1

Tin Tức Các Báo

In

Đai ốc còn đi mua, mơ gì sớm có vệ tinh

Cập nhật 18/10/2010 - 08:36:43 AM (GMT+7)
Là một trong những người phụ trách quản lý phát triển công nghệ vũ trụ, ông Nghiêm Xuân Minh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Tự nhiên – Xã hội, Bộ Khoa học - Công nghệ, cho rằng, ngay đến những chi tiết như đai ốc, chúng ta vẫn phải nhập khẩu nước ngoài, thì không thể sớm có vệ tinh riêng.

 

 

Chế tạo vệ tinh của Việt Nam vẫn sẽ là ước mơ lâu dài của chúng ta
Chế tạo vệ tinh của Việt Nam vẫn sẽ là ước mơ lâu dài của chúng ta. Ảnh minh họa

Ông Minh cho hay: Viện Công nghệ Vũ trụ Việt Nam mới chế tạo mô hình vệ tinh nặng... 1kg những chưa cho bay thử được. Kể cả vệ tinh này có bay được cũng không thể đảm nhiệm các chức năng như viễn thông, chụp ảnh...để phục vụ đời sống. Thế nên, chúng ta vẫn phải đi mua vệ tinh của nước ngoài và nhờ người ta phóng (Vinasat 1, 2) hoặc nhận tài trợ của Pháp (vệ tinh nhỏ VNREDSAT 1, dự định phóng năm 2014).

 

 

Ủy ban Vũ trụ Việt Nam là tổ chức tư vấn, giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề liên ngành trong việc thực hiện Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020. Đồng thời, có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về chương trình, kế hoạch và các biện pháp thực hiện Chiến lược cho từng thời kỳ; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp và đôn đốc các cơ quan có liên quan thực hiện Chiến lược trên.
Theo Chinhphu.vn

Vệ tinh Vinasat 1 hiện có của Việt Nam (mua từ Lockheed Martin của Mỹ) cũng chủ yếu nhiệm vụ về viễn thông, chứ chưa có chức năng như dự báo thời tiết, dự báo nông nghiệp - ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban quản lý Dự án Vinasat nói.

Còn Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Doãn Minh Chung, nêu thực trạng: viện này mới thành lập được ba năm, nên vẫn còn hạn chế. Ngay cả Ủy ban Vũ trụ, nơi sẽ quản lý, định hướng phát triển Công nghệ Vũ trụ, thì đến thời điểm này, vẫn chưa xác định được hết các thành viên.

Muốn xây nhà, hãy làm ra gạch trước!

Là một trong những người phản biện kế hoạch phát triển công ngệ vũ trụ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đại tá Nguyễn Tăng Cường (Học viện Kỹ thuật quân sự), chuyên gia về điều khiển tự động cho rằng, nếu coi việc chế tạo vệ tinh như xây ngôi nhà thì Việt Nam cần làm ra gạch trước. Đó chính là các công nghệ nền, như quang điện tử, thiết kế các thiết bị điện tử tiêu chuẩn, sử dụng linh kiện tổ hợp, lập trình các hệ nhúng... mà hiện nay, chúng ta chưa có.

Làm như vậy, không chỉ công nghệ vũ trụ được hưởng lợi, mà còn kéo theo các ngành điện tử, viễn thông, CNTT phát triển theo.

“Nhưng tiền đâu để sản xuất gạch?”. Phó Giáo sư Cường phân tích, trước đây, nếu các nhà mạng không đánh lẻ, lập mạng 3G riêng, mà gộp vào, làm một mạng 3G chung, sẽ bớt đi hàng nghìn trạm viễn thông, thừa sức xây dựng công nghệ nền.

“Nếu chúng ta biết bình tĩnh lắng nghe thì đã có thể làm nhiều thứ hơn” – nhà khoa học này nhận xét.

Một chuyên gia khác, Tiến sĩ Trần Trọng Minh, Chủ nhiệm bộ môn Tự động hóa, ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, những phần điều khiển – bộ não của vệ tinh và các trạm thu sóng, hiện nay, chưa được phát triển ở Việt Nam.

"Đốt đuốc" tìm nhân lực

Chưa có người được học đúng chuyên ngành về thiết kế, chế tạo vệ tinh – Vụ trưởng Vụ Khoa học Tự nhiên – Xã hội cho biết - kể cả với những dự án như Vinasat 2, chúng ta sang đó cũng chỉ được học về khai thác, sử dụng, chứ không được học thiết kế. Hy vọng lớn nhất đến thời điểm này là Việt Nam sẽ được học chế tạo vệ tinh nhỏ, trong chương trình hợp tác với Pháp, tuy nhiên, cũng phải đợi vài năm nữa.

Trong nước, có ba trường gắn chữ Vũ trụ trong chương trình đào tạo là Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự và Đại học FPT. Nhưng, trường thứ nhất mới dạy ngành này năm 2009, trường thứ hai chỉ chuyên về Cơ – Điện tử, trường thứ ba không đào tạo về công nghệ vũ trụ, mà việc làm vệ tinh là do sinh viên đam mê khoa học.

Ông Minh, cho rằng, đến cuối đời mình, ông cũng mong chúng ta có thể chế tạo được một phần nào đó của vệ tinh, nhưng đó là phần nào thì ông cũng chưa biết.

(Theo Tiền Phong Online)