1

Tin Tức Các Báo

In

Đánh giá giảng viên qua nghiên cứu khoa học

Cập nhật 13/01/2011 - 07:54:56 AM (GMT+7)
Theo GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Việc này sẽ tạo ra động lực phát triển và cũng là động lực về thu nhập cho giảng viên
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về chủ đề cải thiện thực trạng giảng viên ĐH dạy nhiều, nghiên cứu ít, GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh đến công tác quản lý. Theo ông, quản lý giỏi sẽ tạo động lực cho giảng viên khẳng định năng lực, dấn thân vào hoạt động nghiên cứu khoa học để có những công trình giá trị.
 
. Phóng viên: Một thực tế hiển nhiên đang tồn tại là rất nhiều giảng viên “lười” nghiên cứu khoa học mà tập trung vào công việc giảng dạy. Ông nghĩ sao khi một trong những lý do chính là vì thủ tục rườm rà, “kinh phí ít mà ơn huệ nhiều”?
 
- GS Đào Trọng Thi
: Đúng là thực tế nghiên cứu khoa học hiện nay có tình trạng tiền ít, tiêu khó, thủ tục phiền hà. Các đề tài nghiên cứu được phân bổ theo hình thức đổ đồng, cách phân bổ này rất cồng kềnh, không phù hợp.
 
Nhưng tôi cho rằng tạo động lực cho các giảng viên nghiên cứu khoa học trước hết không phải là rót thêm nhiều kinh phí cho đề tài mà là vấn đề quản lý, sử dụng nó thế nào.
 
Không thể giữ quan niệm phân phối đồng đều ở mọi lĩnh vực, đối tượng và quản lý một cách duy ý chí qua các tên đề tài được đăng ký. Tạo động lực cho giảng viên nghiên cứu khoa học trước hết cần phải thức tỉnh ở họ niềm đam mê bằng cách quản lý nghiên cứu khoa học công tâm, không vụ lợi và cách đánh giá công bằng.
 
. Một giảng viên đã thẳng thắn cho rằng tiền ít thì không thể nghiên cứu khoa học. Theo GS, thay vì đầu tư dàn trải như hiện nay, có nên đầu tư cho các công trình nghiên cứu khoa học một cách tập trung hơn?
 
- Tiền ít thì kết quả khoa học không đạt chất lượng và với số tiền rất ít thì chỉ có thể làm được một cách rất hình thức, lý thuyết thôi. Tôi cho rằng đầu tư phải đủ thì mới có nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Tất nhiên bên cạnh yếu tố kinh phí, cũng phải có nhiều quy định khác để quản lý việc nghiên cứu khoa học một cách có hiệu quả.
 
Về việc đầu tư dàn trải, tất nhiên, ai cũng thấy đó là cách làm kém hiệu quả, cần phải chấm dứt. Nhưng như tôi đã nói, không phải là nhiều tiền mới làm được khoa học, nghiên cứu khoa học có những công trình trọng điểm, cần kinh phí thật lớn mới làm được.
 
Cũng có những công trình ở tầm thấp hơn, chỉ vài chục triệu đồng thôi, thậm chí có những công trình không cần thực nghiệm mà chỉ nghiên cứu trên lý thuyết, 7 triệu đồng cũng được.

Tôi nhấn mạnh ở chỗ này là không quan trọng nhiều hay ít mà là quan trọng đủ hay không đủ. Đề tài cần làm thí nghiệm mà không đủ tiền mua nguyên liệu thì làm sao làm được.
 
Có những đề tài dự toán khoảng 200 triệu đồng nhưng chỉ được duyệt 100 triệu đồng, rõ ràng là không làm khoa học được với kinh phí đó nhưng người ta vẫn nhận.
 
Thay vì phải làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, người ta lại nghiên cứu trong tưởng tượng. Và tất nhiên là công trình ấy chẳng mang lại cái gì, như vậy có cấp một nửa tiền thì vẫn lãng phí.
 
Phải thay đổi cách nghĩ, cách làm
Theo GS Đào Trọng Thi: “Phải thay đổi cách nghĩ, cách làm thì nghiên cứu khoa học trong trường ĐH mới có được chất lượng. Ở Việt Nam, công tác quản lý rất yếu. Khi xét duyệt đề tài, không chỉ xem dự toán có đúng yêu cầu không mà còn cần phải tính chi trả nhân công một cách xứng đáng. Từ trước tới nay, ta vẫn coi cán bộ như là người ăn lương nên khi duyệt kinh phí cho đề tài, chỉ tính đến phần mua cơ sở vật chất, thiết bị. Cán bộ không được trả công thì người ta phải lấy lẹm vào phần mua nguyên vật liệu, vào phần thực địa khảo sát, thậm chí phải trả tiền thuê sinh viên làm thêm, cứ thế thì nghiên cứu khoa học làm sao có chất lượng được”
Phải cân nhắc xem trong túi của mình có bao nhiêu tiền, chia cho bao nhiêu đề tài là đủ. Tiền đã không nhiều mà cứ đổ đồng ai xin cũng duyệt thì toàn bộ số tiền đó sẽ thành lãng phí.
 
. Theo GS, còn giải pháp nào hữu hiệu để tạo động lực cho giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học?
 
- Giải pháp quan trọng, theo tôi, là phải đưa hoạt động nghiên cứu khoa học vào tiêu chí đánh giá, xếp loại cuối năm, lên lương, phong tặng chức danh GS, PGS, giảng viên cao cấp, giảng viên chính.
 
Giải pháp này vừa là động lực phát triển vừa là động lực về thu nhập cho giáo viên. Ở nước ngoài, nếu không nghiên cứu khoa học, không có bằng tiến sĩ thì không thể giảng dạy được nhưng ở mình, tiêu chuẩn giảng viên không nghiêm ngặt như vậy.
 
Khi tôi ở ĐH Quốc gia Hà Nội, phải là tiến sĩ mới được ký hợp đồng dài hạn, còn trước đó thì chỉ có hợp đồng thời hạn để họ luôn luôn phải phấn đấu.

 Quan niệm của tôi là phải quản lý thế nào để giảng viên phấn đấu vươn lên, mà muốn phấn đấu thì phải nghiên cứu khoa học để nâng chất lượng. Đánh giá hiện nay chỉ dựa vào số giờ lên lớp của giảng viên, mà giảng dạy lại được nhận thù lao nên điều tất nhiên là người ta thích dạy.

(Theo NLD)