1

Tin Tức Các Báo

In

Học phí đại học sẽ thay đổi!

Cập nhật 04/09/2014 - 11:26:58 AM (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, sắp tới, Chính phủ sẽ quy định mức trần học phí nhất định để các trường có thể thu trong hành lang quy định. Hành lang này sẽ đảm bảo mức chi hiện nay. Như vậy, mức học phí đại học sẽ thay đổi.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, việc tự chủ sẽ được đi kèm theo chính sách hỗ trợ học bổng, diện chính sách được hỗ trợ tăng lên, các hộ nghèo sẽ được vay tín dụng. Sắp tới, ngân hàng chính sách sẽ mở rộng mức trần cho vay cao lên để sinh viên có thể theo học được với mức học phí cao. Khi các trường thu học phí cao hơn hẳn thì sẽ có thể dành kinh phí đủ lớn để hỗ trợ học bổng giúp các học sinh học xuất sắc theo học.

Theo thứ trưởng Ga, trong nghị quyết sắp tới, Chính phủ sẽ quy định mức trần học phí nhất định để các trường có thể thu trong hành lang quy định. Hành lang này sẽ đảm bảo mức chi hiện nay. Tuy nhiên, mức thu học phí cộng với đầu tư bình quân của nhà nước trên 1 đầu sinh viên không vượt quá cao so với mức chi cho đào tạo. Nếu mọi việc chuẩn bị kịp thì sẽ thực hiện ngay từ năm học này.

Tự chủ tài chính là chủ đề được lãnh đạo nhiều trường ĐH quan tâm. GS.TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng đề nghị không nên quy định trần học phí mà nên khuyến nghị mức thu phù hợp.

Ông Danh cho rằng, lý do là việc bỏ trần học phí không có nghĩa các trường muốn thu học phí bao nhiêu cũng được mà còn phải tính toán đến các yếu tố thị trường, chất lượng đào tạo, nhu cầu người học. Chưa kể trong mỗi trường có những ngành học phí rất cao nhưng cũng có những ngành học phí thấp hơn nhiều.

Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Một ĐH tốt không nên dựa vào học phí. Tài chính cho ĐH không chỉ có học phí, vì vậy, chúng ta cần quy định phải mở rộng danh mục các nguồn thu khác. Học phí cần thu theo chất lượng đào tạo và nhu cầu người học trên cơ sở chất lượng đào tạo của các trường phải được kiểm định độc lập, công khai”.
 
Trong phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ vừa qua, Chính phủ đã nhất trí ban hành Nghị quyết về Đề án Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014-2017 đối với 4 trường Đại học trực thuộc Bộ GD-ĐT (Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại thương và Đại học Hà Nội). 
Theo đó, ngoài chức năng, nhiệm vụ và các quyền tự chủ của nhà trường theo quy định của pháp luật hiện hành, nhà trường được mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về 3 lĩnh vực (thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính). Việc thực hiện thí điểm tự chủ với 4 trường Đại học trên thu được kết quả tốt, làm cơ sở để tăng thêm quyền tự chủ cho các trường.
 
Tại cuộc họp trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị không chỉ giới hạn thực hiện thí điểm ở 4 trường ĐH trong đề án xin tự chủ của Bộ GD-ĐT mà hoàn toàn có thể mở rộng ra đối với những trường đã có đủ điều kiện.

Mức trần học phí đại học năm 2014

Năm học 2014 - 2015, mức trần học phí nhóm ngành cao nhất là Y Dược từ 685 nghìn đồng tăng lên 800 nghìn/tháng/sinh viên; Nhóm ngành thấp nhất là Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản mức trần học phí từ 485 nghìn đồng tăng lên 550 nghìn đồng/tháng/sinh viên…

Mức tăng trên thực hiện theo Nghị định Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010- 2011 đến năm học 2014- 2015.

Cụ thể, theo quy định, mức trần học phí đối với đào tạo trình độ đại học tại trường công lập theo các nhóm ngành đào tạo chương trình đại trà năm học 2014 - 2015 có tăng hơn năm học trước như sau:

Nhóm ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản, năm học 2013- 2014 mức học phí là 485 nghìn đồng/tháng/sinh viên đến năm học 2014- 2015 tăng lên 550 nghìn đồng/tháng/sinh viên.

Nhóm ngành Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch, năm học 2013- 2014 là 565 nghìn đồng/tháng/ sinh viên đến năm học 2014- 2015 tăng lên 650 nghìn đồng/tháng.

Nhóm ngành Y dược, năm học 2013- 2014 là 685 nghìn đồng/tháng/sinh viên đến năm học 2014- 2015 tăng lên 800 nghìn đồng/tháng/sinh viên.

Mức trần học phí đối với trung cấp nghề, cao đẳng nghề công lập cũng tăng nhẹ so với năm trước.

Hiện nay, rất nhiều trường ĐH, CĐ đã chuyển sang đào tạo tín chỉ. Mức thu học phí của một tín chỉ được xác nhận căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành đào tạo và số tín chỉ đó. Tổng học phí toàn khóa = mức thu học phí 1 sinh viên/1 tháng x 10 tháng x số năm học.

Được biết, bắt đầu từ 1/9 này, quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học mà Bộ GD-ĐT ban hành có hiệu lực. Theo đó, các cơ sở đào tạo được xác định mức học phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cho toàn khóa học; xây dựng lộ trình điều chỉnh mức học phí cho những khóa học tiếp theo (nếu cần thiết); xây dựng phương án thu, chi và quản lý kinh phí để đảm bảo thực hiện đầy đủ các tiêu chí của chương trình chất lượng cao (CTCLC) (bao gồm cả miễn, giảm học phí cho sinh viên thuộc diện chính sách được nhận hỗ trợ tài chính của Nhà nước); thực hiện trích lập các quỹ theo quy định hiện hành đối với phần chênh lệch thu chi còn lại. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo chất lượng cao phải cao hơn của chương trình đào tạo đại trà …

Về điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học: Có phòng học riêng cho lớp đào tạo chất lượng cao được trang bị máy tính kết nối mạng internet và các thiết bị hỗ trợ giảng dạy, học tập; mỗi sinh viên chương trình chất lượng cao có nơi tự học ở trường, được sử dụng mạng internet không dây. Có đủ giáo trình, tài liệu tham khảo; đủ các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, cơ sở thực tập…

 (Theo báo Dân Trí)