1

Tin Tức Các Báo

In

Những tác động quan trọng từ kỳ thi đổi mới

Cập nhật 02/11/2015 - 08:05:40 AM (GMT+7)

GD&TĐ - Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD&ĐT Long An đã tổng kết và đánh giá rất chi tiết về kỳ thi THPT quốc gia 2015; để từ đó đề xuất và đưa giải pháp tổ chức hiệu quả hơn nữa kỳ thi THPT quốc gia năm 2016

Kỳ thi cho thấy rõ những chuyển biến về nhận thức

Thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2015 là kỳ thi đầu tiên vừa lấy kết quả công nhận tốt nghiệp THPT đồng thời xét tuyển vào cao đẳng, đại học.

Kỳ thi được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự hỗ trợ của các ngành, các đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trong việc góp ý xây dựng quy chế thi, chỉ đạo, tham gia tổ chức kỳ thi, hỗ trợ và tiếp sức cho thí sinh…

Về cơ bản kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đáp ứng các yêu cầu đặt ra; giảm nhẹ áp lực cho xã hội, học sinh, phụ huynh học sinh; giảm áp lực về giao thông, học sinh không phải đi thi xa và thi nhiều lần.

Cả nước có 38 cụm thi đại học, 61 cụm thi tại địa phương, việc phân cụm thi đại học và cụm thi tỉnh cũng góp phần phân luồng học sinh - có trên 28% học sinh dự thi ở địa phương, không đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Qua đó cho thấy có sự chuyển biến trong nhận thức của xã hội: Không nhất thiết sau khi tốt nghiệp THPT đều phải vào học ĐH.

 

Trên phạm vi cả nước, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT là 93,42%, giáo dục thường xuyên (GDTX) đỗ 70,08%, tính chung 91,58%. 

Mặc dù có thấp hơn năm trước song kết quả phản ánh là chính xác, qua thống kê ở các cụm thi cũng đã cho thấy kết quả thi ở các cụm địa phương thấp hơn cụm đại học, kết quả GDTX thấp hơn THPT điều đó thể hiện tính thực chất của kỳ thi đồng thời cho thấy tính nghiêm túc trong thi cử. 

Từ kết quả này sẽ tác động trở lại đối với việc dạy và học trong các nhà trường để những năm học sau kết quả sẽ tốt hơn.

Về góc độ chuyên môn, đề thi sát trình độ học sinh, coi trọng việc đánh giá phẩm chất, năng lực người học, giảm đánh giá kiến thức. 

Đối với các môn khoa học xã hội, học sinh được trình bày chính kiến và suy nghĩ của mình, việc đánh giá dựa trên cơ sở tính lôgic của vấn đề các em nêu ra. 

Từ đó khuyến khích, động viên người học, giảm được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, giảm được việc vi phạm quy chế do mang tài liệu vào phòng thi.

Nhìn chung, kỳ thi được chuẩn bị chu đáo, các nội dung liên quan đến kỳ thi được triển khai, quán triệt sâu kỹ trong nội bộ ngành. Thông qua các phương tiện thông tin đã làm cho đa số người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc đổi mới kỳ thi. 

Các địa phương thành lập Ban chỉ đạo thi thống nhất với sự tham gia của các Sở, Ngành liên quan và có sự chỉ đạo tích cực để đảm bảo các khâu phục vụ tốt kỳ thi.

Về việc sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh ĐH, CĐ: hầu hết các trường lấy kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh vào ĐH, CĐ chỉ một ít trường sử dụng điểm học bạ để xét tuyển.

Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng điểm vào ĐH là 15 điểm, vào CĐ là 12 điểm (chiếm 150% số sinh viên được tuyển - có số dư để các trường dễ tuyển). Trong đợt tuyển đầu tiên đã có đến 73% thí sinh trúng tuyển trong tổng số thí sinh đăng ký (những thí sinh đạt điểm cao hầu hết đã trúng tuyển).

Một số trường ngoài công lập có uy tín cũng đã tuyển được nhiều học sinh có điểm cao như ĐH Thăng Long, ĐH Hoa Sen; nhiều trường đạt 100% chỉ tiêu trong đợt , đảm bảo sự cạnh tranh chất lượng giữa các trường.

Kết quả thi phản ánh rõ nét tính nghiêm túc, kết quả thực chất

Đánh giá chung về công tác tổ chức kỳ thi của Long An, theo Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD&ĐT Long An, công tác chuẩn bị thi được thực hiện chu đáo.

Học sinh toàn tỉnh tham dự ở 5 cụm thi: 4 cụm liên tỉnh gồmTrường ĐH Đồng Tháp, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng và 1 cụm thi tại tỉnh;

 

 

Tại Long An, số thí sinh đỗ tốt nghiệp à 12.588 em, tỉ lệ 88,44% kể cả thí sinh tự do (hoặc 89,17% nếu không tính thí sinh tự do); trong đó, hệ THPT đỗ 92,54%, GDTX đỗ 59,11%.

Hiệu quả đào tạo toàn tỉnh đạt: 76,15%; trong đó THPT công lập đạt 81,74%, tư thục 80,81%; GDTX đạt 38,10%.

Kết quả thi tại các cụm: Tại cụm Trường ĐH Đồng Tháp đỗ TN THPT: 91,92%; Trường ĐH Sài Gòn: 93,8%; Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: 95,25%; Trường ĐH Tôn Đức Thắng: 96,30%; cụm thi Sở GD&ĐT Long An: 61,70%.

Tại cụm thi tỉnh được phân thành 14 điểm thi đặt tại các trường THPT trung tâm của 14 huyện, thị xã, thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh.

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tổ chức quán triệt cho toàn thể giáo viên, nhân viên; học sinh nắm rõ những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Các trường tổ chức dạy học phân hóa theo trình độ học sinh. Xây dựng nhóm học sinh khá, trung bình, yếu kém thành lớp riêng, quan tâm nhóm yếu kém tăng cường giáo viên có kinh nghiệm để quản lý.

Với môn ngoại ngữ, nhiều trường điều kiện dạy và học còn nhiều khó khăn, Sở GD&ĐT đã quyết định cho học sinh được chọn môn thi thay thế.

Đối với việc ôn tập cho học sinh, Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo các trường tăng cường giảng dạy lớp 12 và ôn tập chuẩn bị thi THPT quốc gia.

Đồng thời, chuẩn bị các phương án về nhân sự Hội đồng thi, rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ Hội đồng thi đặt tại Sở và 14 điểm thi. Kết hợp với Đài truyền hình Long An, Báo Long An có các hình thức tuyên truyền cho công tác thi.

Sở GD&ĐT có Tờ trình xin UBND tỉnh cho sử dụng kinh phí thi THPT của năm 2015 để hỗ trợ một phần chi phí cho những học sinh lớp 12 năm học 2014-2015 thuộc diện hộ nghèo với số tiền 170 triệu đồng. Các đoàn thể ở địa phương, Hội khuyến học, Ban đại diện cha mẹ học sinh, các tổ chức, cá nhân đã giúp đỡ cho các em gặp khó khăn được 438 triệu đồng.

Cùng với đó, phối hợp với Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, các Sở, Ngành tỉnh cử lãnh đạo, công chức đơn vị tham gia Ban chỉ đạo thi; lập tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và quyết định thành lập Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2015 của tỉnh, quyết định phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo.

So với năm học 2013-2014 cũng như so với tỉ lệ chung cả nước, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp và hiệu quả đào tạo có thấp hơn. Nguyên nhân là do kỳ thi hướng đến 2 mục đích vừa công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH, CĐ nên đề thi năm nay khó hơn đề TN THPT các năm trước, nhất là môn Toán và Tiếng Anh nhiều học sinh đạt điểm thấp.

Kết quả kỳ thi cho thấy tỉ lệ TN THPT cụm thi tỉnh thấp hơn cụm đại học, hệ GDTX thấp hơn GDPT đã thể hiện tính nghiêm túc của cụm thi tại tỉnh.

Những mặt hạn chế trong tổ chức kỳ thi tại tỉnh cũng được nghiêm túc nhìn nhận. Theo đó, việc tư vấn cho học sinh chọn môn thi đặc biệt hệ GDTX gặp khó khăn do đa số học sinh đều đạt mức trung bình các môn.

Công tác triển khai, tuyên truyền của một số trường về kỳ thi còn hạn chế, việc hướng dẫn cho học sinh đăng ký dự thi tại các trường học, các trung tâm chưa chặt chẽ dẫn đến thông tin cá nhân trong hồ sơ đăng ký của thí sinh còn sai nhiều.

Thông tin tuyên truyền về kỳ thi trên các phương tiện thông tin còn ít, còn nhiều phụ huynh học sinh và nhân dân chưa hiểu về kỳ thi…

Tuy nhiên, đánh giá chung, kỳ thi được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, sự tham gia của các ngành trong việc xây dựng kế hoạch, phương án thi, trong tổ chức thi, hỗ trợ học sinh và sự chuẩn bị tích cực của các đơn vị cơ sở trường học; trong đó có vai trò rất lớn của các Đoàn thể, Hội Khuyến học, các tổ chức, cá nhân và Ban đại diện cha mẹ học sinh. Do có sự chuẩn bị tốt ở các khâu nên kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy chế.

Qua kết quả thi đã phản ánh rõ nét công tác tổ chức tại tỉnh đảm bảo nghiêm túc, kết quả thực chất.

Sớm đưa giải pháp để thực hiện tốt kỳ thi năm 2016

Từ tổng kết, đánh giá kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2015, Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD&ĐT Long An đưa ra giải pháp cho năm 2016, cụ thể:

Ngành GD&ĐT tiếp tục làm tham mưu tốt cho lãnh đạo Tỉnh trong công tác chỉ đạo kỳ thi, phối hợp tốt với trường ĐH được phân công phối hợp tổ chức thi, phối hợp với các Sở, ngành tỉnh, lãnh đạo các huyện, các đoàn thể ... để có sự tham gia trong công tác thi cũng như hỗ trợ, tiếp sức cho học sinh.

Quán triệt thật tốt trong nội bộ ngành, đồng thời kết hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để mọi người nắm bắt và hiểu rõ về mục đích ý nghĩa kỳ thi, từ đó có sự tham gia tốt hơn của toàn xã hội.

Tiếp tục tập huấn, triển khai Quy chế thi, hướng dẫn các cơ sở trường học ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi mà cụ thể là phần mềm quản lý thi để thực hiện tốt các khâu của kỳ thi.

Năm 2016 sẽ đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào đầu tháng 6 để được thuận lợi hơn cho học sinh và nhà trường.

Căn cứ và tình hình thực tế về điều kiện đi lại của học sinh, sẽ đề nghị Bộ GD&ĐT bố trí cho thí sinh của Long An dự thi ở 3 cụm: 1 cụm tại tỉnh; 1 cụm tại Đồng Tháp; 1 cụm tại TP.HCM.

Chỉ đạo các trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách ra đề thi, đánh giá học sinh theo hướng tiếp cận với cách đổi mới đề thi THPT quốc gia. Do hệ GDTX thi chung đề với THPT nên cần đặc biệt quan tâm đối với học sinh GDTX nhằm giúp các em đạt được kết quả cao trong học tập và thi cử.

 

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

 

Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm từ kỳ thi 2015 được Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD&ĐT Long An đưa ra cụ thể như sau:

 

Việc chuẩn bị hồ sơ thi nhìn chung còn lúng túng, sai sót, các trường khối Công an, Quân sự phải nhận hồ sơ nhiều đợt, kéo dài. Việc sử dụng công nghệ thông tin trong đăng ký dự thi và công bố kết quả chưa đạt yêu cầu, chưa lường trước tình trạng nghẽn mạng.

 

Thời gian nộp hồ sơ đợt 1 là 20 ngày; học sinh được chọn 4 nguyện vọng trong một trường đại học; nhiều trường ĐH tốp trên nhận hồ sơ học sinh điểm thấp (không thực tế) dẫn đến việc học sinh phải rút hồ sơ, nộp hồ sơ nhiều lần gây phiền hà, tốn kém, vất vả cho học sinh và gia đình các em. Bộ GD&ĐT đã kịp thời rút kinh nghiệm, chỉ đạo giảm thời gian đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ các đợt bổ sung còn 10 ngày/đợt.

 

Do tâm lý, nhiều học sinh không tin tưởng nộp hồ sơ qua đường bưu điện, qua mạng mà đến nộp trực tiếp tại trường nên cũng gặp nhiều khó khăn.

 

Công tác thông tin của báo chí hầu hết đều nói nhiều về những khó khăn của thí sinh trong việc nộp hồ sơ xét tuyển, ít tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh và phụ huynh.

Hiếu Nguyễn