1

Kinh Nghiệm Việc Làm

In

Những người thành công nhất thế giới chính là bậc thầy mô phỏng!

Cập nhật 11/07/2014 - 03:27:25 PM (GMT+7)

Liệu những người thành công nhất thế giới có nghiên cứu và làm theo bí quyết của thế hệ đi trước không? Bạn đoán thử xem?

482347_10151508177971293_600477639_n

Warren Buffett là nhà đầu tư tài ba nhất hành tinh và là một trong những người đàn ông giàu có nhất thế giới, bởi ông biết những nhà đầu tư thành công khác luôn để lại “chiêu thức” mà ông có thể học hỏi và noi theo. Mới lên tám, cậu bé Buffet đã tuyên bố với gia đình rằng mình sẽ kiếm được một triệu đô từ thị trường chứng khoán trước tuổi 30. Ông mua cổ phần đầu tiên vào năm 11 tuổi và thu lời một khoản nho nhỏ. Ông biết nếu muốn phất lên nhanh chóng thì không thể cứ đâm đầu vào làm rồi phạm sai lầm mãi được. Ông phải theo chân những nhà đầu tư giỏi nhất.

Thế là Warren Buffett bắt đầu nghiên cứu chiến lược của Benjamin Graham, nhà đầu tư thành công nhất những năm 1930-1950. Buffet đọc sách Gramham viết, tham gia lớp huấn luyện của Graham tại đại học Columbia và thậm chí còn xin vào làm không công cho công ty đầu tư của ông. Vài năm sau, khi Buffett đã học được mọi thứ từ Graham, ông tiếp tục “bái sư” một nhà đầu tư tài giỏi khác tên là Philip Fisher, một chuyên gia trong việc lựa chọn những cổ phiếu tăng trưởng mạnh.

Kết quả là trong hơn 50 năm, Buffett không ngừng dẫn đầu thị trường chứng khoán, biến khoản tiền đầu tư trị giá 100.000 đô ban đầu thành khối tài sản đồ sộ: 60 tỉ đô. Khi được hỏi bằng cách nào ông có thể làm được điều này, ông giải thích rằng mình đơn giản làm theo những gì Graham và Fisher đã làm, kết hợp những bí quyết hiệu quả nhất của hai bậc thầy này. “Trong tôi có 75% Graham và 25% Fisher”, Buffett từng tuyên bố.

Ngay cả những quốc gia giàu mạnh cũng để lại nhiều bài học

Mọi người thường bất ngờ khi thấy cha đẻ của Singapore, Lý Quang Diệu, “phù phép”  biến một hòn đảo thuộc thế giới thứ ba nghèo đói, không có tài nguyên thiên nhiên, trở thành đất nước giàu thứ ba trên thế giới (tính trên tổng sản phẩm nội địa – GDP – trên đầu người). Không có gì là lạ, Lý Quang Diệu và đội ngũ lãnh đạo của ông đã học theo các nước phát triển trên thế giới.

Singapore là một hòn đảo nhỏ không hề có chút tài nguyên thiên nhiên nào. Thế là Thụy Sĩ, một cường quốc thế giới, và cũng không có tài nguyên thiên nhiên, trở thành tấm gương để Singapore noi theo. Chưa hết, những người cầm trịch ở Singapore còn quyết định mô phỏng quân đội Israel trong việc thiết lập hệ thống phòng thủ, xây dựng hệ thống giáo dục và luật pháp tương tự Anh quốc, học hỏi cách thức giao thương, kinh tế của Mỹ và Nhật Bản. Bằng cách sao chép và cải thiện mô hình hoạt động của các nước tiên tiến, Singapore đã tiến một bước dài, qua mặt các nước láng giềng để trở thành một nước phát triển chỉ trong vòng 30 năm. Singapore chỉ cần 30 năm để làm được những điều mà các quốc gia khác mất đến 100 năm mới làm nổi. Một lần nữa, tất cả là nhờ Singapore sẵn sàng áp dụng những phương pháp đã được chứng minh hiệu quả qua thời gian, và thậm chí còn cải tiến chúng tốt hơn.

Không cần phải là người tiên phong, mà phải là người giỏi nhất!

Rất nhiều người cho rằng bạn phải là người đầu tiên làm được điều gì đó thì mới thành công. Đây là cách suy nghĩ vô cùng hạn hẹp. Thật ra, bạn không nên đi đầu trong bất cứ ngành nghề nào. Thay vào đó, bạn nên để người khác phạm tất cả sai lầm và hưởng lợi từ việc học hỏi kinh nghiệm của họ.

Người Nhật không hề phát minh ra công nghệ sản xuất xe hơi hàng loạt, mà là người Mỹ. Thế nhưng, nước Nhật lại dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất và buôn bán xe hơi. Họ đơn thuần học những cái đúng, tránh những cái sai của người Mỹ và hạ bệ nước Mỹ ngay trong chính cuộc chơi của họ. Chưa hết, người Nhật không sáng chế ra đồng hồ. Sản phẩm đầu tiên, đồng hồ quả lắc, thuộc về Thụy Sĩ. Vậy mà giờ đây, người Nhật thống lĩnh thị trường sản xuất đồng hồ trên thế giới.

Mới gần đây, người Trung Quốc cũng nắm được nghệ thuật học hỏi và mô phỏng thành công. Họ tạo ra những phiên bản Trung Quốc của công cụ tìm kiếm Google (Baidu), giày thể thao Nike (Lin Ning), hệ thống bán lẻ Wal-Mart (Wu Mart), mạng xã hội Facebook (Tencent) và bán hàng trên mạng Ebay (Alibaba) và chẳng mấy chốc sẽ vươn lên vị trí quán quân kinh tế nếu các quốc gia khác không tiếp tục đổi mới và đi trước Trung Quốc một bước.

Google không nghĩ ra bộ máy tìm kiếm thông tin trên mạng đầu tiên. Trên thực tế, họ rút ra bài học kinh nghiệm từ những sai lầm của những công ty mở đường như Alta Vista, Lycos, Netscape và Yahoo! Kết quả? Cái tên “Google” hiện đã trở thành một từ phổ biến ám chỉ cho việc tìm kiếm thông tin trên mạng. Tương tự, Apple không phải là doanh nghiệp đầu tiên tạo ra thế hệ điện thoại thông minh và máy tính bảng. Họ học hỏi kinh nghiệm của Nokia và IBM để tạo ra Iphone và Ipad, hai thương hiệu điện thoại thông minh và máy tính bảng nổi tiếng nhất toàn cầu.

Vậy nếu các doanh nghiệp, đất nước và những con người thành công trên thế giới biết học hỏi những người đi trước, thì tại sao bạn lại không?

Mô phỏng: Học hỏi và áp dụng những phương pháp hiệu quả

Tôi khám phá ra rằng con đường ngắn nhất để đi đến thành công trong mọi việc là học hỏi những người đã đạt được những gì bạn khao khát, thậm chí còn hơn thế nữa. Trong quá trình mô phỏng những “người khổng lồ”, bạn sẽ tạo ra được những đặc trưng của riêng mình và phát hiện nhiều cách còn hay hơn họ. Vậy thì chìa khóa thành công nằm ở chỗ bạn không bắt chước 100%, mà hãy chắt lọc những phần tuyệt vời nhất và bỏ đi những phần vớ vẩn. Nhờ vậy, bạn sẽ sáng tạo ra phương pháp của riêng mình, còn ưu việt hơn cả phiên bản gốc.

HappyNess

Trong bộ phim “The Pursuit of Happiness” (Mưu Cầu Hạnh Phúc) dựa trên câu chuyện đời có thật, một người nhân viên bán hàng vô gia cư tên là Chris Gardner vô tình nhìn thấy một chiếc xe hơi Ferrari màu đỏ đậu bên lề đường chỗ anh đi ngang qua. Ao ước một ngày mình cũng giàu có như thế, anh đánh bạo tiến đến chủ nhân của chiếc xe và nói, “Tôi chỉ muốn hỏi anh hai câu đơn giản. Anh làm nghề gì? Sao anh lại giàu đến vậy?” Người đàn ông này không ngần ngại đáp, “Tôi là người môi giới chứng khoán. Anh chỉ cần giỏi tính toán số liệu và giao tiếp tốt”.

Câu trả lời ngắn gọn đó đã thay đổi toàn bộ cuộc đời Gardner. Không bằng cấp, không kinh nghiệm trong ngành tài chính, anh tham gia chương trình thực tập của một công ty môi giới chứng khoán hàng đầu và bắt đầu học về những gì mà người đàn ông đi xe Ferrari đó đã làm. Sáu năm sau, người đàn ông vô gia cư chỉ có vỏn vẹn 2 đô trong túi này đã vươn lên thành  một trong những chuyên gia môi giới chứng khoán giỏi nhất phố Wall, và sở hữu hàng chục triệu đô. Anh thậm chí còn thành lập công ty môi giới chứng khoán riêng.

Vậy ta nên học gì và làm theo những gì từ người thành công? Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, có năm phương diện ta nên tập trung chú ý. Chúng ta có thể mô phỏng a) tư duy, b) kiến thức và kỹ năng, c) trạng thái cảm xúc, d) hành vi và e) môi trường của người thành công.

Trong một số trường hợp, không nhất thiết bạn phải mô phỏng tất cả năm phương diện nói trên. Ví dụ, nếu bạn muốn cảm thụ văn phong của Shakespeare, bạn không nhất thiết (và cũng không thể) mô phỏng trạng thái cảm xúc của ông ấy khi sáng tác. Trong khi đó, nếu bạn muốn được như anh nhân viên bán hàng kỳ cựu trong đơn vị bạn đang công tác, bạn cần bước vào trạng thái cảm xúc của người đó (ví dụ: tràn đầy nhiệt huyết/tự tin) để có thể thuyết phục khách hàng một cách dễ dàng. Ta hãy cùng xem xét kỹ hơn về năm phương diện này.

a)    Tư duy

Tư duy của một người chính là tổng hợp các niềm tin, giá trị và thái độ sống của cá nhân người đó. Tư duy hình thành nên thế giới quan, cách suy nghĩ và ra quyết định của họ. Bạn có thể hiểu được lối tư duy của một người bằng cách lắng nghe điều họ nói, quan sát cách họ phản ứng và đọc những gì họ viết. Ví dụ, nếu bạn muốn phỏng theo tư duy của những người giao tiếp giỏi nhất thế giới, bạn cần biết niềm tin của họ là: chúng ta có thể tạo ảnh hưởng đến bất kỳ ai bằng cách trước hết là thấu hiểu thế giới quan của người đó.

Mô phỏng tư duy của các nhà đầu tư thành công nhất như Warren Buffett, Peter Lynch, Philip Fisher và Benjamin Graham đã giúp tôi đứng vào hàng ngũ của họ. Tôi kiếm được gần 4 triệu đô trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Tìm hiểu về những con người này, tôi thấy rõ rằng niềm tin và thái độ của họ khác hẳn những người đầu tư chứng khoán bình thường khác. Chính điểm khác biệt đó đã khiến họ tỏa sáng.

Lấy ví dụ, đa số những nhà kinh doanh tiền tệ tin tưởng vào việc đa dạng hóa đầu tư (nghĩa là họ đổ tiền vào đủ loại sản phẩm tài chính thuộc nhiều ngành công nghiệp khác nhau, trên nhiều quốc gia khác nhau). Buffett, ngược lại, tin rằng mình chỉ nên tập trung đầu tư cho khoảng hơn 20 loại cổ phiếu trong cùng một thời điểm. Trong khi các nhà đầu tư bình thường quan tâm đến lợi nhuận ngắn hạn và mua vào khi giá cổ phiếu đang cao hoặc trên đà đi lên, Buffett chú trọng đến yếu tố lâu dài, ông bỏ tiền mua những cổ phiếu đang trượt dốc. Chính phương pháp không giống ai này của ông – mua vào khi người khác bi quan, và bán ra khi người khác lạc quan – là yếu tố giúp ông liên tiếp mua vào giá thấp, bán ra giá cao. Trong quyển sách “Bí Quyết Tay Trắng Thành Triệu Phú”, tôi có viết rõ hơn về những niềm tin độc nhất vô nhị của Warren Buffett.

b)   Kiến thức và kỹ năng

Điều thứ hai bạn cần mô phỏng là năng lực của những người thành công – kiến thức và kỹ năng. Hãy tự hỏi những kiến thức và kỹ năng gì đã giúp họ thành công vượt bậc?

Trong quá trình mô phỏng các diễn giả và chuyên gia đào tạo xuất sắc, tôi phát hiện ra tất cả họ đều hiểu biết sâu sắc về NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy), Kỹ Thuật Học Tập Tăng Tốc, nền tảng tâm lý giáo dục và thôi miên. Vậy nên, tôi tìm đọc hàng trăm quyển sách, tham dự rất nhiều buổi chuyên đề và khóa học để thuần thục các kỹ năng giống như họ.

Tôi còn nhận ra rằng để tự tin trên sàn chứng khoán, bạn phải có kiến thức vững vàng về kinh tế vĩ mô, kế toán, kỹ năng lập chiến lược kinh doanh, đánh giá tình hình tài chính, phân tích số liệu và hành vi tài chính của doanh nghiệp. Chỉ khi nào bạn nằm lòng những kỹ năng và kiến thức này, bạn mới có thể kiếm được hàng triệu đô giống như những nhà đầu tư đáng ngưỡng mộ.

c)    Trạng thái cảm xúc

Trong một số trường hợp cụ thể, trạng thái cảm xúc (những gì bạn cảm nhận bên trong) tác động lớn đến hiệu quả làm việc của bạn. Yếu tố này đặc biệt quan trọng trong thi đấu thể thao, nói chuyện trước công chúng, bán hàng, thương thuyết và lãnh đạo.

Để thúc đẩy ai đó làm điều gì, trước tiên bạn phải thể hiện mình là người tự tin, tràn đầy động lực và đam mê. Những chuyên gia bán hàng, nhà lãnh đạo và giao tiếp xuất chúng đều biết cách đưa mình vào trạng thái cảm xúc tích cực, và bạn cũng nên làm như vậy!

Trong khóa học “Patterns of Excellence” (Những Mô Thức Thành Công), tôi hướng dẫn mọi người cách mô phỏng ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu của người khác để có được trạng thái cảm xúc mạnh mẽ của họ. Còn nhớ lần đầu tiên đứng nói trước công chúng, tôi vô cùng căng thẳng và tự hỏi làm sao để thuyết phục khán thính giả (những người lớn tuổi hơn tôi rất nhiều vào thời điểm tôi 26 tuổi) và truyền cho họ niềm cảm hứng.

Nhưng nhờ học theo điệu bộ, nét mặt, giọng điệu, tư thế và nhịp thở của những diễn giả bậc thầy như Anothy Robbins, Brad Sugars, Eddie Murphy và Chris Rock, tôi đã khoác được lên mình sức thu hút và thuyết phục không kém gì họ.

d)    Hành vi (cách giao tiếp)

Khía cạnh tiếp theo chúng ta cần quan sát và mô phỏng chính là hành vi của những người thành công, đặc biệt là cấu trúc ngôn ngữ của họ. Họ dùng những từ ngữ gì? Cách họ xếp câu ra sao? Họ tiếp cận vấn đề bằng cách nào? Ánh mắt, các cử động đầu, cơ thể, tay chân và giọng nói của họ thế nào?

Ví dụ, tôi để ý thấy những chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm và các bậc phụ huynh “tâm lý” thường đặt tay lên vai/tay con mình, nhìn vào mắt con và mỉm cười mỗi khi trò chuyện với chúng. Thay vì ra lệnh “Bố/mẹ muốn con phải ngoan” (khiến bọn trẻ chống đối), thì họ nhẹ nhàng khuyên nhủ, “Bố/mẹ tin con và biết rằng con sẽ thay đổi.” Điều đáng nói ở đây là chỉ cần thay đổi cách sử dụng từ ngữ, bạn có thể lái phản ứng của con trẻ theo hướng mình muốn.

Trong suốt 9 năm qua, tôi đã đào tạo nhiều nhân viên bán hàng trở thành những người giỏi nhất trong nghề bằng cách dạy cho họ cách hành xử của những chuyên gia bán hàng dày dạn kinh nghiệm. Ví dụ, những nhân viên bán hàng kém cỏi có khuynh hướng chào hàng ngay tại thời điểm họ vừa gặp mặt khách hàng. Ngược lại, những chuyên gia bán hàng sành sỏi dành hơn phân nửa thời gian chỉ để lắng nghe, thiết lập mối quan hệ, thu thập thông tin và khơi dậy sự hứng thú nơi khách hàng. Chỉ khi nào khách có vẻ muốn tìm hiểu thêm, họ mới mang sản phẩm hay dịch vụ ra giới thiệu. Trong khi những nhân viên bán hàng thường thường bậc trung đợi khách đặt câu hỏi rồi mới trả lời, dân bán hàng chuyên nghiệp đón đầu khách hàng và xử lý mọi vướng mắc mà họ có thể nghĩ tới trong lúc trình bày. Hành vi khác biệt này đã giúp cho một số người gặt hái được những thành quả phi thường trong khi những người còn lại chật vật kiếm ăn.

e)    Môi trường

Thành tố cuối cùng mà bạn có thể mô phỏng chính là môi trường sống của cá nhân đó. Thành tố này không phải lúc nào bạn cũng thực hiện được. Tuy nhiên, đôi khi nó có thể mang lại lợi thế cho bạn.

Tôi phát hiện ra rằng hầu hết những người thành công lúc nào cũng giữ cho mình năng động và tràn đầy động lực bằng cách gặp gỡ những người có cùng suy nghĩ và tư tưởng tích cực. Họ cũng dành thời gian với những người sẵn sàng cùng họ động não, nhận thông tin phản hồi và hỗ trợ nhau đi lên. Bạn cũng có thể làm được điều này. Nếu môi trường bạn đang sống không ủng hộ hoặc bồi dưỡng tài năng của bạn, hãy thay đổi môi trường khác. Đừng ngần ngại kết nối với những nhóm người bên trong hoặc bên ngoài sở làm của bạn.

Một điều tôi học được từ Tony Buzan (cha đẻ của Sơ Đồ Tư Duy và là tác giả của hơn 80 quyển sách) là đi đến một vùng xa xôi hẻo lánh, không bị phân tán tư tưởng trong vài tuần để viết sách. Mỗi khi thấy mình bị chi phối quá nhiều hoặc cạn kiệt ý tưởng, tôi mô phỏng môi trường của ông và nhận ra nó cũng phát huy tác dụng với mình.