Học tập và NCKH
InNhững người trẻ mê khoa học: Thương em tật nguyền anh làm xe lăn thông minh
Cập nhật 28/01/2010 - 04:34:26 PM (GMT+7)Kỳ 1: Thương em tật nguyền, anh làm xe lăn thông minh
Mất năm tháng nghiên cứu ròng rã, Trần Ngọc Hiếu, sinh viên năm ba, khoa cơ khí, trường đại học Công nghệ Sài Gòn đã cho ra đời chiếc xe lăn thông minh giúp cho người không may mất cả tay lẫn chân dễ dàng đi lại. “Nó giống như chiếc ghế di động, người khuyết tật có thể di chuyển trong nhà và chạy cả ngoài đường nên gọi là xe lăn thông minh”, Hiếu giải thích. Sáng chế của Hiếu đã được nhiều chuyên gia khoa học đang giảng dạy ở trường đánh giá cao.
Sáng chế của lòng trắc ẩn
Giảng đường ở quận 8, nhà trọ lại ở quận Bình Thạnh, hàng ngày Hiếu đạp xe đạp gần một giờ đồng hồ mới đến được trường. Mệt bở hơi tai nhưng nhờ đi xe đạp, chàng sinh viên quê Ninh Thuận này mới thấy bên cạnh những người có xe hơi, xe máy xịn thì còn rất nhiều người cụt cả tay lẫn chân đi bán vé số, lăn lóc dưới đất rất tội nghiệp. Hè năm thứ hai, trong chuyến về Bình Dương thăm gia đình người cậu, lòng trắc ẩn của Hiếu lại được đánh thức. Cậu bạn đã khóc ngon lành khi thấy cô em họ xinh xắn, học giỏi ngày nào giờ bại liệt, nằm bất động vì căn bệnh lạ. Trước đó, một người em họ khác đã qua đời cũng vì căn bệnh tương tự. “Thương mấy em quá, lại nghĩ mình có chút học thức, tại sao không nghiên cứu một phương tiện gì giúp em cũng như những người như em mình có thể đi lại đây đó. Vậy là tôi bắt đầu...”, Hiếu kể.
Về nhà, Hiếu trằn trọc với ý tưởng về một chiếc xe lăn thông minh. Sau nhiều đêm thao thức, ý tưởng cũng được phác hoạ ra xấp giấy A4 tươm tất. Thế nhưng tiền đâu để mua nguyên vật liệu? Cầm xấp bản thảo trên tay, Hiếu gõ cửa tất cả những công ty, trung tâm liên quan đến lĩnh vực cơ khí, công nghệ mà mình có địa chỉ. Đến đâu người ta cũng lắc đầu với lý do “không khả thi”. Biết có tìm thêm cũng chẳng được, Hiếu bèn táo bạo nghĩ đến nguồn “tài trợ” từ… học phí của mình. Lâu nay anh chàng vẫn xoay xở tiền học theo công thức: 2/3 là tiền lương làm thêm, còn lại đi vay bạn bè rồi sau đó trả dần. Nếu như trước đây mỗi lần đi học về, hì hụi đạp xe thật nhanh thì giờ Hiếu đi chậm, để mắt quan sát những cửa hàng bán phụ tùng máy móc. Cứ mỗi lần trở về từ trường như thế, Hiếu lại “tha” về nhà trọ vài món đồ. Hộp phụ tùng để ở góc tường cứ thế nhiều lên. Tuy nhiên sườn chiếc xe thì chưa có, “Mất một tháng trời lân la, thậm chí để cả số điện thoại tại những điểm thu mua ve chai, tôi mới tìm được bộ sườn của chiếc xe ưng ý”, Hiếu thiệt thà kể. Phần cơ của xe, Hiếu qua chợ Tạ Uyên để lùng, phần điện tử thì qua chợ Nhật Tảo. Khi phụ tùng tích góp được kha khá thì cũng là lúc được nghỉ hè. Hiếu hì hụi vác tất tần tật những gì tích góp được về quê và bắt đầu công việc sáng chế ra chiếc xe lăn như ý định của mình.
Giấc mơ tạo ra dòng xe phiên bản mới
Về quê, ngoài việc phụ ba mẹ chuyện đồng áng, cứ rảnh là Hiếu lao vào nghiên cứu. Nhưng ở nhà thiếu máy móc, Hiếu đem ý tưởng và nguyện vọng làm xe lăn nói với chủ một tiệm cơ khí gần nhà. Họ đồng ý cho cậu sinh viên đến phụ việc, buổi tối có thể ở lại nghiên cứu và gia công khung xe. “Ngày đầu tiên cầm que sắt để hàn, do chưa có kinh nghiệm dùng kính bảo hộ nên tối về mắt sưng vù, nước mắt giàn giụa suốt cả đêm”, Hiếu cười nhớ lại. Hoàn thành hệ thống cơ của chiếc xe thì cũng là lúc bắt đầu năm học mới, Hiếu lại khệ nệ mang xe vào Sài Gòn để nghiên cứu tiếp. Đi giữa mưa, mấy ngày sau khung xe bị gỉ sét, nhìn như một đống sắt vụn. Vậy là phải hì hụi đánh bóng rồi đem sơn để chống gỉ. Ngày đi học, đi làm thêm nên tối về tranh thủ đục đẽo. Bà chủ nhà trọ có lần đòi đuổi “nhà sáng chế” ra khỏi nhà vì tội làm ồn nhưng rồi nghe nguyện vọng làm xe lăn của Hiếu nên lại thôi. Khó nhất vẫn là lúc viết lập trình con chip điều khiển xe lăn. Không có máy vi tính, Hiếu ra tiệm internet mày mò tìm kiếm trên mạng. “Có bữa vừa hết ca làm thêm là chạy thục mạng về nhà lấy đồ nghề, mua ổ bánh mì vừa đạp xe vừa gặm để kịp qua nhà bạn mượn máy tính viết lập trình. Có lúc lắp xe xong, nó cứ xoay mòng hoặc hoạt động không như ý muốn nên cũng nản. Nhưng nghĩ đến hình ảnh em gái nằm bất động, tôi tự động viên cố gắng lên, và lại tiếp tục làm”. Hiểu được công việc của Hiếu, không chỉ ủng hộ tiền, bạn bè còn sẵn sàng xắn tay phụ giúp. Người tặng điện thoại để gắn trên xe, người cho mượn máy tính, tài liệu… Sau năm tháng, chiếc xe lăn được chế tạo thành công. Thế nhưng đây cũng là lúc đến kỳ hạn đóng học phí. Số tiền ba triệu rưỡi đã dùng hết vào việc làm xe lăn. Đang lúc chưa biết xoay xở kiểu nào thì thời may nhà trường biết chuyện, đã hỗ trợ Hiếu 10 triệu đồng, cho Hiếu mang xe vào xưởng cơ khí của trường làm việc. Trường cũng tạo điều kiện để Hiếu vào ký túc xá ở nhưng Hiếu từ chối, “Ở ngoài tuy đi học xa nhưng tranh thủ đi làm thêm được. Nhà tôi nghèo lắm, tôi còn em trai năm rồi đậu đại học Nông Lâm nhưng không có tiền học phải ở nhà chờ lúc nào tôi ra trường mới thi lại. Giờ tôi học là cho cả hai anh em”, Hiếu bùi ngùi.
Là người nổi tiếng ở trường bởi sáng chế ra xe lăn thông minh, nhưng cứ tan học, nhà sáng chế trẻ vẫn tất tả đi giao cá, kiếm tiền mưu sinh. Vất vả là vậy, nhưng Hiếu vẫn ấp ủ giấc mơ tạo ra dòng xe lăn phiên bản hai với tính năng nhiều hơn, đồng thời kêu gọi thành lập trang web dành cho những bạn trẻ yêu công việc sáng chế, nghiên cứu khoa học, nhằm tạo thêm nhiều sản phẩm hơn nữa cho những người khuyết tật.
“Ngoài chức năng chính là di chuyển, xe còn có thể đuổi muỗi, nghe nhạc, xem phim, điện thoại với nhiều chế độ được hiển thị trên màn hình LCD”
Xe lăn điều khiển bằng đầu người Xe lăn thông minh của Hiếu chế tạo hoạt động dựa trên các cảm biến toạ độ trong không gian nhờ sử dụng tia hồng ngoại giúp định vị sự di chuyển của đầu để chọn hướng chuyển động trái – phải, trước – sau mà không cần sử dụng tay hoặc chân. Chẳng hạn muốn rẽ trái, người điều khiển chỉ cần nhìn sang bên trái, rẽ phải thì nhìn sang bên phải. Nếu muốn dừng xe, chỉ cần thực hiện thao tác giữ tư thế đầu ở vị trí đứng yên, toàn bộ hệ thống của xe sẽ chuyển qua chế độ “ngủ”... Bộ não của chiếc xe là con chip lập trình Atmega 32 thuộc dòng AVR với 32Kb bộ nhớ, được lập trình để giao tiếp, thu nhận và xử lý tín hiệu. Chiếc xe lăn nặng khoảng 25kg, tốc độ di chuyển khoảng 6km/h. Ngoài chức năng chính là di chuyển, xe còn có các chức năng đuổi muỗi, tích hợp các chức năng nghe nhạc, xem phim, điện thoại với nhiều chế độ được hiển thị trên màn hình LCD cho người sử dụng lựa chọn như chế độ lái xe, chiếu sáng ban đêm, bật tắt máy đuổi muỗi… |