1

Tin Tức Các Báo

In

Thí sinh đã không còn vào ĐH bằng mọi giá

Cập nhật 30/08/2016 - 09:16:00 AM (GMT+7)

Đây là nhận định của NGND, PGS. TS. Lương Công Nhớ - Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải Việt Nam - khi trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại về tình hình công tác xét tuyển ĐH, CĐ năm nay.

- Hiệu trưởng một trường đại học danh tiếng khi chia sẻ về công tác xét tuyển của trường mình năm nay đã thốt lên: “Thí sinh chạy đi đâu”? Rất mong được nghe quan điểm, kiến giải của ông?

Câu hỏi rất thực tiễn. Tôi nghĩ, bây giờ các trường cần biết rằng: Phụ huynh, thí sinh đã thông thái rồi, người ta không học đại học bằng mọi giá, học đại học bằng sĩ diện, học đại học cho oai nữa…

Học ĐH bây giờ là sự đầu tư, học ở đâu cơ hội việc làm cao, ra trường lương bổng khá mới học, nếu không đi làm ngay hiệu quả hơn. Như vây với xã hội là ổn đấy chứ!

Các trường cần xem lại chỉ tiêu xem có thật hợp lý chưa nếu không năm nào cũng không tuyển đủ. Chỉ tiêu cần phải căn cứ nhu cầu xã hội (ở đây, nhu cầu người học cũng là nhu cầu xã hội). Hiện nay, căn cứ theo khả năng của các trường xác định chỉ tiêu mới là điều kiện cần chưa phải điều kiện đủ.

NGND. PGS. TS Lương Công Nhớ 

- Có ý kiến quan ngại việc trường đại học hạ điểm chuẩn, trong đó có cả trường top trên. Ông suy nghĩ như thế nào về điều này?

Việc hạ điểm chuẩn, tôi cho là cũng bình thường, vì các trường dự đoán sai thì phải sửa sai; còn thí sinh cũng như vậy - dự kiến không đúng. Vấn đề ở đây là chúng ta cần sòng phẳng với “luật chơi”, không phải cái gì cũng hoàn hảo cả. Thí sinh và nhà trường cũng phải tư duy mở. Việc qui định cho hạ điểm chuẩn là tạo điều kiện cho các trường và cả thí sinh nữa, vì vậy nên tiếp tục duy trì.

- Thế còn chuyện thí sinh “ảo” thì sao thưa ông?

Về thí sinh ảo, theo tôi, chấp nhận khó khăn về phía người quản lý là các trường; khi chúng ta muốn tạo điều kiện cho thí sinh thì việc các trường gặp khó khăn là không tránh khỏi. Hội đồng tuyển sinh trường cần phân tích tất cả các khía cạnh của vấn đề để có quyết sách tuyển đủ.

Tôi muốn nhấn mạnh lại: Khi chúng ta nói dành thuận lợi cho người học có nghĩa ta chấp nhận “cuộc chơi” vì chính sách kiến tạo, vì dân của Chính phủ.

- Chỉ còn thời gian rất ngắn nữa là kết thúc đợt 2 xét tuyển ĐH, CĐ. Ông nhận định như thế nào về bức tranh xét tuyển năm nay ở Trường ĐH Hàng hải cũng như các ĐH, CĐ khác?

Kỳ thi, tuyển sinh năm nay về cơ bản thành công tốt đẹp. Riêng tại Trường ĐH Hàng hải Việt Nam, công tác xét tuyển rất “ổn”, khắc phục cơ bản những nhược điểm của kỳ tuyển 2015.

Đợt 1 chúng tôi đã nhận được 3.514 thí sinh đăng ký nhập trường trên 3.515 chỉ tiêu (danh sách xét trúng tuyển là 125% tổng chỉ tiêu).

Vấn đề quan trọng là trong nhiều năm qua chúng tôi đã nâng cao chất lượng đào tạo, công tác truyền thông về giá trị thật của chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm nên chúng tôi cũng nhận được giá trị “thật” trong tuyển sinh.

Với các trường thiếu chỉ tiêu, tôi cho rằng, điều này cũng cần xem xét toàn diện các khía cạnh: Chỉ tiêu nhiều (nhiều năm tuyển khó khăn thì năm nay phải giảm chỉ tiêu xuống nếu không năm nào cũng không đủ), truyền thông về trường, thậm chí lòng tin của người học, xã hội, học phí quá cao…

Những vấn đề phát sinh trong kỹ thuật xét tuyển ảnh hưởng không nhiều đến kết quả tuyển sinh.

Có thể nói đến một số nguyên nhân chính của việc không tuyển đủ chỉ tiêu của các trường là: Khó xin việc làm sau tốt nghiệp; học phí và chi phí sinh hoạt; tư tưởng học đại học bằng mọi giá đã thay đổi trong xã hội…

- Ông có lời khuyên gì cho thí sinh trong đợt xét tuyển này cũng như ở các đợt xét tuyển tiếp theo?

Hiện nay, nhiều trường đang mở rộng cánh cửa mời gọi thí sinh! Các em cần cân nhắc thật kỹ, nên học ngành gì phù hợp khả năng và sở thích, có cơ hội việc làm.

- Xin cảm ơn ông!

Hiếu Nguyễn