Nhu Cầu Nguồn Nhân Lực
In“Khát” nguồn lao động chất lượng cao
Cập nhật 13/09/2014 - 09:33:55 AM (GMT+7)Cùng với nhiều tập đoàn kinh tế lớn của thế giới đã đầu tư và đang tìm hiểu để đầu tư tại Việt Nam, dự án 1 tỷ USD mới đây của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) tại Khu công nghệ cao TPHCM đang được triển khai tích cực. Tín hiệu đáng mừng này lại báo động về nguồn lao động chất lượng cao vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của nhà đầu tư.
Thiếu người làm được việc
Trong 6 tháng đầu năm 2014, nhu cầu nhân lực lập trình thiết bị di động chiếm đến 15% nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin. Tỷ lệ này không dừng lại vì nhu cầu của thị trường rất lớn, luôn cần ứng viên giỏi, nắm bắt nhanh, sáng tạo và thành thạo ngoại ngữ. Tuy nhiên, nhân lực cho ngành này thiếu cả số lượng và chất lượng. Sinh viên mới ra trường, doanh nghiệp thường phải đào tạo thêm từ 3-6 tháng mới bắt đầu sử dụng được.
Sinh viên tiếp xúc với nhà tuyển dụng tìm cơ hội việc làm.
Ở lĩnh vực bán hàng và tiếp thị, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường TPHCM (Falmi), cho biết, nhu cầu nhân lực chất lượng cao liên tục tăng song nguồn nhân lực không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Đặc biệt, các vị trí quản lý cấp trung và cấp cao, nhiều ứng viên Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu. Nhiều công ty, tập đoàn phải tuyển người ở các nước trong khu vực, đưa sang Việt Nam làm việc. Kết quả khảo sát của Falmi cho thấy, mỗi năm TPHCM cần khoảng 8.000 lao động cho ngành này, chủ yếu là các vị trí như lập trình, kỹ sư hệ thống mạng, an ninh mạng, kỹ thuật, chuyên viên thiết kế lập trình web... Nhóm ngành điện - điện tử, nguồn cung nhân lực chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, doanh nghiệp luôn không tuyển đủ lao động. Lĩnh vực cơ khí, doanh nghiệp đang “khát” người có khả năng sử dụng Nhật ngữ, Anh ngữ và có kinh nghiệm làm việc.
Bằng cấp không đảm bảo chất lượng
Từng bước phát triển kiện toàn đội ngũ nhân sự, xu hướng tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn TP đã chú trọng đến chất lượng và năng suất lao động cao. Ông Trần Anh Tuấn phân tích, nhân lực chất lượng cao không phải chỉ có bằng cấp cao là đủ. Mà người đó phải có kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, áp dụng được kiến thức chuyên môn vào thực tế tạo ra hiệu quả, đồng thời sử dụng thông thạo ít nhất một ngoại ngữ và có các kỹ năng mềm… Trong khi đó, khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp lại chưa đủ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm để tiếp cận với công việc. Quá coi trọng tấm bằng mà quên trang bị nghề nghiệp chuyên sâu, người lao động đã tự loại mình trước khi nhà tuyển dụng loại. Giờ đây, sở hữu bằng cấp cao cũng không đảm bảo người lao động sẽ đắt hàng trước mắt nhà tuyển dụng. Hơn 162.000 cử nhân thất nghiệp là câu trả lời cho điều đó. TS Hồ Bá Thâm đánh giá, thất nghiệp, nhất là khi đã được đào tạo, là một sự lãng phí lớn và có nguy cơ đưa xã hội vào khủng hoảng, suy thoái. Có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng là đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu chất lượng, nhất là kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng xã hội mà thị trường lao động cần.
Bên cạnh đó, nghịch lý thừa lao động trình độ cao, thiếu lao động chất lượng cao còn do có sự chuyển dịch, biến động lớn ở một số ngành nghề trong khi các cơ sở giáo dục không chuyển bộ kịp. Việc không dự báo được những thay đổi về thị trường là một trong những nguyên nhân gây cản trở cơ hội có việc làm của người có bằng cấp. Cụ thể, không còn “nóng” như 5 năm về trước, giờ đây, mỗi năm cả nước dư 12.000 cử nhân tài chính - ngân hàng (cung 29.000 người, cầu chỉ khoảng 17.000 người). Ở ngành kế toán, dữ liệu tuyển dụng của VietnamWorks cho thấy, tỷ lệ cạnh tranh là trung bình cứ một hồ sơ nộp vào công việc ngành kế toán sẽ phải cạnh tranh với 98 hồ sơ khác. Hồ sơ ứng viên luôn nhiều hơn nhu cầu rất nhiều. Sau Tết Nguyên đán, được coi là thời điểm “vàng” cho lao động trẻ, những người mới ra trường, chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường từ đầu năm đến nay, đơn vị tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks đúc kết: Các doanh nghiệp ít tuyển sinh viên mới ra trường. Trong khi số công việc đăng tuyển thuộc các nhóm khác đều tăng so với năm 2013 thì duy nhất chỉ có nhóm tuyển sinh viên mới ra trường/nhân viên mới là giảm về nhu cầu tuyển dụng. Điều này cho thấy nhu cầu tuyển dụng tăng chủ yếu ở phân khúc lao động chất lượng cao và có kinh nghiệm, còn nhân lực chưa có kinh nghiệm gặp bất lợi hơn trong tình hình hiện nay.
“Nếu chúng ta cứ đào tạo thật nhiều lao động có trình độ ĐH, CĐ nhưng ngành nghề không phù hợp, đào tạo thiên về lý thuyết, không nâng cao năng lực, kỹ năng nghề nghiệp rồi dựa vào tỷ lệ đào tạo cao để nói rằng chất lượng nguồn nhân lực cao thì điều đó cũng không mang lại hiệu quả KT-XH”, Ths Trịnh Xuân Thắng (Học viện Chính trị khu vực IV) nhìn nhận. Ông Thắng cho rằng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần gắn kết với yêu cầu của thị trường sức lao động. Đi đôi với đổi mới và đột phá đối với phát triển dạy nghề nhằm thu hút người học, TS Hồ Bá Thâm đề nghị, cần quy hoạch ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội.