1

Tin Tức Các Báo

In

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015: thách thức và cơ hội

Cập nhật 28/11/2014 - 10:51:48 AM (GMT+7)

GD&TĐ - Thách thức không nhỏ nhưng đây cũng là cơ hội lớn để các trường khẳng định vị thế của mình trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2015. Đây là nhận định của không ít chuyên gia.

Chính việc giao quyền tự chủ trong tuyển sinh khiến các trường phải khẳng định trách nhiệm của mình với người học và xã hội. Hay nói cách khác, những trường này tự biết phải làm gì, muốn có được người học thì phải tự xây dựng được lòng tin của xã hội.

Tự chủ và thách thức

Được thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo đúng quy định của Luật Giáo dục Đại học, các nhà trường sẽ rất thuận lợi trong việc tìm các nguồn tuyển là điều dễ nhận thấy trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015.

Thực tế đã minh chứng điều đó. Đến thời điểm này, trong các Đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường ĐH, CĐ đều dành tới 60 - 70% thậm chí 80% chỉ tiêu để xét tuyển theo phương thức xét tuyển theo học bạ với điểm trung bình của những năm THPT chỉ cần đạt 5,5 trở lên.

Mỗi trường có cách tuyển sinh khác nhau nhưng hầu hết đều dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia đều sử dụng kết quả của thí sinh dự thi ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì. Việc xây dựng tiêu chí xét tuyển cũng được các trường chấp hành nghiêm túc, theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT về xác định tổ hợp các môn xét tuyển vào các ngành của trường.

Số tổ hợp các môn xét tuyển tối đa đối với một ngành là 4, dựa trên các khối thi truyền thống. Nhưng cũng có trường do yêu cầu đặc thù riêng nên xây dựng các tổ hợp xét tuyển mới cho phù hợp hơn với yêu cầu của ngành nghề đào tạo.

Có thể nói, mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 này cùng với việc các trường thực hiện quyền tự chủ thì việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển sẽ vừa là cơ hội nhưng cũng lại là thách thức lớn đối với các nhà trường.

Cơ hội vì đây là dịp các trường được chủ động tối đa trong tìm nguồn tuyển, nhưng thách thức lại không hề nhỏ vì tuyển sinh thế nào để có chất lượng và uy tín xã hội.

Nhận định về việc này, TS Hoàng Ngọc Trí – Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đông cho rằng: Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 này sẽ chứng kiến sự điều chỉnh của hệ thống các trường ĐH, CĐ.

Sẽ có những trường tiếp tục khẳng định mình, nhưng trường trẻ bứt phá và mạnh, nhưng cũng sẽ có không ít trường gặp khó khăn, cần phải tiếp tục có những điều chỉnh thích hợp để tồn tại. Xây dựng chiến lược ra sao, cách làm thế nào để thu hút người học và giữ chất lượng… đây là thời điểm các nhà tuyển sinh có thể khẳng định, thể hiện năng lực của mình.

Phân chia thứ hạng

Nếu như những kỳ tuyển sinh trước đây, các trường dựa vào kết quả của kỳ thi “Ba chung” để lấy người học thì kể từ mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 này, các trường sẽ tuyển sinh dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là chính. Sẽ tự hình thành việc phân chia thứ hạng các trường.

Nếu những đại học tốp dưới tuyển người học chủ yếu dựa vào học bạ phổ thông thì các đại học tốp đầu sẽ đưa ra những tiêu chí tuyển sinh riêng nhằm lựa chọn người học kỹ hơn, cũng có trường xây dựng cách thức tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực toàn diện của học sinh.

Ngưỡng đầu tiên để các trường tốp đầu lựa chọn có thể thấy là loại ngay từ vòng nộp hồ sơ, chỉ những thí sinh có điểm tổng kết trung bình chung toàn năm học của tất cả các môn trong suốt ba năm THPT đạt mức nào đó mới được chấp nhận, còn dưới mức này coi như bị loại cho dù thí sinh có đạt điểm cao ở các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Trong số các trường tuyển sinh theo phương án này, đa số là các trường hàng đầu như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Y Hà Nội… Đây cũng là kinh nghiệm triển khai thành công của Đại hoc Bách khoa Hà Nội 2 năm nay trong việc giảm áp lực hồ sơ, lựa chọn người học tốt hơn.

Nếu các đại học hàng đầu lựa chọn cách thức tuyển sinh có phần khắt khe, loại những thí sinh có học lực trung bình ngay từ vòng đầu thì các trường tốp dưới lại chủ trương mở rộng đầu vào, có trường chỉ cần xét kết quả học bạ cùng với điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia với những điều kiện tối thiểu, nhưng cũng có trường có những yêu cầu cao hơn. Nhưng nhìn chung, đầu vào các trường này đều khá dễ dàng. Điều này cũng thể hiện thứ hạng cao thấp tự các nhà trường sắp đặt.

Nỗi lo về chất lượng

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, không ít ý kiến lo ngại rằng liệu đầu vào dễ, chất lượng đào tạo có bị thả lỏng. Thực tế là có những trường chỉ đưa ra tiêu chí hết sức tối thiểu để chọn lọc thí sinh vào học, đó là xét tuyển học bạ.

Quan ngại này cũng có cơ sở, tuy nhiên các chuyên gia tuyển sinh lại cho rằng không đáng lo vì thực tế là các trường đang tự sắp xếp qua thước đo của người học và xã hội. Đây là kinh nghiệm của nhiều năm qua, cứ nhìn vào các tiêu chí tuyển sinh và tình hình tuyển sinh của nhiều trường tốp dưới trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 vừa qua sẽ thấy.

Những trường có quá ít người theo học, nguyên nhân lớn nhất là chưa có được lòng tin của người học mà lòng tin ở đây chính là chất lượng và uy tín trong đào tạo.

Mong muốn có được nhiều nguồn tuyển, nhưng chất lượng phải bảo đảm và không thả lỏng đầu vào. Đây là suy nghĩ của nhiều trường bởi vì chính tiêu chí chọn lựa người học thế nào, trường tuyển được bao nhiêu chỉ tiêu sẽ là thước đo chính xác uy tín của trường với xã hội.

Để sàng lọc, lựa chọn người học chính xác, nhiều trường đã chủ động đưa ra các biện pháp để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Như Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Điện lực đều có bổ sung các quy định khác khi thực hiện xét tuyển. Đại học Tây Đô thành lập Ban Thanh tra công tác tuyển sinh độc lập, chuyên giám sát việc thực hiện công tác xét tuyển.

Ở một số trường cao đẳng như Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Phú Thọ, Cao đẳng Tài nguyên & Môi trường miền Trung… cũng khẳng định thực hiện đúng quy định xét tuyển.

 
Đến thời điểm này, các trường ĐH, CĐ đều đang tất bật với việc xây dựng và triển khai các hình thức xét tuyển trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới. Trường tốp đầu lo cạnh tranh thí sinh giỏi, trường tốp giữa lo hút học sinh có sức học khá, giỏi, còn trường tốp dưới thì lo lắng nhiều nhất là tuyển sao cho hết chỉ tiêu mà không bị mang tiếng đầu vào quá thấp. Cạnh tranh, thu hút người học, đây cũng là dịp để các nhà tuyển sinh thể hiện đẳng cấp, khẳng định năng lực của trường mình.