1

Gương Sáng

In

“Thủ khoa đại học bây giờ ra sao?”: Tin ở tương lai

Cập nhật 13/08/2014 - 08:19:32 AM (GMT+7)

Danh hiệu thủ khoa đại học là một kỷ niệm đẹp trong đời, động lực để các thủ khoa luôn phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Tìm về làng Thanh Thủy Thượng, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế khi nơi đây đang râm ran chuyện những học trò xứ Huế đậu thủ khoa, vẫn căn nhà cấp 4 đơn sơ ngày nào, chúng tôi gặp lại Ngô Hoàng Trung - thủ khoa Trường ĐH Khoa học và ĐH Kinh tế (ĐH Huế) năm 2009.

Nhân tài lận đận

Ông Ngô Văn Thành, bố của Trung, than thở: “Nếu như nó tiếp tục học khi thi đậu thủ khoa thì giờ đã ra trường và đi làm rồi. Nào ngờ nó bỏ ngang lúc bước vào năm thứ 3 để thi lại nên gia đình tôi vất vả lắm”.

Nhà đông con, kinh tế gia đình chỉ trông vào ít sào ruộng và nghề buôn bán rau hành của mẹ nên từ nhỏ, Trung đã luôn cố gắng học hành, mong sớm đỡ đần bố mẹ. Vào kỳ thi ĐH năm 2009, Trung đậu thủ khoa Trường ĐH Kinh tế Huế (28,5 điểm) và Trường ĐH Khoa học Huế  (26,5 điểm).

Trung tâm sự lúc ấy, em chọn học ngành tài chính ngân hàng Trường ĐH Kinh tế Huế vì đua theo bạn bè và nghĩ rằng nghề này có tương lai… Vào ĐH, em vừa đi học vừa làm gia sư để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Năm học thứ nhất qua đi, Trung cảm thấy ngành học không phù hợp với bản thân nhưng vẫn cố gắng vì sợ bố mẹ buồn. Đến năm thứ 2, Trung chỉ xếp vị trí trung bình trong lớp. Khi gần kết thúc học kỳ 1 của năm thứ 3, cậu thủ khoa đã bỏ học giữa chừng rồi ôn luyện, thi lại ĐH.

“Em nghĩ mình không thể theo học được nữa và quyết định nói với gia đình. Cả bố mẹ, các chị đều tỏ ra bất ngờ và rơi nước mắt vì điều đó. Nhưng em đã nói ra tất cả lý do, suy nghĩ và ước mong của mình để thuyết phục mọi người” - Trung kể.

Thi lại ĐH, Trung chọn vào ngành điện Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Với vốn kiến thức vững chắc, được ôn luyện qua năm tháng làm gia sư nên trong kỳ thi ĐH năm 2012, Trung đậu thủ khoa ngành này với 24 điểm. Giờ đây, sau 2 năm theo học trường mới, Trung cho biết em rất thích ngành này và môi trường đào tạo ở đây dù phải xa nhà, chi phí học tập cũng đội lên.

Còn đối với vợ chồng ông Thành, lo được cho con ăn học, dù đã phải vất vả lo toan làm lụng nhưng ông bà vẫn luôn giữ niềm tin ở tương lai.

Mong được cống hiến

Thủ khoa của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng trong 2 năm 2009 và 2010 đều là những thí sinh đến từ tỉnh Quảng Nam có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn.

Trương Minh Hoàng (SN 1990, ngụ xã Tam Thành, huyện Phú Ninh) đậu thủ khoa đầu vào của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng năm 2008 với số điểm 29,5. Năm năm sau, Hoàng tốt nghiệp hạng xuất sắc, đồng thời là thủ khoa đầu ra của trường. Nhiều công ty đã mời gọi Hoàng đến làm việc. Cuối cùng, chàng kỹ sư này đầu quân cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Hoàng, công việc hiện tại rất tốt, phù hợp với chuyên ngành học tập. “Em yêu thích công việc và mong muốn gắn bó lâu dài với công ty. Mức lương ổn định, có thể nói là khá tốt so với mặt bằng chung hiện nay” - Hoàng phấn khởi khoe.

Tìm về nhà Hoàng ở xã Tam Thành, chúng tôi được người dân chỉ đường rất tường tận. Hầu như ai cũng xem Hoàng là niềm tự hào của mảnh đất tuy còn lắm nhọc nhằn nhưng hiếu học này.

Ngôi nhà cấp 4 của gia đình Hoàng nằm bên cánh đồng lúa hầu như chẳng có gì đáng giá ngoài những tấm bằng khen treo kín tường. Ông Trương Văn Thành, bố của Hoàng, cho biết nhiều năm nay, vợ chồng ông làm được bao nhiêu tiền đều dành dụm gửi cho anh em Hoàng ăn học. Thậm chí, ông Thành phải ra tận Đà Nẵng làm phụ hồ kiếm tiền, mọi công việc đồng áng ở nhà đều do một tay bà Nguyễn Thị Tám, mẹ của Hoàng, lo liệu.

“Từ khi Hoàng ra trường đến nay, vợ chồng tôi cũng đỡ nhiều. Bữa tết nó về có hứa sẽ cố gắng làm việc, dành tiền gửi cho bố mẹ xây nhà. Nói thế chứ tôi biết con vẫn khó khăn lắm, vợ chồng còn sức khỏe thì ráng làm. Hy vọng sao cho con làm việc chăm chỉ, sống hòa đồng với mọi người và giúp em gái học tập là tốt lắm rồi” - bà Tám giãi bày.

Vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng sau Trương Minh Hoàng 1 năm, thủ khoa Lê Tấn Danh (SN 1991, ngụ thôn Mỹ Phước, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cũng vừa tốt nghiệp ĐH loại giỏi ngành tin học công nghiệp và sản xuất tự động. Tranh thủ nghỉ ngơi sau 5 năm học tập căng thẳng, Danh về nhà vài hôm phụ bố làm thợ mộc.

Thủ khoa ĐH 29,5 điểm này cho biết nguyện vọng của em là được làm việc tại Công ty Cao su Đà Nẵng nên vẫn đang tìm hiểu nhưng chưa thấy công ty tuyển dụng. “Em có nhiều ước mơ và dự định trong tương lai, cũng muốn đi du học để nâng cao kiến thức. Tuy nhiên, gia đình còn khó khăn nên trước mắt phải kiếm được một công việc phù hợp để cống hiến sức trẻ và nhất là kiếm tiền phụ ba mẹ” - Danh bộc bạch. 

Xứng danh thủ khoa

Hầu hết các thủ khoa sau khi ra trường đều khá thành công trong sự nghiệp, khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Thủ khoa Trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm 2009 Dương Hoàng Hưng (quê xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) là bạn thân ở cùng làng, học cùng lớp với thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương Tăng Văn Bình. Hiện Hưng vừa tốt nghiệp loại giỏi và được một công ty kiểm toán quốc tế nhận làm việc tại Hà Nội. Trong khi đó, Trương Văn Dương (SN 1987, ngụ huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, thủ khoa Học viện Cảnh sát với số điểm 29,5) sau khi tốt nghiệp đã được giữ lại làm giảng viên Khoa Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Bùi Thị Minh Ngọc, thủ khoa khối C Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội năm 2008, đã tốt nghiệp loại xuất sắc và đang công tác tại VKSND tỉnh Quảng Ninh.

Đ.Ngọc - H.Hoa - T.Minh