1

Tin Tức Các Báo

In

Công khai thông tin xét tuyển

Cập nhật 04/03/2011 - 07:57:18 AM (GMT+7)
Theo quy định mới, năm nay Bộ GD-ĐT cho phép sau khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường, nếu thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ để nộp vào trường khác thì các trường phải tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh
Quy định mới được thí sinh (TS) quan tâm nhất trong mùa tuyển sinh năm nay là những TS có kết quả thi từ điểm sàn ĐH hoặc CĐ trở lên, nếu không trúng tuyển đợt 1 thì nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, NV3. Thời hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển và lệ phí đăng ký xét tuyển đợt 2 (NV2) kéo dài từ ngày 25-8 đến 17 giờ ngày 15-9; đợt 3 (NV3) từ ngày 20-9 đến 17 giờ ngày 10-10, kéo dài thêm 5 ngày so với những năm trước.
 

 
 

 Tốt cho cả trường và thí sinh?
 
Cũng theo quy định mới, trong thời hạn quy định, hằng ngày, các trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, NV3 của TS và công bố công khai thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển trên trang web của trường. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu, từ nhận hồ sơ, cập nhật thông tin hồ sơ từng ngày đến công bố công khai các thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, NV3 của TS...
 
Đặc biệt, năm nay Bộ GD-ĐT cho phép sau khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường, nếu TS có nguyện vọng rút hồ sơ để nộp vào trường khác thì các trường tạo điều kiện thuận lợi cho TS được rút hồ sơ đăng ký xét tuyển.
 
Quy định này, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, là để tạo điều kiện tối đa cho TS trong việc tìm kiếm một cơ hội trúng tuyển vào các trường bằng NV2, NV3. Tại hội nghị tuyển sinh mới được tổ chức, rất nhiều trường tỏ ra tán đồng với chủ trương cần phải công khai hồ sơ của TS để các em nắm được cơ hội trúng tuyển của mình, không phải hồi hộp khi xét tuyển.
 
Lãnh đạo một trường ĐH dân lập cho rằng việc công khai thông tin và cho phép rút hồ sơ của TS là tốt cho cả trường và cả TS, nhờ những thông tin được công khai, các TS có thể chọn được những trường ĐH tốt nhất, phù hợp nhất với mình. Tuy nhiên, lãnh đạo của không ít trường cũng tỏ ra băn khoăn vì việc rút – nộp hồ sơ sẽ khiến các trường mất thời gian nhận – trả, đặc biệt trong những ngày cuối cùng của các đợt xét tuyển.
 
Một hiệu trưởng cho rằng việc nhận – trả này có thể sẽ gây áp lực lớn cho trường nếu trong những ngày cuối cùng, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn TS, cùng đến rút - nộp hồ sơ. Cộng thêm vào đó là những rắc rối trong việc trả tiền lệ phí xét tuyển, nếu các TS cùng đến nộp thì không biết tình hình sẽ thế nào?
 
Đưa quy định thi trắc nghiệm vào quy chế
 
Sau 5 năm đưa phương thức thi trắc nghiệm vào kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, năm nay Bộ GD-ĐT quyết định đưa các quy định về thi trắc nghiệm vào quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ.
 
Theo quy định mới, khi làm bài trắc nghiệm, TS chỉ được viết một thứ mực không phải là mực đỏ. Các ô số báo danh, ô mã đề thi, ô trả lời chỉ được tô bằng bút chì đen. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, TS phải tẩy sạch chì ở ô cũ rồi tô kín ô lựa chọn. Tất cả các phiếu trả lời trắc nghiệm đều phải được chấm bằng máy bằng phần mềm chuyên dụng.
 
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, khẳng định trong quá trình chấm thi trắc nghiệm, các trường phải bố trí bộ phận giám sát trực tiếp và liên tục, từ khi mở niêm phong túi đựng phiếu trả lời đến khi kết thúc chấm thi. Các thành viên tham gia xử lý tuyệt đối không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm thi và không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu trả lời với bất kỳ lý do gì.
 
Mọi hiện tượng bất thường đều phải báo cáo ngay cho bộ phận giám sát và tổ trưởng để cùng xác nhận và ghi vào biên bản. Sau khi quét, đối với những môn đề thi có phần chung và phần riêng, phải sử dụng chức năng của phần mềm chấm thi để lọc ra tất cả các bài TS làm cả hai phần riêng, kiểm dò thật kỹ để bảo đảm quyền lợi cho TS.
 

Cần tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh
 
Trước băn khoăn của các trường về quy định mới trong việc nhận – trả hồ sơ đăng ký xét tuyển của TS, ông Đỗ Thanh Duy, chuyên viên phụ trách tuyển sinh của Vụ Giáo dục ĐH, cho rằng những điều này có thể giải quyết không khó khăn gì. Nếu mỗi trường cử một người chuyên phụ trách về tuyển sinh, mỗi ngày nhận 100 hồ sơ thì không phải là việc không làm được. Bản chất của quy định này là vì TS. Do vậy các trường cần tạo điều kiện tốt nhất cho TS, đặc biệt là các em có điểm cao, trúng tuyển vào các trường ĐH.

(Theo Người Lao Động)