1

Tin Tức Các Báo

In

5 cách giúp giảm căng thẳng khi vào đại học

Cập nhật 26/09/2016 - 02:17:14 PM (GMT+7)

Bắt đầu năm học mới thường mang lại cảm giác hứng khởi lẫn lo lắng cho sinh viên. Rất nhiều thứ phải làm, từ dọn nhà đến ăn uống, sách vở... Những việc này khiến ngay cả những người lạc quan nhất cũng dễ bị stress.

5 cách giúp giảm căng thẳng khi vào đại học - ảnh 1

Sinh viên thường bị lo âu, căng thẳng khi vào năm học mới

Căng thẳng xuất hiện trong thời gian này là điều bình thường. Những lời khuyên dưới đây có thể giúp sinh viên đập tan những cảm giác tiêu cực vào đầu năm học.
1. Hãy làm những thứ khó trước
Tâm lý con người thường tránh né những việc khó khăn, những thứ làm bản thân cảm thấy khó chịu. Thế nhưng, có những việc lại rất cần thiết.
Nếu các bạn sinh viên không giải quyết những việc cần thiết thì áp lực từ những việc này cứ kéo dai dẳng, gây không ít căng thẳng. Do đó, hãy bắt tay làm những việc đó ngay. Cảm giác nhẹ nhõm sau khi hoàn thành sẽ giúp bạn tập trung vào những thứ dễ chịu hơn, theo The Independent.
2. Hãy cẩn thận khi so sánh mình với người khác
Là loài sống quần tụ theo tổ chức xã hội, con người luôn có bản tính hay so sánh, mục đích là để tìm ra thứ tốt nhất cho mình. Một sinh viên đại học sẽ thường xuyên thấy nhiều bạn học xinh đẹp, tài giỏi, thông minh, có điều kiện tài chính tốt hơn mình.
Thay vì suy nghĩ theo hướng khiến mình cảm thấy khó chịu, các bạn trẻ nên tìm cách đạt được những gì là cần thiết và tốt nhất cho bản thân vào lúc này.
3. Kiểm soát căng thẳng
Trạng thái lo âu, căng thăng sẽ kích thích các loại hoóc môn gây hại cho cơ thể. Do đó, các bạn trẻ không cần cảm thấy quá áp lực, vì những gì bạn gặp ở thời sinh viên là cần thiết cho cuộc sống trưởng thành sau này.
Hãy thư giãn bằng cách chạy bộ, đi dạo ở nơi thoáng mát, nghe nhạc và nhẩm hát theo lời.
4. Suy nghĩ tìm ra giải pháp
Khi các mối quan hệ hay cuộc sống gặp vấn đề, chúng ta hay suy nghĩ theo hướng rất tiêu cực, tưởng tượng ra những kịch bản xấu nhất.
Thay vì vậy, hãy bình tĩnh và từ từ tìm giải pháp. Xem xét vấn đề chúng ta đang gặp là gì, có thể giải quyết theo hướng nào và ai có thể giúp được.
5. Chăm sóc sức khỏe
Cần ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc và nhất là không nên uống rượu bia. Cần phải thường xuyên kiểm tra lịch trình, thời khóa biểu để tránh bị căng thẳng về thời gian.

 (Theo TNO)