1

Tin Sinh Viên

In

Tôn vinh những thầy cô giáo giàu sáng tạo, tận tụy với nghề

Cập nhật 22/11/2009 - 09:17:30 AM (GMT+7)
Tối ngày 19/11, trong khuôn khổ Liên hoan giáo viên, giảng viên trẻ tiêu biểu lần 2 năm 2009, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã tuyên dương 72 giáo viên và 41 giảng viên trẻ tiêu biểu.

Đến dự có đồng chí Huỳnh Thị Nhân - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM; Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; đồng chí Nguyễn Văn Đua - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm - UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, đồng chí Thân Thị Thư - Thành ủy viên, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, đồng chí Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM; ông David Dương - Tổng giám đốc Công ty xử lí chất thải rắn Việt Nam và các nhà giáo lão thành cùng đông đảo học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố.  

Những đóng góp thầm lặng 

72 giáo viên các trường THPT, THCS, tiểu học, mầm non và 41 giảng viên ĐH, CĐ, TCCN được tuyên dương là những điển hình thầy cô có đạo đức tốt, chuyên môn tốt và cống hiến tốt cho sự nghiệp trồng người. Mỗi người, bằng nỗ lực của mình, vẫn hằng ngày đứng trên bục giảng thầm lặng tâm huyết với nghề, với học trò thân yêu của mình.  

Dâng hoa và chụp hình lưu niệm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh - ảnh: T.M 

Ngày Tết của thầy cô, cả xã hội cùng hướng về ghi ân, bày tỏ lòng kính yêu của mình với những người khai sáng. Trong đó, đã có rất nhiều thầy, cô dù cuộc sống có khó khăn, vất vả, thậm chí khiếm khuyết về bản thân nhưng vẫn tâm huyết với nghề, với học trò.  

Thầy giáo Nguyễn Văn Long là điển hình về tinh thần nghị lực vượt qua bất hạnh của cuộc đời đưa “ánh sáng văn hóa” đến các em khiếm thị trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Thầy còn làm cả một luận văn thạc sĩ về đề tài “Quá trình hòa nhập cộng đồng của người khiếm thị dưới nhãn quan văn hóa” với mong muốn mang lại những gì tốt đẹp nhất cho những học trò khiếm thị, giúp cộng đồng và xã hội có cái nhìn khoa học và đầy đủ hơn về người khiếm thị, thầy còn thành lập một cơ sở giải quyết việc làm cho người khiếm thị.  

Còn học sinh trường tiểu học Trung Nhất (quận Phú Nhuận) thì thích thú với tiết học của cô giáo Nguyễn Kim Châu qua những bài học thực tế, những chuyến tham quan, dã ngoại tại địa phương. Thầy Đỗ Tiến Dũng (trường tiểu học Bình Tiên, Quận 6) thì lại rất thích đưa những trò chơi dân gian vào các tiết học ngoại khóa, kết hợp vừa chơi, vừa học. Thầy còn hỗ trợ chi đoàn tham gia các buổi ngoại khóa để gây quỹ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, dạy xóa mù chữ cho người dân phường 8 (Quận 6).  

Cô giáo Nguyễn Lê Thị Hồng Quế (trường THCS Kim Đồng, Quận 5) lại có sáng kiến “Mỗi học sinh là một giáo viên bộ môn Sinh học 8” áp dụng trong đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn Sinh; sáng kiến “Học sinh thích tìm tòi và say mê Hóa học” đã áp dụng thành công trong năm học vừa qua, mang lại niềm hứng thú học tập cho các em học sinh, đưa chỉ tiêu chuyên môn dẫn đầu nhóm Hóa.  

Cô giáo Phạm Thiên Thanh (trường THCS Đoàn Thị Điểm, Quận 3) luôn sử dụng giáo án điện tử vào việc dạy học, kèm cặp, hướng dẫn học sinh giỏi thực hiện nhiều công trình sáng tạo qua các hội thi Hành tinh xanh như mô hình “Tạo ra điện bằng năng lượng gió”, “Máy nước nóng chạy bằng năng lượng mặt trời”, thực hiện phim phóng sự về văn minh học đường. Cô còn tổ chức các đêm văn nghệ gây quỹ học bổng, hội thi làm mai và đào, vẽ tranh gây quỹ học bổng với 35 suất học bổng.

 

Điều đáng khâm phục ở các thầy cô giáo trẻ là khả năng tự học, tự trau dồi để thành công hơn khi học sinh ngày càng năng động hơn, giỏi hơn. Trò học, thầy cô càng học nhiều hơn. Nhiều thầy cô là tiến sĩ trẻ như tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ (khoa Anh, ĐH Sư phạm), tiến sĩ  Trần Minh Triết (ĐH Khoa học Tự nhiên), tiến sĩ Nguyễn Xuân Minh (trường ĐH Ngoại thương TP.HCM), 30 thầy cô có trình độ thạc sĩ và đang học thạc sĩ, có 15 thầy cô vừa là giáo viên, giảng viên vừa kiêm nhiệm công tác quản lí tại trường, nhiều thầy cô là Tổng phụ trách Đỗi, trợ lí thanh niên, Bí thư Đoàn trường. Nhiều công trình nghiên cứu xuất phát từ khối óc, sự say mê học tập, nghiên cứu, tiếp nối một cách xứng đáng truyền thống vẻ vang của nghề giáo.

 

…và những điều gửi lại

 

Nhìn nhận những đóng góp của thầy cô giáo trẻ, những nhà giáo lão thành đều bày tổ niềm tự hào về những đóng góp của các giáo viên, giảng viên trẻ. Nhà giáo Nguyễn Thị Yến Thu (Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM, nguyên Phó Giám đốc Giáo dục Đào tạo TP.HCM) còn nhớ như in cảm xúc vinh dự được gặp Bác Hồ vào năm 1964, gặp Bác như một động lực kì diệu thôi thúc cô phải học thật giỏi để vào Nam dạy cho các bạn miền Nam, thực hiện tâm niệm của Bác Hồ. Cô kể rằng bạn bè của cô vừa làm công tác dạy học, vừa chiến đấu, nhiều người đã hi sinh, cô được sống đến ngày hôm nay để làm tiếp công việc của mình, của đồng đội là được dạy học. Cô nghĩ rằng, người làm công tác dạy học thì quý nhất là cái tình, cái nghĩa với học trò.

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Tá dù đã có hơn 60 tuổi nghề nhưng vẫn hằng ngày nghiên cứu, viết sách thực hiện những điều tâm huyết. Người thầy ấy tuổi cao, sức yếu  nhưng vẫn nhắn nhủ mạnh mẽ với thầy cô giáo trẻ: “Tuổi trẻ có nhiều thuận lợi tiếp cận những tri thức khoa học, tiếp cận cái mới mà thời chúng tôi không có nhiều. Vấn đề còn lại là ở mỗi cá nhân, mỗi thầy cô giáo sống sao cho thanh bạch, trong sáng với cuộc đời. Xã hội sẽ sớm đào thải với những ai không chịu cố gắng vươn lên, thầy cô ngày nay phải đáp ứng được nhu cầu khắc khe của xã hội”. Tuy đã là Phó giáo sư, tiến sĩ, thầy Trần Hữu Tá vẫn mãi nhớ và biết ơn về người thầy của mình - giáo sư Trần Văn Giàu, ông cũng nhấn mạnh: “Muốn làm giáo viên phải có tinh thần học tập của thầy Trần Văn Giàu”.

 

PGS-TS Trần Hữu Tá (bìa phải) và nhà giáo Nguyễn Thị Yến Thu - chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - giao lưu với các bạn trẻ tại lễ tuyên dương - ảnh: TRUNG UYÊN

 

Tiếp nối lòng yêu nghề, tâm đức của thầy cô đi trước, nhiều giáo viên trẻ tiêu biểu đã không ngừng phấn đấu mình, quan tâm đến học sinh bằng những việc làm thiết thực. Hơn 20 suất học bổng “Vì ngày mai tươi sáng” của Ban liên lạc giáo viên trẻ tiêu biểu đã kịp thời hỗ trợ các em học sinh khó khăn vùng sâu, vùng xa, sinh viên nghèo hiếu học. Hiệu quả hơn khi có rất nhiều đơn vị xã hội, doanh nghiệp cùng hỗ trợ để cùng thầy cô nâng bước các em đến trường. Bằng nỗ lực chung của xã hội, của thầy cô,  nhà giáo Nguyễn Thị Yến Thu luôn mong mỏi rằng: “Với tài năng và tấm lòng yêu thương học trò, tôi rất tin nền giáo dục của chúng ta sẽ phát triển hơn, tiến nhanh, tiến mạnh, tôi hoàn toàn tin tưởng vào điều đó!”  

Chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo Thành phố - ảnh: T.M

 

Phát biểu tại lễ tuyên dương, đồng chí Lê Quốc Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM nhấn mạnh: “Lựa chọn nghề giáo là lựa chọn nghề cao quý, là tiếp nhận trọng trách không chỉ với từng con người trong xã hội mà còn là đối với tương lai của cả một dân tộc. Dẫu biết cuộc sống của các thầy cô hôm nay còn nhiều khó khăn; dẫu đâu đó trong xã hội vẫn còn tiêu cực, lo ngại về sự suy thoái trong đạo thầy trò nhưng chúng ta tin rằng, các bạn, những giáo viên, giảng viên trẻ sẽ luôn vững vàng; các bạn sẽ luôn là những người tiên phong góp phần làm sáng thêm và sáng mãi hình ảnh cao đẹp của người giáo viên nhân dân. Bằng nỗ lực cống hiến của mình, các bạn đang khẳng định với lãnh đạo Thành phố, với các bậc phụ huynh và xã hội về một thế hệ giáo viên, giảng viên trẻ Thành phố biết tiếp nối, trân trọng, giữ gìn và phát huy tốt nhất truyền thống tốt đẹp của nghề, của ngành, xứng đáng là những giáo viên, giảng viên trẻ tiêu biểu làm theo lời Bác của Thành phố anh hùng”. 

 

THIÊN THANH