1

Tin Tức Các Báo

In

Thí sinh có 10 ngày để phúc khảo bài thi THPT quốc gia

Cập nhật 05/07/2017 - 04:18:41 PM (GMT+7)

Từ ngày 8 đến hết 17/7, các điểm thu hồ sơ đăng ký dự thi sẽ nhận đơn phúc khảo bài thi THPT quốc gia của thí sinh.

Theo quy chế thi THPT quốc gia 2017, mọi thí sinh đều có quyền phúc khảo bài thi. Thí sinh đăng ký dự thi ở đâu thì nộp đơn phúc khảo ở đó.

Từ ngày 8 đến hết 17/7, các điểm thu hồ sơ đăng ký sẽ nhận đơn phúc khảo của thí sinh. Trong 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, Hội đồng thi phải công bố và gửi kết quả phúc khảo cho thí sinh. Như vậy, chậm nhất ngày 2/8, thí sinh sẽ biết được kết quả phúc khảo bài làm của mình.

Phúc khảo bài tự luận: Chênh 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh điểm

Việc phúc khảo mỗi bài thi tự luận do 2 cán bộ chấm thi thực hiện và phải chấm bằng mực có màu khác với màu mực được dùng chấm trước đó trên bài làm của thí sinh. Kết quả chấm phúc khảo bài thi tự luận do Ban Thư ký Hội đồng thi xử lý.

Nếu kết quả chấm của hai cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì lấy kết quả đó làm điểm phúc khảo và giao bài thi cho hai cán bộ chấm phúc khảo ký xác nhận. Nếu kết quả chấm của hai cán bộ chấm phúc khảo có sự chênh lệch thì rút bài thi giao cho Trưởng ban Phúc khảo tổ chức cho cán bộ thứ ba chấm trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác. Kết quả chấm của 2 trong 3 cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm phúc khảo.

Nếu kết quả chấm của cả ba cán bộ chấm phúc khảo lệch nhau thì Trưởng ban Phúc khảo lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm tròn đến hai chữ số thập phân làm điểm phúc khảo rồi ký tên xác nhận.

Bài thi có điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 trở lên thì được điều chỉnh điểm. Trường hợp điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu từ 0,5 trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (có ghi biên bản). Nếu thấy có biểu hiện tiêu cực thì xử lý theo quy định.

Điểm chính thức của bài thi sau phúc khảo được Trưởng ban Phúc khảo trình Chủ tịch Hội đồng thi ký duyệt.

Những mốc quan trọng trong xét tuyển đại học. Đồ họa: Tạ Lư - Quỳnh Trang

Bài thi trắc nghiệm: Điểm chấm lại là điểm thi chính thức

Việc chấm lại bài thi trắc nghiệm được thí sinh đề nghị phúc khảo sẽ tiến hành theo các bước sau:

Khi có mặt đầy đủ thành viên của tổ chấm phúc khảo, bộ phận giám sát, tổ chấm phúc khảo sẽ mở niêm phong và rút bài phúc khảo. Bộ phận giám sát và thành viên tổ chấm phúc khảo đối chiếu từng câu trả lời đã tô trên phiếu trả lời trắc nghiệm với kết quả tệp đã quét lưu trong máy tính.

Nếu có sai lệch, tổ chấm phúc khảo phải in phiếu chấm (từ phần mềm chấm thi) trước và sau khi sửa để lưu làm hồ sơ. Cần xác định nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch.

Bài thi sau khi đối chiếu phải được niêm phong lại; bộ phận giám sát và thành viên tổ chấm phúc khảo cùng ký niêm phong; sau đó được lưu giữ theo quy định.

Kết thúc việc chấm phúc khảo, tổ chấm phúc khảo lập biên bản tổng kết, có chữ ký của tất cả thành viên và bộ phận giám sát. Khi điểm chấm lại chênh lệch so với điểm chấm lần trước thì điểm phúc khảo là điểm mới của bài thi.

Khi tiến hành các công việc liên quan đến phúc khảo phải có ít nhất từ hai người trở lên. Quan hệ giữa số báo danh với số phách được tuyệt đối giữ bí mật và không được ghép đầu phách.

Ngày 30/6, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, điểm thi THPT quốc gia và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học (điểm sàn) có thể được công bố sớm hơn kế hoạch ban đầu.

Theo lịch trình, ngày 7/7 là hạn cuối các Sở Giáo dục công bố điểm thi. Tuy nhiên, địa phương nào chấm xong sớm, có thể gửi kết quả lên Bộ để đối sánh. Khi đã chuẩn, địa phương công bố trước, không phải đợi đến ngày 7/7.

Dự kiến, hội đồng điểm sàn sẽ họp vào ngày 11-12/7 và công bố điểm sàn, phổ điểm ngay sau đó.

Từ ngày 15/7, thí sinh cả nước có thể bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học. Kết quả trúng tuyển đại học, cao đẳng sư phạm đợt 1 sẽ được các trường công bố trước 17h ngày 1/8.

(Theo VnExpress)