dục đại học. Nếu được Chính phủ cho phép thì sẽ trình lên Quốc hội để Quốc hội khóa XIII cho ý kiến vào tháng 6 tới. Sau đó, nếu không có gì thay đổi sẽ thông qua vào tháng 11. Tuy nhiên được thông qua hay không còn tùy thuộc vào chất lượng dự thảo Luật giáo dục đại học.

(Theo SGTT)