Tin Nghiên Cứu Khoa Học
InGiải thưởng Mùa hè nước 2015 đã có chủ
Cập nhật 08/09/2015 - 06:42:04 PM (GMT+7)“Thú vị”, “ý nghĩa” là cảm nhận chung của nhiều khán giả tham gia vòng chung kết cuộc thi sáng tạo ý tưởng “Mùa hè nước 2015”.
Đội Magic Book với dự án “Xây dựng bến nghỉ với hệ thống chưng cất nước biển và dự trữ nước mưa” trả lời chất vấn từ ban giám khảo
Cuộc thi do Trung ương Hội Sinh viên VN, Cục Quản lý tài nguyên nước Bộ Tài nguyên - môi trường, nhãn hàng Comfort một lần xả và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức với sự tranh tài của 10 đội có những dự án xuất sắc nhất, được tuyển chọn từ 475 dự án gửi về trang web: www.1tym3nuoc.vn
Tâm huyết với lợi ích cộng đồng
Là thí sinh trình bày đầu tiên, bạn Phan Duy Cường (đến từ Trường CĐ Sư phạm Gia Lai và đại diện đội Nước Giọt) không giấu được sự hồi hộp khi trình bày dự án “Xây dựng hệ thống xử lý nước uống từ nguồn “nước giọt” cho 586 đồng bào Gia Rai sống ở xã Chư Á, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai”.
Tuy nhiên trong phần chất vấn của ban giám khảo, Cường đã thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi giải thích một cách rành mạch, chi tiết về việc xây dựng hệ thống bể lọc chậm mô phỏng quá trình lọc nước thiên nhiên nhằm giảm lượng vi sinh vật trong nước, nâng cao chất lượng nước về chỉ tiêu vi khuẩn.
“Trong đợt tình nguyện Mùa hè xanh năm 2014, nhóm chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh người đồng bào dân tộc uống trực tiếp từ một số nguồn nước mà chắc chắn nhiều người trong chúng ta thậm chí không dám dùng để tắm. Nhìn cảnh đó chúng tôi thấy thương và xót xa quá”, Cường chia sẻ về việc cùng các thành viên khác dồn sức thực hiện dự án trên suốt mấy tháng trời. Mọi khâu chuẩn bị đã xong, Cường cho biết chỉ cần có kinh phí hỗ trợ là đội sẽ bắt tay thực hiện dự án ngay.
Chọn đối tượng tiếp cận chính là học sinh tiểu học nên đội Sóng Nước (gồm ba bạn Nguyễn Thanh Hậu - ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, Nguyễn Thị Thu Hiền - ĐH Sư phạm Đà Nẵng, Lê Phước Lân - ĐH FPT Đà Nẵng) lấy tên “Hiệp sĩ nước sạch” cho dự án giáo dục, tuyên truyền của mình.
Đây là một trong những dự án gây ấn tượng với ban giám khảo từ vòng loại bởi được trình bày rất chi tiết, thuyết phục. Dự án gồm bốn hoạt động chính: tổ chức dạy học về chủ đề nước đến các trường tiểu học, phát các ấn phẩm truyền thông, tổ chức triển lãm tranh, hoạt động trải nghiệm thực tế.
Trong khi đó, bạn Nguyễn Hữu Long (ĐH Khoa học Huế) là đội duy nhất chỉ có một thành viên, vẫn thể hiện sự bản lĩnh khi thuyết phục ban giám khảo bằng thái độ cầu thị và vốn kiến thức chuyên môn rất vững vàng với dự án “Mang SODIS đến vùng cao”. Dự án trên của Long được chuẩn bị từ tháng 1-2015 và tập trung vào phương pháp khử trùng vi sinh vật trong nước bằng ánh sáng mặt trời (SODIS).
“Tôi nghĩ mình sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc truyền tải thông tin chi tiết đến người dân vì phần nhiều trong số họ chưa tiếp cận nên chưa tin tưởng phương pháp SODIS. Nhưng tôi tin nhiệt huyết của tuổi trẻ thì khó khăn nào cũng được giải quyết”, Hữu Long khẳng định.
Giành được điểm số cao nhất từ ban giám khảo ở vòng ngoài (9/10 điểm), dự án “Xây dựng bến nghỉ với hệ thống chưng cất nước biển và dự trữ nước mưa” của đội Magic Book gồm Lê Thị Mai Trinh (ĐH Ngoại thương Hà Nội) và Đoàn Duy Kiên (ĐH Bách khoa Hà Nội) tiếp tục giữ vững “phong độ” với phần trình bày và trả lời chất vấn mạch lạc, tự tin.
Với ý tưởng từ nguyên tắc chưng cất nước biển thành nước ngọt và thu trữ nước mưa, hai bạn đã thiết kế một bến nghỉ kết hợp hệ thống chưng cất và thu trữ nước mưa phục vụ nước uống cho người dân huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh).
“Công trình sẽ là một hình thức tuyên truyền giáo dục trực quan về tiết kiệm nước”, thông điệp trên của nhóm thể hiện rất rõ trong phần thuyết trình, trả lời câu hỏi từ ban giám khảo. “Năm sau chúng tôi lại tiếp tục thi với những ý tưởng thú vị, thiết thực hơn. Chuyện thắng hay thua không quan trọng bằng việc người trẻ có sống trách nhiệm và cống hiến hết mình cho lợi ích cộng đồng hay không” - Magic Book chia sẻ.
Dự án thực hiện ngay trong Mùa hè xanh 2015
Nói về lý do đồng hành cùng chương trình, ông Nguyễn Minh Khuyến (phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên - môi trường) cho biết: “Đây là chương trình rất ý nghĩa với người dân nói chung và với các bạn sinh viên nói riêng.
Ngoài ra, chủ trương của Bộ Tài nguyên - môi trường là tăng cường tuyên truyền tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước và điều này phù hợp với những tiêu chí của cuộc thi”. Là một trong những người “cầm cân nảy mực” cho đêm chung kết, ông Khuyến nhận xét tính sáng tạo, rất nhiệt huyết và có trách nhiệm với cộng đồng là những “điểm cộng” chung dễ nhận thấy ở các đội.
Bà Phan Thị Nguyên Thảo (phó chủ tịch phụ trách ngành hàng chăm sóc gia đình, Unilever VN) mong muốn cuộc thi sẽ góp phần lan tỏa thông điệp “Hành động nhỏ - thay đổi lớn” để đem lại những tác động tích cực cho cộng đồng nói chung, khuyến khích người dân có ý thức hơn về việc tiết kiệm, sử dụng nước sạch.
Anh Lê Quốc Phong, bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Hội Sinh viên VN, cho biết: “Thông qua những hoạt động tình nguyện, chúng tôi có điều kiện đến nhiều vùng đất khác nhau của Tổ quốc và hiểu được tình trạng khan hiếm nước hiện đáng báo động. Vì thế chúng tôi mong muốn chung tay với những dự án trên để lan tỏa thông điệp, kiến thức về tiết kiệm nước càng xa càng tốt đến người dân cả nước”.
Sáu dự án đã giành được chiến thắng thuyết phục: “Xây dựng bến nghỉ với hệ thống chưng cất nước biển và dự trữ nước mưa”, “Mang SODIS đến với vùng cao”, “Hiệp sĩ nước sạch”, “Xây dựng hệ thống xử lý nước uống từ nguồn “nước giọt” cho 586 đồng bào Gia Rai sống ở xã Chư Á, tỉnh Gia Lai”, “Cù lao Xanh - xây dựng và phát triển cộng đồng tích cực bảo vệ môi trường tại xã đảo Cù Lao Chàm”, “Mô hình lọc nước, cải tiến sử dụng ánh sáng mặt trời”. Ngoài việc nhận được các hỗ trợ về chuyên môn lẫn “gói” tài trợ (50 triệu đồng/dự án), sáu dự án thắng cuộc ở “Mùa hè nước 2015” sẽ được tạo điều kiện để đồng hành cùng chương trình Mùa hè xanh 2015. |
(Theo Báo Tuổi Trẻ)