1

Tin Tức Các Báo

In

Chú trọng kiểm tra năng lực để vào ĐH

Cập nhật 08/01/2015 - 08:26:08 AM (GMT+7)

Trong phương án tuyển sinh mới, nhiều trường ĐH không chỉ kết hợp xét kết quả thi THPT quốc gia và điểm tích lũy 3 năm THPT mà còn kiểm tra năng lực thí sinh (TS).

Các trường cho rằng, phương thức tuyển chọn như thế này sẽ đánh giá toàn diện được học sinh, hạn chế tối đa các trường hợp may rủi, học tài thi phận…
Hạn chế may rủi, học tài thi phận
Cụ thể, Đề án tuyển sinh năm 2015 của Trường ĐH Luật TP.HCM trải qua 2 bước gồm xét tuyển và kiểm tra năng lực TS. Khâu xét tuyển dựa trên điểm trung bình chung mà TS  tích lũy trong 3 năm học THPT (chiếm tỷ trọng 20%) và điểm thi của TS trong kỳ thi THPT quốc gia (chiếm tỷ trọng 60%). Những TS qua được vòng xét tuyển này sẽ tiếp tục được kiểm tra năng lực ở các lĩnh vực ngôn ngữ tiếng Việt, kiến thức xã hội tổng hợp và tư duy logic. Bài kiểm tra này sẽ chiếm tỷ trọng 20% điểm trúng tuyển.
Đề bài kiểm tra năng lực có 2 phần là trắc nghiệm và tự luận, trong khoảng thời gian 105 phút. Dù mỗi phần chiếm 50% số điểm nhưng thời gian làm phần kiểm tra trắc nghiệm chỉ 45 phút và phần tự luận dài hơn với 60 phút. Nội dung các câu hỏi trong bài kiểm tra liên quan đến các vấn đề: Kỹ năng ngôn ngữ tiếng Việt; kiến thức tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn, quan niệm của TS về công bằng xã hội, quyền con người, đạo đức công dân; tư duy logic, khả năng lập luận của TS.
Theo nhà trường, phương án tuyển sinh này giúp đơn vị tuyển được những TS có tố chất, tư duy logic, hiểu biết các kiến thức công dân, có quan niệm đúng về công bằng xã hội (đối với TS ngành luật) và có tư duy kinh tế (đối với TS ngành quản trị kinh doanh). Từ quá trình tuyển chọn này, nhà trường có thể đào tạo ra các cử nhân luật, quản trị kinh doanh ngôn ngữ Anh, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập vào thị trường lao động khu vực và thế giới. Điều quan trọng khác, phương thức tuyển chọn như thế này giúp đánh giá toàn diện được học sinh, hạn chế tối đa các trường hợp may rủi, học tài thi phận…
Thi đánh giá năng lực vào 2 đợt
Năm 2015, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng dùng bài thi đánh giá năng lực xét tuyển ĐH và xem đây là nội dung chủ chốt để quyết định “sinh mệnh” của TS. TS dự tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tham gia làm bài thi đánh giá năng lực được tổ chức vào 2 đợt là tháng 5 và cuối tháng 7. Trên cơ sở kết quả bài thi đánh giá năng lực, ĐH này sẽ xét tuyển từ điểm cao xuống thấp. Theo ĐH Quốc gia Hà Nội, kết quả kỳ thi THPT quốc gia chỉ là điều kiện. Tất cả các TS đã trúng tuyển ở phần thi đánh giá năng lực sẽ được vào học tại ĐH Quốc gia Hà Nội sau khi đạt điểm tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Các ứng viên đăng ký vào các chương trình tài năng, chuẩn quốc tế phải làm thêm bài kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ. Các TS đã tốt nghiệp THPT từ các năm trước, đăng ký làm bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội. Riêng đối với Trường ĐH Ngoại ngữ, TS phải làm thêm bài thi ngoại ngữ để xét tuyển. Môn thi do Trường ĐH Ngoại ngữ quy định trong các tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật phù hợp với yêu cầu đầu vào cho từng chương trình đào tạo.
TS dự thi vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm nay phải trải qua phần sơ tuyển. Cụ thể, TS phải có hạnh kiểm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 từ loại khá trở lên. Đồng thời, có điểm trung bình các năm từ 6,5 trở lên mới được tham gia xét tuyển vào hệ ĐH; từ 6 trở lên đối với hệ CĐ. Đặc biệt, việc đăng ký sơ tuyển và xét tuyển có thể trực tiếp tại Phòng Đào tạo hoặc trực tuyến.
Ở hệ CĐ, Trường CĐ Bách Việt thực hiện hai phương thức là xét tuyển kết quả kỳ thi THPT quốc gia cho 60% chỉ tiêu và kết quả học tập THPT của TS cho 40% chỉ tiêu.Chỉ tiêu dự kiến bậc CĐ của trường năm 2015 là 2.400.
Riêng hình thức xét tuyển kết quả học tập THPT, TS cần đáp ứng các điều kiện: Tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, hạnh kiểm 3 năm THPT đạt loại khá trở lên, tổng điểm trung bình các môn thuộc khối xét tuyển trong 5 học kỳ THPT đạt từ 82,5 điểm trở lên.

 (Theo Giáo dục TP.HCM)