Truyền Thống
InKỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9: Điểm sáng từ những điển hình thanh niên sống đẹp
Cập nhật 07/09/2009 - 06:50:55 PM (GMT+7)Những điển hình sống đẹp
Một ngày nọ, ngay sau giờ tập, một học viên nam lớp Judo ngại ngùng tìm đến HLV và đề xuất nguyện vọng được… sờ tay lên mặt cô để biết dung nhan người HLV thân thiết bấy lâu của mình. Bất ngờ thoáng qua, người HLV chấp thuận. Đó là một trong những câu chuyện khó quên của Trần Mai Thúy Hồng - HLV gần 5 năm đứng lớp luyện Judo cho người khiếm thị ở Hội Người mù TPHCM. Không chỉ huấn luyện võ thuật, Hồng còn là săn sóc viên kiêm “chuyên viên tư vấn tâm lý” cho các VĐV khiếm thị. Tại các hội thi, mọi người luôn thấy cô chạy tới lui, chăm lo từng ly nước, từng chiếc khăn lau mặt cho các em. Hồng đến với công việc này xuất phát từ một suy nghĩ thật giản dị: “Con đường đến với Judo cũng là con đường để những mảnh đời bất hạnh hòa nhập vào xã hội”. Nhiều người gọi lớp học Judo của Hồng là nơi ươm mầm ước mơ của những bạn trẻ khuyết tật.
Út Lượm là cái tên thân thương được những cụ già neo đơn tại mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh) đặt cho cô gái Nguyễn Thị Mỹ Loan (26 tuổi) từ nhiều năm nay. Có công ăn việc làm ổn định, tự nhiên Loan “giở chứng” - xin phép gia đình vào… chùa ở để trông nom các cụ già neo đơn, mất trí nhớ. Nói là làm, Loan đã có hơn 5 năm làm con cháu, làm bầu bạn với những cụ già bất hạnh này. Mấy năm ở chùa, Loan cần mẫn chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ cho các cụ, “đau” cùng các cụ già bị con cháu bỏ rơi, ở bên cạnh các cụ khi đau ốm… Công việc vất vả và mất rất nhiều thời gian nhưng Loan vẫn cố gắng đến trường để học ngành điều dưỡng, bởi theo Loan: “Học để biết cách chăm sóc các cụ tốt hơn, chu đáo hơn”. Mấy ai biết, nhiều cái tết rồi, Loan không về nhà với cha mẹ mà ở lại chia sẻ buồn vui với các cụ già neo đơn ở mái ấm…
Từng đi bán mắt kính dạo, lang thang bán thiệp trên vỉa hè để kiếm sống ở TPHCM, chàng trai trẻ Nguyễn Phước Hậu đã tìm được những bài học làm ăn từ hè phố. Một lần theo bạn bè đi bán thiệp dạo, Hậu thử mang theo vài tấm thiệp tự thiết kế để bán, không ngờ bán rất chạy. Sau đó, Hậu tỉ mẩn tìm kiếm những vật lạ như hoa cỏ dại ép khô, ni lông, nút áo… để làm những tấm thiệp “độc”, rồi gia nhập vào đội ngũ bán thiệp ở đường Hàn Thuyên. Làm được một thời gian dài, Hậu hiểu, muốn tồn tại ở thị trường thiệp cần phải có một thương hiệu riêng và anh đã gom góp tiền, vay bạn bè thêm để mở Công ty TNHH Mỹ thuật Thanh Nhã. Hậu còn nhận thêm những bạn trẻ có xuất phát điểm như mình vào làm việc để tạo thu nhập cho họ. Từ những ý tưởng táo bạo, khả năng thu hút đối tác bằng sự chân thành, năng động cộng tính “liều” của tuổi trẻ, thương hiệu thiệp Thanh Nhã đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Bồi dưỡng lý tưởng cho đời sau
Có thể nói, điểm sáng trong công tác giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng sống cho TN của Thành đoàn TPHCM chính là việc tuyên dương những tấm gương thanh niên gần gũi, chân thật. Từ hình tượng của anh Thạc, chị Trâm trong cuộc vận động “Noi gương anh hùng liệt sĩ trẻ tuổi - Mãi mãi tuổi hai mươi” đến hình ảnh “đóa hướng dương” Lê Thanh Thúy dũng cảm chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo... đã góp phần tích cực trong việc bồi dưỡng niềm tin, khơi dậy tình cảm cách mạng, định hướng suy nghĩ và hành động của TN trong thời kỳ mới.
Qua một số phong trào do Đoàn phát động, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, góp phần khắc họa một lớp TN sống nhân ái, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Năm 2006, lần đầu tiên tại TPHCM xuất hiện giải thưởng Công dân trẻ do Thành đoàn phát động. Đã có 5 gương mặt được tuyên dương. Đó là cô bé Lê Thanh Thúy sống chung với căn bệnh hiểm nghèo nhưng luôn lạc quan, yêu đời cố gắng đến trường; là Hồ Quốc Thống xuất thân từ trẻ lang thang đường phố đã nuôi dưỡng ước mơ đổi đời bằng một studio ảnh cưới; là cậu sinh viên nghèo Nguyễn Hữu Ân nhận chăm sóc đến cuối đời một người mẹ nuôi bị bệnh ung thư… Còn nhớ, cuối năm 2007, khi Công dân trẻ 2006 Lê Thanh Thúy qua đời, chương trình “Ước mơ của Thúy” cũng chính thức được phát động. Lấy ý tưởng từ việc chăm lo văn hóa tinh thần và vật chất cho những bệnh nhi ung thư nghèo mà Thúy từng ấp ủ, rất nhiều những “cánh tay” giúp sức từ tổ chức Đoàn, các nhóm từ thiện và cả những bạn trẻ tình nguyện đã lập nên một “Ước mơ của Thúy” tại các bệnh viện, mái ấm, nhà mở. Điều đó cho thấy, từ những tấm gương lan tỏa do Đoàn phát hiện và nhân rộng, đã phát huy được việc tập hợp tuổi trẻ đến với những hoạt động vì cộng đồng.
Một trong những trọng tâm trong công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ chính là việc Thành đoàn đã tổ chức tốt các phong trào hành động cách mạng của TN mà tiêu biểu hơn cả là các phong trào tình nguyện đã mang lại dấu ấn rõ rệt về một lớp TN mới xung kích, nghĩa tình. Năm 1993, chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè lần đầu tiên được tổ chức trong điều kiện khó khăn. Ban đầu, Đoàn phải đi vận động từng đoàn viên TN dành những ngày hè đi xóa mù chữ rồi vận động thanh thiếu nhi đi học ở các địa bàn vùng sâu vùng xa. Không chỉ dừng lại ở xóa mù chữ, chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè đem đến cho mọi người một suy nghĩ: TN còn có thể làm được nhiều điều để giúp dân ngoài dạy học. Và từ đó, một chiến dịch mang tầm cao hơn, phạm vi hoạt động rộng hơn, thu hút đông đảo TN tham gia hơn đã ra đời mang tên Mùa hè xanh. Vài năm gần đây, Mùa hè xanh đã đi vào chiều sâu hơn trước, nổi bật lên vai trò của đội TN tình nguyện ĐH Bách Khoa chuyên thiết kế, xây cầu, làm đường cho dân, đội hình chuyên tư vấn pháp luật thuộc trường ĐH Luật TP…
TN là lực lượng đông đảo, chiếm trên 1/3 dân số và trên 1/2 lực lượng lao động xã hội, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế, việc thường xuyên chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh cho thanh niên chính là giải pháp cơ bản nhằm xây dựng, hình thành nhân cách con người mới cho TN. Một số giải pháp trong giáo dục rèn luyện đạo đức cách mạng cho TN mà Thành đoàn TPHCM thực hiện thời gian qua chính là góp phần đào tạo, giáo dục thế hệ thanh niên vừa “hồng”, vừa “chuyên” - chủ nhân tương lai của đất nước, theo Di chúc của Bác.
Theo SGGPO