1

Kỹ Năng

In

Học từ cuộc sống

Cập nhật 22/04/2009 - 09:03:32 AM (GMT+7)
Hiện nay, các thông báo tuyển dụng thường yêu cầu người lao động cần có những kĩ năng mềm như kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng giải quyết vấn đề, sự sáng tạo...</

Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế đã có nhiều bạn “nhảy việc” nhiều lần vì thiếu kiến thức mềm cần thiết. Nắm bắt nhu cầu của sinh viên, Đoàn trường Đại học Công nghệ Sài Gòn phối hợp với Nhà văn hóa sinh viên tổ chức lớp học kĩ năng sống cho hơn 300 sinh viên của trường. Đây được xem là mô hình học tập ngoại khóa thiết thực dành cho sinh viên, kéo dài trong 1 tuần (từ 16/3 – 21/3/2009). Nội dung là những bài học đơn giản từ cuộc sống…

 

Ứng xử “đẹp”, giao tiếp “tốt”

 

Giao tiếp, ứng xử là nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Tiến sĩ tâm lí Lý Thị Mai chia sẻ “Không phải người đẹp về ngoại hình là sẽ ứng xử “đẹp” mà chính nét đẹp trí tuệ, giải quyết tình huống cuộc sống khéo léo là những vẻ đẹp cần được tôn vinh. Đó là lí do xuất hiện những phần thi ứng xử trong cuộc thi Hoa hậu”. Nhiều bạn sinh viên đã góp ý cho buổi học về phương pháp ứng xử tốt: đó là suy nghĩ lại những gì đã nói ra và cân nhắc cho những lời sắp nói tránh làm tổn thương người khác; ứng xử phù hợp với đối tượng đang đối thoại (vì khác nhau về độ tuổi, nghề nghiệp, giới tính, học vấn,…). “Nền tảng” ứng xử tốt phần lớn dựa trên sự quan tâm và giáo dục của gia đình. “Học ứng xử trong giao tiếp là phải đem ra ứng xử hàng ngày”, cô Mai tâm sự.

 

Cô còn cho biết thêm, lắng nghe là phương pháp giúp ứng xử tốt. Lắng nghe ý kiến người đang nói là cách tiếp thu ý tưởng tuyệt vời mà chúng ta có thể học hỏi từ họ. Giao tiếp và ứng xử tốt cần sự cởi mở, thân thiện. Đó là nụ cười và ánh mắt chia sẻ chân thành. Cố gắng chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức giải quyết vấn đề, người đối diện sẽ cảm thấy thoải mái và tin tưởng sẻ chia cùng bạn.

 

Nuôi dưỡng sự tự tin

 

“Chúng ta không bao giờ mất tất cả, trừ khi mất đi niềm tin” (Robert Scleller). Theo tiến sĩ tâm lí Đinh Phương Duy, tự tin là một yếu tố quan trọng để thực hiện công việc. Tiến sĩ cho biết, tôn trọng bản thân, tuân thủ những nguyên tắc trong ứng xử hằng ngày, biểu lộ cảm xúc thật,…là “chìa khóa” để tạo nên sự tự tin.

 

 

Ngoài ra, bạn cũng cần một dáng điệu phù hợp để mọi người cảm nhận sự tự tin của bạn, giao tiếp bằng ánh mắt, chú ý vẻ ngoài của mình. Không có sự tự tin, bạn sẽ dễ dàng bỏ qua nhiều cơ hội mà bạn hoàn toàn có thể làm rất tốt.

 

 Một ánh mắt nhìn thẳng, một lời nói rõ ràng, dứt khoát, một tư thế bình tĩnh, …là biểu hiện của sự tự tin. Tránh lối suy nghĩ tiêu cực về bản thân mình, phải luôn phát huy thế mạnh của mình, xem lỗi lầm mắc phải là những cơ hội để học hỏi.

 

Tư duy sáng tạo – cần thiết

 

Trước đây, khái niệm sáng tạo chỉ bó hẹp ở những ngành nghề liên quan đến khoa học, kĩ thuật, nghệ thuật – những ngành nghề đòi hỏi năng lực tư duy, tưởng tượng thì ngày nay, sáng tạo được mở rộng ở tất cả mọi lĩnh vực, ngành nghề. Giá trị của sáng tạo là giúp cho công việc thêm trôi chảy hơn, dễ đạt đến đích thành công hơn.

 

Sáng tạo để tạo ra sản phẩm mới, có giá trị hơn so với sản phẩm cũ. Đôi khi, những “chia chớp sáng kiến” vụt lóe ra trong đầu cũng là tiền đề cho sự sáng tạo thành công, thậm chí trước đó nhiều người sẽ tỏ ra nghi ngờ những ý tưởng “bất bình thường” đó.

 

Để “tập” tư duy sáng tạo, thường bắt đầu bằng cách lắng nghe, tập thói quen suy nghĩ hướng tích cực, hiệu quả, hướng đến những mục đích rõ ràng, cụ thể trong công việc, thậm chí viết ngay những ý tưởng vào giấy trước khi “tia sáng” đó vụt tắt.

 

Kỹ năng làm việc nhóm

 

Làm việc tập thể sẽ rút ngắn thời gian làm việc, tốc độ công việc nhanh hơn, hiệu quả cao hơn. Làm việc nhóm thường trải qua các giai đoạn: cùng nhau thực hiện công việc, xung đột xuất hiện, bình thường hóa, thoái trào khi công việc kết thúc. Tuy nhiên, khi làm việc chung, phần lớn cá nhân thường thấy những “tật xấu” của nhau hơn là năng lực, khả năng làm việc. Những “mặt xấu” thường được khám phá và lưu lại sâu hơn làm hạn chế tính đoàn kết và năng lực sáng tạo của mỗi người. Vì vậy, sự thống nhất trong nhóm, tính hợp tác, tính kiên nhẫn, tính sáng tạo…luôn là yếu tố cần thiết để nhóm bền vững. Trong mỗi công việc của nhóm đều có nhiều mâu thuẫn phát sinh. Có thể là áp lực gia đình, sức khỏe, khí chất vốn có của mỗi người, môi trường và áp lực công việc. Giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong nhóm sẽ tạo nên bước đầu của sự thành công. “Nếu không có các bạn, tôi rất khó để hoàn thành công việc!”.

 

Mâu thuẫn – phải giải quyết

 

Mâu thuẫn giúp chúng ta nhận diện vấn đề tốt hơn, cùng tìm ra giải pháp tốt hơn

 

Nhưng…

 

Mâu thuẫn làm cho mối quan hệ xấu đi, ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động giảm

 

Mâu thuẫn có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân: xung đột tiền bạc, văn hóa khác nhau, không hiểu nhau. Làm thế nào để quản lí mâu thuẫn?. Theo thạc sĩ tâm lí Lê Thị Thúy, để giải quyết mâu thuẫn chúng ta cần quản lí cảm xúc của mình, lên kế hoạch hành động giải quyết vấn đề, cùng thảo luận và tìm ra nguyên nhân. “Biết lắng nghe, tổng hợp ý, nhớ và làm rõ vấn đề, không làm vỡ mối quan hệ, mâu thuẫn nhỏ không được giải quyết thì mâu thuẫn lớn sẽ lớn dần lên”, cô cho biết thêm.

 

Với nhiều bạn sinh viên, tránh né mâu thuẫn trong một khoảng thời gian nào đó cũng là một giải pháp, bạn Trần Minh Cường (ĐH Công nghệ SG) chia sẻ: “Khi có mâu thuẫn, mình thường nghe nhạc và tìm đến một nơi yên tĩnh để suy nghĩ lại những gì đã làm để tìm cách giải quyết, làm sao để duy trì tình bạn và bớt đi sự hiểu lầm”. Nhận ra cái Tôi của mình và giá trị của mình sẽ là “gốc rễ” hóa giải mâu thuẫn.

 

Nhìn về nghề nghiệp tương lai

 

Khoảng thời gian sinh viên rất cần thiết để bạn định hình hướng đi và sự lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Đã có rất nhiều bạn sinh viên chọn nghề theo yêu cầu gia đình, theo trào lưu, theo lời “góp ý” của bạn bè,…mà bỏ quên sở thích, năng lực có phù hợp với lĩnh vực mình đã chọn hay không. Kết quả, phải làm trái nghề hoặc nhảy việc hoặc lao đao để tìm một hướng đi mới.

 

Tuy nhiên, để thật sự thành công, sự tương quan giữa ngành học và tính chất công việc là điều cần thiết. Bạn phải tự phát hiện khả năng, sở trường, niềm đam mê và xem xét nguồn tài chính khi bắt đầu một công việc. Nguồn thu nhập không chỉ giải quyết nhu cầu tất yếu của cuộc sống mà đó còn là động lực thúc đẩy làm việc.

 

Định hướng nghề nghiệp tương lai rất quan trọng đối với học sinh chọn một ngành nghề theo học và sinh viên chọn một công việc theo làm. Để thành công trong công việc hơn 80% đòi hỏi sự nỗ lực và niềm đam mê  công việc, trong đó không thể thiếu những kỷ năng “cứng” được trau dồi ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.