Tin Tức Các Báo
In'Bão cấp 13 thì nhà xây thô ở miền Trung đều sập hết'
Cập nhật 19/10/2010 - 09:01:15 AM (GMT+7)Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, khi ở ngoài khơi Philippines, bão Megi mạnh cấp 17, nghĩa là đạt tới độ cao nhất trong thang bảng cấp bão. Ngày 18/10 khi vào Philippines, siêu bão đã giảm cường độ còn cấp 14, tức là từ 150 đến 166 km một giờ, giật cấp 16-17.
Bão di chuyển khá nhanh theo hướng giữa tây và tây tây nam, tốc độ 15 km mỗi giờ. Tối 18/10, bão vào biển Đông (thành cơn bão số 6) và mạnh lên 1-2 cấp do được tiếp thêm năng lượng từ biển.
Ông Tăng cho biết, vào biển Đông, bão có thể thay đổi hướng di chuyển. Hiện cả đài Việt Nam và đài quốc tế đều cho rằng bão sẽ chếch lên phía Bắc, theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 10 km mỗi giờ. Đến 13h ngày 21/10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240 km về phía đông bắc.
Nhận định về khả năng bão đổ bộ, Giám đốc Tăng cho rằng có khoảng 30-40% khả năng bão vào Việt Nam, khoảng 60-70% khả năng bão đi thấp, dưới đảo Hải Nam (Trung Quốc) và ảnh hưởng tới Việt Nam.
Ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông khu vực bắc biển Đông gió sẽ mạnh dần từ cấp 9 lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14-15, giật cấp 17. Sóng biển cao từ 12 đến 14 mét. Biển động dữ dội.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của siêu bão. Ảnh: khituongvietnam.gov.vn. |
Ông Phạm Hoài Giang, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, hiện tại khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có 374 tàu với hơn hơn 4.000 ngư dân đang đánh bắt. Trong đó khu vực nguy hiểm là quần đảo Hoàng Sa có 13 tàu với 173 ngư dân, gồm cả tàu được Trung Quốc thả, nhưng chưa về được do chết máy.
"Đề nghị các tỉnh có tàu là Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận kêu gọi người dân vào bờ. Lâu nay khi có bão, ta vẫn kêu gọi người dân, nhưng thực tế bà con không vào bờ mà loanh quanh trên biển, bão vào thì thiệt hại rất lớn. Lần này đề nghị các tỉnh kiên quyết", ông Giang nói.
"Bão mạnh, tinh thần chống bão cũng phải mạnh", Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát lên tiếng. Ông yêu cầu các tỉnh phải kêu gọi hết ngư dân đang đánh cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa vào đất liền. Đối với tàu được Trung Quốc thả về thì đề nghị Trung Quốc cung cấp lương thực trong thời gian trú tránh bão Megi, sau đó cung ứng nhiên liệu để tàu về.
Ở trên bờ, các tỉnh cũng phải có kế hoạch sơ tán dân thật chi tiết. Vì bão vào cấp 13 như Xangsane năm 2006 thì các nhà xây thô ở miền Trung đều sập hết. Ngay cả nhà xưởng xây kiên cố của nhiều công ty cũng sập. "Vì vậy sơ tán dân vào đâu, địa phương phải tính kỹ. Phải dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men và chất đốt, đề phòng sau bão sẽ có lũ chia cắt", ông Phát nói.
Chỉ đạo cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa phải chuẩn bị tinh thần bão đổ bộ đất liền, cường độ cấp 16. Các tỉnh phải chuẩn bị lực lượng, phương tiện, lương thực, cứu hộ đề phòng chia cắt trong mưa bão.
"Khẩn cấp nhất hiện nay là phải kêu gọi 374 tàu thuyền ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào bờ. Khi vào bờ cần chú ý sắp xếp, tránh để tàu va chạm dẫn đến thiệt hại ngay tại nơi trú ẩn", ông Hải nói.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh chặt cây, tỉa cành ngay đề phòng cây đổ, làm đứt dây điện, gây thiệt hại; phải theo dõi sát các bản tin báo bão để kịp thời ứng phó.
(Theo VnExpress)