1

Tin Tức Các Báo

In

Cẩn trọng với những trường “tốp” có ngưỡng điểm đầu vào thấp

Cập nhật 04/08/2016 - 09:47:20 AM (GMT+7)

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng, Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT cho biết: Để có cơ hội trúng tuyển cao vào các trường đại học, thí sinh cần căn cứ vào số điểm của mình (theo tổ hợp xét tuyển), nguyện vọng vào các trường và nên tham khảo điểm chuẩn các ngành những năm trước để cân nhắc một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định bặt bút vào phiếu phiếu đăng ký xét tuyển.

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng, Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT, những điểm quan trọng thí sinh cần lưu ý đó là phải căn cứ vào những ngành nào yêu thích của thí sinh, sau đó căn cứ vào kết quả thi, so sánh điểm trúng tuyển của các ngành đó với năm trước rồi quyết định làm sao cho phù hợp nhất.

Đối với các trường tốp trên có thông báo mức điểm nhận hồ sơ thấp như bằng sàn hoặc trên sàn một chút, thí sinh cần “tỉnh táo” cân nhắc không trượt “oan” vì điểm chuẩn vào trường bao giờ cũng cách xa điểm nhận hồ sơ ban đầu vài điểm. Mức điểm chuẩn hàng năm của các trường thường dao động rất ít.

Cụ thể, theo thông báo của Học viện Ngoại giao, ngoài các điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT, trường yêu cầu thí sinh có tổng điểm 3 môn thi theo tổ hợp môn xét tuyển và điểm ưu tiên khu vực và đối tượng đạt từ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định trở lên. Tuy nhiên, thí sinh cần hết sức lưu ý, điểm chuẩn năm 2015 của Học viện Ngoại giao có mức điểm từ 20 – 24,5 điểm tùy từng ngành.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho biết, sẽ nhận hồ sơ những thí sinh tốt nghiệp THPT, có hạnh kiểm đạt loại khá trở lên, tổng 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (tính cả điểm ưu tiên) là 16. Trong khi đó, năm 2015, điểm chuẩn trường ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ có 2 ngành là 16 điểm, các ngành còn lại đều tăng cao, có ngành lên tới 27 điểm.

Trường xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu dựa theo tổng kết quả thi 3 môn, nên thí sinh cần nghiên cứu kỹ.

Theo công bố của Trường Đại học Hà Nội, thí sinh có tổng điểm 3 môn thi của kỳ thi THPT quốc gia đạt 15 điểm trở lên mới được nộp hồ sơ vào trường trong kỳ tuyển sinh năm nay. Thí sinh cần hết sức lưu ý về mức điểm này vì năm 2015, điểm trúng tuyển dao động vào trường từ 21,25 điểm đến 33 điểm (môn tiếng Anh nhân hệ số). Nguyên tắc xét tuyển: Từ cao xuống thấp, xét nhiều đợt cho hết chỉ tiêu của từng ngành.

Theo thông báo của Trường ĐH Thương Mại, đơn vị này chỉ nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh có tổng điểm 3 môn thi thuộc 1 trong các tổ hợp đăng ký xét tuyển đã công bố, gồm cả điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng cao hơn tối thiểu 2,0 điểm so với ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định và không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 (một) điểm trở xuống. Trong khi đó, điểm chuẩn năm 2015 dao động trường ĐH Thương mại đã chính thức công bố điểm chuẩn 2015 dao động từ 19,5 điểm đến 22,75 điểm.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân, điều kiện tuyển chọn, ngoài các quy định của Bộ GD&ĐT, trường yêu cầu thí sinh có tổng điểm 3 môn thi trong các tổ hợp đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và điểm ưu tiên (nếu có) cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT ít nhất 2,0 (hai) điểm (17 điểm); không có môn thi trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 (một) điểm trở xuống. Trong khi đó, năm 2015, ngành có điểm chuẩn thấp nhất là kinh tế nông nghiệp cũng đã ở mức 21,75 điểm và điểm chuẩn tạm thời ngành cao điểm nhất là kế toán: 25,75. Năm nay, nhà trường dự kiến năm nay điểm chuẩn các ngành sẽ giảm từ 0,5 – 1 điểm.

Mặc dù, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở đào tạo Hà Nội, điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển cho tất cả các ngành đào tạo là 17; tại cơ sở đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, điểm sàn nhận hồ sơ cho tất cả các ngành đào tạo là 15. Nhưng, thí sinh hết sức lưu ý, điểm chuẩn năm 2015 vào trường đối với cơ sở phía Bắc ngành thấp nhất là 21 vào cao nhất là 23,75 điểm; cơ sở phía Nam ngành thấp nhất là 19,25 và cao nhất là 21.

Không được thay đổi nguyện vọng nên thận trọng

Qua 3 ngày nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, mặc dù với nhiều cách nộp hồ sơ đăng ký nhưng nhiều thí sinh vẫn chọn cách đăng ký trực tiếp với trường, không kể đường xá xa xôi bởi như vậy mới yên tâm và hỏi được nhiều thông tin.

Như ngày đầu nhận hồ sơ đăng ký, tại trường ĐH Kinh tế quốc dân mặc dù khá đông thí sinh đến trường hỏi thủ tục đăng ký dự thi nhưng một nửa số đó chưa nộp vội mà tiếp tục nghiên cứu. Thậm chí có thí sinh vẫn ghi phiếu đăng ký thi, điền đầy đủ thông tin mã ngành và các nguyện vọng nhưng chỉ để cho gửi cho các cán bộ đào tạo ở trường ĐH xem xét, đối chiếu xem có sai sót gì trước khi nộp phiếu đăng ký xét tuyển chính thức.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng do thời gian đăng ký nộp hồ sơ xét tuyển kéo dài đến 17 giờ ngày 12/8, tâm lý chung là thí sinh vẫn còn mang tâm lý chắc chắn nên đến tận trường.

Theo ông Điền, việc nhiều thí sinh còn cân nhắc chưa đưa ra quyết định cuối cùng cũng là điều dễ hiểu vì theo quy định đợt xét tuyển đầu tiên, mỗi thí sinh không được đăng ký quá 2 trường, mỗi trường không quá 2 nguyện vọng và không được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký.

Do vậy, các thí sinh là cần lưu ý kỹ cách thức đăng ký xét tuyển và những điểm mới trong xét tuyển nguyện vọng, đặc biệt năm nay, các em chỉ được cấp một phiếu xác nhận kết quả thi nên phải thật cẩn thận khi đăng ký xét tuyển sát với điểm thi của mình.

Ngoài ra, sau khi các trường công bố điểm trúng tuyển, thí sinh đã trúng tuyển phải nộp phiếu xác nhận kết quả thi đúng thời hạn, không chấp nhận bản photocopy để khẳng định mình sẽ theo học trường đó.

(Theo Báo Dân Trí)