1

Tin Tức Các Báo

In

Đừng chọn bài thi Khoa học xã hội chỉ để... đỗ tốt nghiệp

Cập nhật 06/05/2019 - 07:41:11 AM (GMT+7)

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, không chỉ tăng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp phổ thông, việc nhiều thí sinh ưu tiên bài thi Khoa học xã hội báo hiệu xu hướng chọn ngành nghề mới.

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục - Đào tạo, trong số trên 886.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019 thì có tới 52,8% thí sinh chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Năm 2017, cả nước có 43% số thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội. Năm 2018, tỷ lệ này là 48%, thua năm nay tới gần 5%. Đây là sự thay đổi ngoạn mục vì mấy năm trước, không hề có chuyện này. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, không chỉ tăng tỷ lệ đậu tốt nghiệp phổ thông mà việc nhiều thí sinh ưu tiên bài thi khoa học xã hội cũng báo hiệu một xu hướng chọn ngành nghề mới.

Khác với các năm trước, năm nay, gần 70% trong tổng số hơn 250 học sinh khối 12 thuộc Trung tâm Giáo dục phổ thông, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội khi đăng ký thi THPT quốc gia. Nhiều học sinh cho biết sự thay đổi này giúp các em cảm thấy an tâm hơn về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp.

Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường, đây là lựa chọn thông minh vì muốn trúng tuyển đại học, cao đẳng, điều kiện bắt buộc các em phải đỗ tốt nghiệp.

“Nhiều thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội cũng có nguyên nhân là nhằm đảm bảo được yếu tố điểm số trong quá trình tốt nghiệp, đặc biệt năm nay cách tính điểm tốt nghiệp THPT quốc gia chiếm 70% điểm xét tốt nghiệp. Do vậy, đối với những thí sinh có học lực trung bình hoặc khá hơn một chút nhưng chưa đủ tự tin chọn bài thi khoa học tự nhiên, khối được cho là khó thì có thể chọn bài thi khoa học xã hội để nhẹ nhàng và an tâm hơn.”- Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM cho rằng, đây là xu hướng mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh trong giai đoạn các trường đại học, cao đẳng đa dạng hình thức tuyển sinh như hiện nay. Tuy nhiên, ông Cường lưu ý, thí sinh không nên chủ quan với phương án lựa chọn này vì với cách ra đề mới, không phải cứ học thuộc lòng là làm tốt bài thi xã hội. Muốn đạt được điểm cao khi làm bài thi khoa học xã hội, đòi hỏi thí sinh phải có tư duy tổng hợp, cách xử lý nhanh nhạy thay vì “học vẹt”, học tủ.

“Xu hướng thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp khoa học xã hội ngày càng nhiều vì bài thi này mang tính gần gũi. Các bài thi về khoa học xã hội cũng có nhiều nội dung liên quan đến cuộc sống mà thí sinh có thể vận dụng để mà giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, hiện nay nhóm ngành liên quan đến khoa học xã hội tại các trường cũng rất nhiều.”- ông Nguyễn Quốc Cường nói.

Là một xu hướng có lợi, thế nhưng, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc chọn bài thi phải thật kỹ lưỡng vì nếu chỉ chọn để đỗ tốt nghiệp rất dễ khiến thí sinh hối hận khi chẳng may đỗ đại học đúng ngành mình không yêu thích. Nguyễn Lê Ngọc Thảo, học sinh lớp 12A1, Trường Trung học phổ thông Trần Văn Giàu ở quận Bình Thạnh cho rằng, quan trọng hơn nữa là thí sinh phải biết năng lực mình ở đâu để chọn bài thi phù hợp. Việc quá áp lực với cách xét tốt nghiệp trong năm nay dễ khiến thí sinh đưa ra quyết định sai lầm.

“Các bạn thí sinh phải xác định được ngành mình học là ngành gì và ngành đó yêu cầu xét tuyển những môn nào, có phù hợp với khả năng cũng như năng lực và sở thích của bản thân hay không. Thực tế, bất kỳ sự lựa chọn nào dù là khoa học xã hội hay tự nhiên thì cũng có những mặt lợi và những khó khăn riêng đòi hỏi thí sinh phải chủ động học tập và rèn luyện thì mới có thể đạt được kết quả cao.”- Nguyễn Lê Ngọc Thảo chia sẻ.

Thay vì quay lưng với Khoa học xã hội, giờ đây nhiều thí sinh đã hào hứng lựa chọn bài thi này. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là tín hiệu tốt cần duy trì và các bên liên quan cần thêm hướng tác động để thay đổi từng bước cách chọn ngành nghề của học sinh phổ thông trong tương lai. Làm sao để sau một thời gian nữa, thí sinh chọn bài thi tổ hợp vì đam mê thực sự chứ không phải chỉ chọn để cảm thấy an toàn khi xét tốt nghiệp.

Theo Mỹ Dung

VOV